“Khu đất an toàn” là chủ đề được Liên hợp quốc lựa chọn cho Ngày thế giới phòng chống bom mìn 4/4/2019. Dịp này, Việt Nam cũng tổ chức một loạt sự kiện để hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bom mìn.
Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó tổng giám đốc VNMAC (đứng) trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online tại buổi họp báo sáng 02/04. - Ảnh: tuoitre |
Tại buổi họp báo sáng 2/4, tại Hà Nội, Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó tổng giám đốc Trung tâm hành động bom mìn quốc gia, cho biết: “Chúng tôi sẽ tổ chức lễ mit tinh tại thành phố Đông Hà (Quảng Trị), một địa phương chịu hậu quả nặng nề bởi bom mìn; tuyên truyền tại các trường học của tỉnh để giúp các em học sinh nhận biết, phòng tránh tai nạn bom mìn. Trước đó đã tổ chức hai hội thảo quốc tế tại Trụ sở Liên Hợp Quốc (New York, Hoa Kỳ) và tại thủ đô Washington D.C. Hai hội thảo này cho thấy thái độ, trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam với hậu quả chiến tranh nói chung và bom mìn nói riêng đồng thời để những quốc gia gây ra chiến tranh cần có hành động cụ thể đối với hậu quả của cuộc chiến”.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm hành động bom mìn quốc gia và Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam thông tin về những hoạt động khắc phục hậu quả bom, mìn thời gian qua cũng như phát triển mạng lưới phục hồi chức năng cho nạn nhân bom, mìn.
Ông Nguyễn Bá Hoan, Chánh văn phòng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết: “Việt Nam mong muốn trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn. Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, lâu dài. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ quốc phòng đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn tại những vùng bị ô nhiễm, tập trung ở những địa bàn như Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Hà Giang, Đồng bằng sông Cửu Long... Tuy nhiên để làm sạch hết hậu quả bom mìn sau chiến tranh, Việt Nam cần kinh phí hàng chục tỷ USD, chưa kể hàng tỷ USD cho việc tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm bom mìn”.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tình trạng ô nhiễm bom mìn và chịu hậu quả của bom, mìn nặng nề nhất thế giới. Số bom, mìn vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung.