Phong trào thi đua là cội nguồn sức mạnh của sự phát triển

Thu Hằng, Thanh Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) - Thủ tướng nhấn mạnh: Ngày nay, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất có được là kết tinh của nhiều phong trào thi đua sôi nổi...

Với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X khai mạc sáng 10/12, với sự tham dự của 2.300 đại biểu, gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các điển hình tiên tiến đại diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học công nghệ...; các thành phần tôn giáo, dân tộc, nhân sĩ, trí thức, thầy thuốc, nhà giáo, nghệ nhân, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học...

Phong trào thi đua là cội nguồn sức mạnh của sự phát triển - ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Đại hội- Ảnh Thống Nhất/ TTXVN

Phát biểu khai mạc Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ cách đây 72 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Thực hiện Lời kêu gọi thiêng liêng đó, toàn dân tộc Việt nam hăng hái thi đua xây dựng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thủ tướng nhấn mạnh: Ngày nay, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất có được là kết tinh của nhiều phong trào thi đua sôi nổi, bao gồm cả những cống hiến và hy sinh thầm lặng ở mọi cấp, mọi ngành, mọi hình thức xã hội; phong trào thi đua yêu nước ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, những tấm gương thi đua điển hình của Việt Nam ngày càng nhiều.

"Chúng ta thấy nhiều hình ảnh cảm động, nhân văn, những tấm gương đa dạng trong nhiều lĩnh vực, từ người chiến sỹ lực lượng vũ trang đến người già, trẻ nhỏ đều có tấm lòng đối với đất nước trong lúc khó khăn, bệnh tật diễn ra. Chúng ta đã làm những việc mà thế giới cảm động, tâm phục. Các phong trào thi đua góp phần quan trọng vào việc động viên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; khơi dậy được tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, hun đúc ý chí mạnh mẽ khát vọng hùng cường của dân tộc Việt Nam. Tinh thần thi đua vượt lên chính mình chính là cội nguồn sức mạnh của sự phát triển." Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói,

Phong trào thi đua là cội nguồn sức mạnh của sự phát triển - ảnh 2 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. - Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tại Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu chỉ đạo, trong đó nêu rõ, công tác thi đua khen thưởng có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần tạo ra động lực thúc đẩy các hoạt động cách mạng”, thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Trong thời gian tới, phong trào thi đua yêu nước cần cổ vũ các bộ, ban, ngành, địa phương và nhân dân cả nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng tốt các cơ hội, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới, đưa đất nước phát triển, phấn đấu thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).

Phong trào thi đua là cội nguồn sức mạnh của sự phát triển - ảnh 3

Các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng Nhà nước và đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ. - Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của từng bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và tiến hành thường xuyên, liên tục. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới toàn diện, phát huy tinh thần sáng tạo trong tổ chức phong trào thi đua sao cho thật bổ ích, thiết thực, tránh hình thức lối mòn, nhàm chán, tẻ nhạt; đối tượng thi đua cần phải rộng rãi; bảo đảm hài hòa các lợi ích của người lao động, của bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và của xã hội."

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, tạo chuyển biến mạnh mẽ và thực chất, bảo đảm khen thưởng chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, có tác dụng giáo dục, nêu gương. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị, sau Đại hội, hơn 2.000 đại biểu là điển hình tiên tiến, Anh hùng, Chiến sĩ thi đua tiếp tục phát huy năng lực, trí tuệ, tích cực tham gia và làm nòng cốt các phong trào thi đua yêu nước tại cơ quan, địa phương, đơn vị để những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt nhanh chóng được lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng xã hội.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu