Việt Nam đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử

Chia sẻ
 

Chiều 31/10, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về vấn đề kiểm soát nợ nước ngoài; hoàn thiện chính sách thuế; tái cơ cấu ngành nông nghiệp; ô nhiễm môi trường; đổi mới giáo dục và đào tạo; cải cách thủ tục hành chính; chất lượng điều tra, truy tố, xét xử…

Trả lời Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, Tạ Văn Hạ, về những giải pháp trước tình hình biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp và ảnh hưởng tiêu cực ngày càng nặng nề, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, cho biết: "Chúng tôi tập chung cho các chương trình phòng chống thiên tai và dự báo biến đối khí hậu và tăng cường thêm trọng điểm chương trình biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên môi trường chủ trì và Bộ Khoa học công nghệ quản lý về nhà nước. Bước đầu đã có những kết quả khi các nhà khoa học đã xây dựng kịch bản và nâng cao độ tin cậy của biến đổi khí hậu và nước; đánh giá được thực trạng, xu thế biến động và cơ chế, nguyên nhân xói lở, bồi đắp cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Ngoài ra các nhà khoa học cũng đưa ra giải pháp chung, cũng như công tác bảo vệ bờ biển và mô hình chống xói lở cho một số địa phương cùng một số giống vật nuôi, cây trồng, mô hình canh tác... chưa kể các bản đồ cho vùng".

Việt Nam đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử - ảnh 1Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM giới thiệu về hóa đơn điện tử

Trả lời Đại biểu Thành phố Hải Phòng Bùi Thanh Tùng đoàn Hải Phòng, vấn đề liên quan đến dịch vụ công trực tuyến chia sẻ dữ liệu và xây dựng Chính phủ điện tử, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn quan tâm và coi trọng ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử trong các cơ quan hành chính nhà nước cũng như các dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, tổ chức Liên hiệp quốc xếp hạng Việt Nam xếp thứ 88/183 quốc gia, lãnh thổ về phát triển Chính phủ điện tử: "Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ủy ban quốc gia Chính phủ điện tử trên cơ sở quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin. Từ đó, có thể nói đưa ra một số giải pháp. Thứ nhất, Thủ tướng cũng đã giao cho một số bộ, ngành liên quan chủ trì để xây dựng cơ sở pháp lý. Thứ hai, phải xây dựng được khung tổng thể kiến trúc về Chính phủ điện tử. Đồng thời, xây dựng nền tảng về cơ sở dữ liệu quốc gia, đặc biệt là vấn đề liên quan đến hạ tầng công nghệ thông tin phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Có thể nói cần phải tiến hành đồng bộ tất cả các bộ, ngành địa phương để thành công trong việc xây dựng Chính phủ điện tử".

Ngày mai, 1/11, Quốc hội tiếp tục phiên thứ 3 và cũng là phiên cuối cùng của họat động chất vấn và trả lời chất vấn. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu