“Hoa loa ken” - màu nước trên giấy dó của họa sĩ Đào Thành Dzuy |
Họa sĩ lão thành Nguyễn Văn Chung sinh năm 1936 tại Hà Nội, tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1969. Được biết đến như là một họa sĩ có nghệ thuật vẽ lụa truyền thống điêu luyện và đầy sang trọng, họa sĩ Nguyễn Văn Chung có nhiều tác phẩm nằm trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và các nhà sưu tập trong, ngoài nước. Thời kỳ đầu đi thực tế chiến trường ác liệt, ông gắn liền với các hình tượng dân quân, nông dân, o du kích…; tạo ra các tác phẩm tái hiện hơi thở một thời như: Trăng trên cồn cát, Trong lán dân quân, Khâu nón, Trăng về sáng. Sau giải phóng, ông trở về các chủ đề vĩnh cửu như tĩnh vật, chân dung...
"Tôi muốn có một triển lãm chung với các con để ghi dấu kỷ niệm của một thời. Tôi bị rất nhiều bệnh, phải cố gắng lắm mới vẽ được, lúc nào cũng vẽ và năm nào tôi cũng tham gia triển lãm của Hà Nội. Tôi vẽ vì niềm say mê hội họa, vì tình yêu với các đối tượng mà mình yêu thích. Chính sự xúc động, sự cảm nhận của tôi, tình cảm của tôi đối với ngôn ngữ hội họa đã thôi thúc tôi vẽ, chứ tuyệt nhiên không nghĩ đến việc bán tranh" - ông tâm sự.
Họa sĩ Nguyễn Văn Chung |
"Vẽ vì niềm đam mê, vì tình yêu với đối tượng mà mình yêu thích”, vì lẽ đó, họa sĩ Nguyễn Văn Chung hầu như nói không với cách điệu, lập thể bởi chúng không cùng tôn chỉ tôn trọng bố cục tạo hình cực kì chặt chẽ của ông. Mọi khoảng thừa thiếu, khống chế màu sắc, nét dày nét mỏng đều phải được làm tỉ mẩn. Cũng vì vậy, thường thấy họa sĩ Nguyễn Văn Chung thành công ở các chất liệu truyền thống như sơn dầu, tranh lụa, ký họa nhiều hơn. Với sức biểu cảm phong phú và ấn tượng, họa sĩ Nguyễn Văn Chung thể hiện những hoạ tiết, đồ vật một cách khá tinh tế trên những bức tranh tĩnh vật. Đó cũng chính là cảm nhận của họa sĩ Phạm Công Thành, bạn thân của ông: Hơn 80 mà vẫn vẽ được thế là đáng quý lắm rồi. Ông vẽ ký họa trong chiến tranh, giờ vẽ tĩnh vật khá nhiều. Một con người lúc nào cũng tươi vui lạc quan mà trong tranh của ông cũng truyền được hơi thở đó…
“Trăng trên cồn cát ” - tranh Lụa của họa sĩ Nguyễn Văn Chung |
Con rể của họa sĩ Nguyễn Văn Chung, Đào Thành Dzuy là một họa sĩ thành danh từ những năm đầu tiên của giai đoạn mở cửa. Sinh năm 1959 và tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Slovakia, họa sĩ Đào Thành Dzuy đã tham gia nhiều triển lãm trong và ngoài nước liên tục từ những năm 90 của thế kỷ trước. Là một người được đào tạo bài bản về hội họa sơn dầu, song họa sĩ Đào Thành Dzuy lại rất thành công trong việc thể hiện các chủ đề tinh tế mang mỹ cảm phương đông thuần túy với một bút pháp hàn lâm qua các kỹ thuật màu nước phương Tây trên giấy dó truyền thống. Là một họa sĩ có sức lao động đáng nể, Đào Thành Dzuy liên tục làm mới mình về chủ đề và phương thức biểu hiện. Trong triển lãm gia đình này, anh giới thiệu một loạt tác phẩm màu nước đen trắng trên giấy dó, thành quả mà họa sĩ ấp ủ gần một năm nay cho riêng sự kiện đáng ghi nhớ này.
"Tôi sử dụng giấy dó là chất liệu truyền thống, còn bột điệp để quét in tranh Đông Hồ thì tôi lại dùng bột điệp đó để rắc xuống dưới sau đó mới biểu lên trên để tạo cho bề mặt giấy dó được dày dặn lên và không bị cong cũng như chống mốc rất tốt. Đó là một quá trình tìm tòi sáng tạo…Tôi nghĩ chất liệu này sử dụng vừa có hiệu quả về mặt thẩm mỹ vừa có tác dụng giữ lâu dài trong điều kiện khí hậu ẩm thấp của nước" - Anh nói.
Với Đào Thành Dzuy, anh vẽ nhiều loài hoa, nhưng nổi bật hơn cả là những bức tranh vẽ hoa sen. Hoa sen hiển hiện trên toan giấy dó nhưng không vì thế mà mất đi vẻ tươi tắn, kiêu sa, đài các, bởi qua quá trình tìm tòi, họa sĩ Nguyễn Thành Dzuy đã có cách sử dụng chất liệu thuốc nước rất hiệu quả:
"Giấy dó mà vẽ bằng thuốc nước thì rất là khó. Loáng thoáng thì dễ nhưng để nó sắc và mạnh như sơn dầu thì rất khó. Mình vẽ thuốc nước lên tác phẩm nhiều lần, mỗi lần vẽ thì nó lại đỏ lên một tí. Mình không thể vẽ ngay nó đậm được mà phải vẽ nhiều lớp. Vì thế những màu đen trắng không bị đầy mà trông nó sâu thăm thẳm và người xem có cảm giác như thò được tay vào trong khoảng đen ấy…"
“Nude 2” của họa sĩ Nguyễn Trung Hiếu |
Tác giả còn lại là họa sĩ Nguyễn Trung Hiếu, sinh năm 1974, là con trai của họa sĩ Nguyễn Văn Chung. Công tác tại báo Tiền Phong, Nguyễn Trung Hiếu không dành nhiều thời gian sáng tác, nhưng là người phụ trách công việc của một họa sĩ trình bày báo, anh thể hiện mình là một nghệ sĩ sáng tác có cảm xúc tốt. Các tác phẩm của anh trưng bày tại triển lãm chủ yếu vẽ nuy, chất liệu sơn dầu và mang phong cách hiện đại.
Ba cha con-ba họa sĩ mỗi người một chủ đề, một phoách, một mảng đề tài tạo sự riêng biệt, hài hòa mà không trộn lẫn. Đến triển lãm từ khá sớm, họa sĩ Đỗ Văn Đức bày tỏ: "Một triển lãm rất thú vị vì ba cha con có những đặc điểm riêng, khác biệt. Ông Chung vẽ tranh cũng giống như con người ông: hiền từ và chân thật. Trong thể hiện có cái nét bút nhẹ nhàng. Tôi thích những bức tranh ông vẽ hoa. Bởi nó mang cảm xúc của người vẽ…Tranh của Thành Dzuy, con rể xử lý trên giấy dó rất giỏi, điêu luyện với một kỹ thuật cực cao, nhất là giấy dó trên khuôn khổ lớn. Thành Zduy để lại ấn tượng đối với tôi rất lớn. Còn cậu út Trung Hiếu thì vẽ hiện đại, nhưng so với anh rể và bố thì chưa bằng được. Nó mới chỉ dừng lại ở sự tìm tòi của một họa sĩ trẻ. Công chúng sẽ được hưởng một không khí rất tuyệt vời mà triển lãm mang lại. Bởi nó mơ màng và biểu hiện của một kỹ năng tuyệt vời, nó có cung bậc để khán giả xem".
Họa sĩ Nguyễn Trung Hiếu |
“36-59-74” là tên của cuộc triển lãm, được lấy từ năm sinh của ba bố con, ba họa sĩ, ba tác giả. Không chỉ như vậy, triển lãm này còn có sự tham gia của mọi thành viên trong gia đình họa sĩ Nguyễn Văn Chung; ví như cháu của ông tham gia thiết kế và trình bày các ấn phẩm của triển lãm, còn con gái ông chuẩn bị phần hậu cần… Cũng nhân dịp triển lãm này, BTC giới thiệu cuốn sách dày dặn, giấy đẹp in nhiều hình ảnh và hơn 200 bức tranh ký hoạ trong suốt cuộc đời công tác và làm nghệ thuật của họa sĩ Nguyễn Văn Chung.