Người dân Việt Nam tưng bừng đón năm mới Kỷ Hợi

Thu Hằng TH
Chia sẻ
(VOV5) -Xuân Kỷ Hợi 2019 đến trong nắng vàng rực rỡ trên hầu khắp vùng miền của Tổ quốc.

Thời tiết Việt Nam trong dịp đầu Xuân thật lý tưởng để người dân đổ ra đường chào đón thời khắc giao thừa, tham dự các chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước; tham quan các khu di tích lịch sử, tâm linh, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng; lòng tràn ngập niềm tin và hy vọng, hòa cùng thiên nhiên, đất trời với những dự cảm tốt lành về một mùa xuân tươi sáng của đất nước.

Người dân Việt Nam tưng bừng đón năm mới Kỷ Hợi - ảnh 1Tại các khu vực trung tâm vui chơi luôn đông đúc, nhộn nhịp 

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, thời tiết ở Hà Nội ấm áp, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động vui xuân. Ngay sau thời khắc Giao thừa, người dân Thủ đô bắt đầu đi lễ tại các di tích, đền, chùa. Các điểm di tích lớn như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, phủ Tây Hồ, chùa Quán Sứ… đều đông đúc người đi lễ đầu năm. Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi diễn ra Hội chữ Xuân Kỷ Hợi là điểm đến ưa thích của người dân Thủ đô cũng như khách du lịch trong ngày mồng 1 và sáng mồng 2 Tết; hàng chục nghìn lượt người đã đến đây xin chữ, để cầu mong năm mới an bình, thịnh vượng.

Người dân Việt Nam tưng bừng đón năm mới Kỷ Hợi - ảnh 2Phát lộc lì-xì đầu năm cho du khách. Ảnh Báo Pháp luật

Tại thành phố Huế, Ngọ Môn - Kinh thành Huế, đón đoàn khách quốc tế bằng tàu biển Silversea gồm 168 người đến xông đất Đại nội Huế. Các điểm di tích thuộc Khu Di sản Huế mở cổng miễn phí cho người dân địa phương và du khách Việt Nam từ mồng 1 đến hết mồng 3 Tết (7-2). 

Năm nay, tại thành phố Hồ Chí Minh, ngay từ ngày mồng 1 Tết, một số đơn vị lữ hành đã tổ chức lễ xuất hành đầu năm mới, đưa khách du xuân ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng trong nước và thế giới; đối với du lịch trong nước, các thị trường được đông đảo du khách lựa chọn vẫn là tuyến miền bắc; con đường di sản miền trung; Tây Nam Bộ, trải nghiệm Tết phương nam.

Với người Điện Biên, xuân Kỷ Hợi 2019 có ý nghĩa đặc biệt, sẵn sàng chào đón sự kiện 65 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 110 năm thành lập tỉnh. Trong những ngày đầu Xuân, chương trình nghệ thuật với chủ đề “Điện Biên - Đẹp mãi những mùa xuân”, thu hút hàng nghìn người theo dõi. Để phục vụ du khách và đồng bào các dân tộc du xuân, bắt đầu từ mồng 3 Tết (7-2), tại sân hành lễ Tượng đài Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức các hoạt động: Liên hoan nghệ thuật “Giai điệu mùa xuân”; tổ chức thi đấu các môn: tung còn, nhảy bao bố, đẩy gậy, kéo co, cờ tướng… 

Người dân Việt Nam tưng bừng đón năm mới Kỷ Hợi - ảnh 3Khởi hành du xuân. Ảnh PL 

Đêm Giao thừa, hàng chục nghìn người dân ở thành phố Hà Giang đã đến Quảng trường 26-3 xem biểu diễn nghệ thuật và bắn pháo hoa. Ngay sau màn bắn pháo hoa và trong cả ngày mồng 1 Tết, người dân ở thành phố và các huyện lân cận đến chùa Sùng Khánh, chùa Quan Âm, đền Mẫu để cầu một năm mới bình an.

Tại Đà Nẵng, những điểm đến thu hút đông đảo người dân, du khách du xuân là Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng, Bana Hill, Công viên 29-3… Trong những ngày đầu năm mới, thành phố tại thành phố Đà Nẵng diễn ra các hoạt đọng vui chơi thu hút đông đảo người dân và khách du lịch tham gia, như: Triển lãm Sắc xuân Kỷ Hợi 2019, các hoạt động trải nghiệm cho công chúng và du khách, chương trình Lộc Xuân đầu năm 2019 tại Bảo tàng Đà Nẵng...

Mừng Xuân Kỷ Hợi 2019, thành phố Cần Thơ trang hoàng rực rỡ cờ, hoa khắp các tuyến đường trung tâm, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào mừng năm mới, như chương trình ca, múa nhạc đặc sắc, đông đảo người dân, du khách các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đến tham quan, lễ Phật ở Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền)…

Người dân Việt Nam tưng bừng đón năm mới Kỷ Hợi - ảnh 4Khai lễ hội Lồng thồng xứ Lạng. Ảnh TP 

Với người dân Việt Nam, đi lễ chùa vào ngày Tết, ngày xuân, là một phong tục đẹp. Những ngày đầu năm mới, mọi người cùng nhau đi lễ chùa, cầu mong cho gia đình an khang, thịnh vượng. Ở Huế, tại các ngôi chùa lớn như tổ đình Tự Đàm, Thiên Minh, Từ Hiếu, Báo Quốc… hàng nghìn người đến dâng hương lễ Phật.

Phong tục đi lễ chùa đầu năm cũng được duy trì ở Trường Sa. Trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa hiện đã có nhiều ngôi chùa trên các đảo như Trường Sa, Sơn Ca, Sinh Tồn, Phan Vinh... Đồ lễ chùa ngày Tết đơn giản như đĩa trái cây, gói bánh quy… mộc mạc, giản dị như chính con người nơi đây, nhưng gửi gắm vào đó biết bao mong ước cho mưa thuận, gió hòa, cho cuộc sống an bình, phát triển của quân và dân trên đảo.

Hằng năm, mỗi dịp đầu Xuân năm mới, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, lại mở hội đua thuyền truyền thống để tưởng nhớ về cội nguồn tổ tiên, các vị tiền hiền buổi đầu khai sinh đất đảo và đội hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa, đã có công bảo vệ biên cương Tổ quốc cũng như cầu mong quốc thái dân an, người an vật thịnh, ngư dân thuận buồm xuôi gió khi xa khơi khai thác hải sản. Lễ hội diễn ra từ ngày mồng 4 đến mồng 8 tháng Giêng với sự tham gia của 8 thuyền đua. Mỗi thuyền đua mang tên một con vật trong bộ tứ linh và được chạm khắc sinh động, tạo cho người xem cảm nhận như những con vật tứ linh đang lướt trên biển sóng. Ông Võ Văn Cẩm, người dân ở xã An Hải, huyện Lý Sơn, chia sẻ: Cuộc đua làm cho mình phấn khởi, ra sức lao động sản xuất đầu năm, rồi thi đua giành thắng lợi về thuyền mình để đem lại kết quả đầu năm cho dân chúng được an lành."

Trải qua gần 200 năm, lễ hội đua thuyền Tứ Linh đầu Xuân là nét sinh hoạt độc đáo của cư dân đảo Lý Sơn. Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết:         "Lễ hội đua thuyền truyền thống tứ linh, đây là lễ hội có từ lâu đời. Theo văn tế thì có từ năm 1826. Chúng tôi cũng đang đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận lễ hội đua thuyền truyền thống tứ linh này là lễ hội phi vật thể.

Lễ hội đua thuyền tứ linh được cư dân trên đảo Lý Sơn gìn giữ, tạo nên sự độc đáo trong văn hóa đời sống của người dân trên đảo, góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống của người dân Lý Sơn.

Tại Bảo tàng tỉnh Hưng Yên vừa diễn ra Lễ phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” - Xuân Kỷ Hợi 2019. Năm 2019, toàn tỉnh Hưng Yên phấn đấu trồng 180.000 cây, gồm 136.000 cây ăn quả. Năm 2019, Tỉnh hướng tới chuyển đổi cây trồng và trồng cây theo quy hoạch, sản xuất tập trung, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phong trào mỗi làng một sản phẩm, chuyển đổi nhanh cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế…

Còn tại tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội đua thuyền trên sông Lô xuân Kỷ Hợi 2019. Đây là hoạt động lễ hội được thành phố Tuyên Quang tổ chức hằng năm vào dịp đầu Xuân, thu hút hàng vạn người dân và du khách. Hội đua thuyền trên sông Lô là lễ hội sông nước độc đáo của nhân dân thành phố Tuyên Quang, được lưu truyền từ xa xưa, thể hiện sự mạnh mẽ, tinh thần thượng võ và khát khao chinh phục sông nước của người dân thành phố Tuyên Quang, tạo nên bản sắc văn hóa của vùng đất và con người xứ Tuyên.

Tại Hải Dương, trong 2 ngày đầu của năm mới Kỷ Hợi 2019, các điểm di tích tại Hải Dương, nhất là các di tích quốc gia đặc biệt như Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc; quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương; Văn miếu Mao Điền và Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đền Xưa - chùa Giám - đền Bia, đã đón hàng vạn lượt du khách đến dâng hương, chiêm bái, thưởng ngoạn phong cảnh.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu