Xuân về trên đất tổ chèo Làng Khuốc

Ngọc Ngà
Chia sẻ

(VOV5)- Từ xa xưa, vùng bắc sông Thái Bình từng lưu truyền câu ngạn ngữ “Ăn làng Ngói. Nói làng Khuốc. Thuốc làng Nguyễn”. Người Làng Khuốc nổi tiếng nói năng nhẹ nhàng, hát chèo hay, múa chèo giỏi.

(VOV5)- Từ xa xưa, vùng bắc sông Thái Bình từng lưu truyền câu ngạn ngữ “Ăn làng Ngói. Nói làng Khuốc. Thuốc làng Nguyễn”. Theo cuốn “Hí phường phả lục” của Trạng nguyên Lương Thế Vinh, Làng Khuốc thuộc xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, là 1 trong 7 nôi chèo của Việt Nam với hàng chục gánh chèo đi biểu diễn khắp mọi miền đất nước. Người Làng Khuốc nổi tiếng nói năng nhẹ nhàng, hát chèo hay, múa chèo giỏi.

Giống như bao người dân làng này, dường như cô bé Phạm Thị Hải, mới 6 tuổi, nhưng biết hát chèo từ khi biết nói. Chẳng ai rõ chèo làng Khuốc có tự bao giờ. Chỉ biết rằng, từ xa xưa, chèo làng Khuốc đã nức tiếng khắp nơi. Mảnh đất bình dị ấy đã sinh ra những ông tổ nghiệp chèo như Trùm Đào, Trùm Thương, Huyện Đoàn, Kép Mục… Chèo đã gắn bó lâu đời, thành cơm thành gạo của người dân nơi đây. Để rồi người làng Khuốc nói chuyện với nhau trong làng ngoài ngõ đều ví von, điệu đà, nhất tự đa nghĩa, đôi tay đưa lên, đích thị múa chèo, điệu múa mượt mà của người dân quê lúa. Bà Nguyễn Thị Minh, một người dân làng Khuốc, chia sẻ: “Tôi yêu các làn điệu chèo, hình như chèo đã ăn vào máu thịt nên tôi mê chèo lắm. Giờ nhà tôi tất cả con cháu trong một gia đình có thể diễn một vở “Lưu Bình Dương Lễ”. Có truyền thống nên anh em, con cháu đều có chất chèo. Nghe hát chèo sướng lắm, thích lắm.”

Ông Quách Văn Sáu, cán bộ văn hóa xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, cho biết:“Bảo tại sao người ta yêu chèo, bởi ngay từ bé khi nằm trên tay mẹ đã được mẹ ru bằng những câu hát chèo, nó cứ ngấm dần rồi đứa bé lớn lên tự nhiên yêu chèo, chứ hỏi tại sao yêu chèo thì chẳng ai lý giải được. Nhiều người nghĩ là nói quá nhưng thực chất, chèo ở làng Khuốc là nét sinh hoạt văn hóa đã ngấm vào máu thịt người dân ở đây ví như cơm ăn nước uống hàng ngày.”

Xuân về trên đất tổ chèo Làng Khuốc  - ảnh 1
Một buổi tập chèo của người dân làng Khuốc - Ảnh: Báo Đại đoàn kết

Chiếu chèo làng Khuốc là sân khấu 4 mặt để diễn viên, khán giả có thể giao lưu trực tiếp với nhau. Thế nên, diễn viên làng Khuốc giỏi ứng diễn, từ câu hát, lời ca, họ có thể ứng diễn cho phù hợp với không khí từng buổi diễn chứ không theo khuôn mẫu. Người diễn, người xem như quên cả mệt mỏi, quên cả cuộc sống lao động vất vả khi hoá thân vào những giấc mơ đẹp, những đạo lý vuông tròn. Người làng Khuốc đi diễn chỉ mang theo một cái hòm đựng đạo cụ, quần áo. Ngay cả cái hòm cũng là một đạo cụ, lúc là ngai vàng của vua ngự, khi là án thư để quan lớn phê duyệt giấy tờ, có lúc lại là cái ghế để anh khóa tựa lưng đọc sách. Chiếc quạt trong tay cũng là một đạo cụ đa năng. Nói như ông Nguyễn Văn Ro, chủ nhiệm Câu lạc bộ Chèo làng Khuốc, chèo làng Khuốc bình dị mà gần gũi, chân thật như chính những người dân nơi đây: “Người ta hát không hay nhưng mà người ta hát đúng. Một ưu điểm nổi trội nữa là họ diễn rất điêu luyện, một số làn điệu họ hát khiến mình cảm thấy như  thật. Như điệu “Đắp chăn giời” cho người ta cảm nhận là ông ấy đã uống say ngà ngà thật… (hát điệu “đắp chăn giời”).”


Hiện nay, trong hơn 150 làn điệu và vở diễn chèo được thống kê thì người làng Khuốc có thể hát cả trăm làn điệu, có những điệu chỉ chèo làng Khuốc mới có, như: Hà vị, Thu không, Duyên phận, Tả từ đường… rồi các vở chèo cổ như Phan Trần, Kim Nhan, Tống Trân Cúc Hoa… Nếu ai đã từng xem các vở diễn như: Từ Thức gặp tiên, Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Thúy Vân giả dại, sẽ thấy: cũng một vở diễn ấy, cũng những tình tiết, sự kiện ấy nhưng lời văn của chèo làng Khuốc lại khác. Bởi các nghệ nhân làng Khuốc luôn giữ nguyên bản làn điệu chèo cổ. Các điệu chèo làng Khuốc có chấm, phẩy rõ ràng và chỉ có người làng Khuốc dạy người làng Khuốc mới đủ, mới trọn vẹn từng làn điệu. Ông Quách Văn Sáu, cán bộ văn hóa xã, chia sẻ: “Ở làng Khuốc người ta giỏi hơn các nơi khác là ở cái ứng diễn. Người ta ứng diễn ngay trên sân khấu rất hay. Nhiều khi có những cái không có trong kịch bản nhưng họ vẫn diễn mà khán giả không thể biết được. Nó không có sự cách biệt như sân khấu hiện đại, cách xa khán giả. Trước các cụ đánh trống hay 2 tiếng cắc là được khen, có người mang lên thưởng cho vài bông hoa hay cái gì đấy, rất là quý.”  

Xuân về trên đất tổ chèo Làng Khuốc  - ảnh 2
Ảnh: Báo Đại đoàn kết

Trải qua bao thăng trầm, đổi thay của cuộc sống, chèo làng Khuốc vẫn không hề mất đi nguồn cội tâm linh vốn đã trở thành máu thịt của mỗi người. Múa hát, diễn chèo đã trở thành nếp sống của người dân làng Khuốc, để rồi mỗi dịp Tết đến xuân về, những người con đi làm ăn xa lại quây quần về đất tổ, vui vầy tổ chức hội chèo. Thi diễn chèo để cúng tổ, cũng là để các gánh chèo học hỏi lẫn nhau, thứ nữa là phục vụ dân làng. Những ngày này, cả làng tưng bừng trống phách, người đi xem hát chèo đông như hội. Người ta kháo nhau: dân làng Khuốc ăn Tết bằng chèo…    

Hỡi cô thắt dải lưng xanh

Có xem chèo Khuốc với anh thì về ./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu