Trí tuệ nhân tạo thử thách người cầm bút

Dương Hà
Chia sẻ
(VOV5) - "Khi AI viết văn sẽ thúc đẩy các nhà văn buộc phải tư duy sáng tạo"

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội vừa tổ chức buổi thảo luận “Một tương lai “AI” viết văn” (“AI” là tên viết tắt của cụm từ Artificial Intelligence, dịch nghĩa là “Trí tuệ nhân tạo”).  Làm thế nào để có được sáng tác chất lượng mà không dựa vào công thức, hay tương lai có hay không việc  trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế khả năng sáng tạo của các nhà văn?

Trí tuệ nhân tạo thử thách người cầm bút - ảnh 1 Hình minh họa: cafe.vn

Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, trí tuệ nhân tạo ngày càng được phổ biến trong hầu khắp các lĩnh vực. Trong lĩnh vực văn chương, trí tuệ nhân tạo đã và đang có vai trò như thế nào? Một số nghiên cứu chứng minh rằng trong mô-típ truyện cổ tích, trinh thám và kinh dị đều có hơi hướng của công thức, là cái mà trí tuệ nhân tạo có thể thực hiện được. Vì vậy điều làm nên sự khác biệt giữa người cầm bút và trí tuệ nhân tạo chính là xúc cảm thẩm mỹ, là tiếng lòng đồng cảm với hỉ nộ ái ố trong cuộc sống.

Tác giả trẻ Vũ Đức Anh – người khởi xướng sự kiện “Một tương lai AI viết văn” cho rằng trí tuệ nhân tạo sẽ không thể thay thế công việc kiến tạo nghệ thuật của người cầm bút, nhưng nếu nhà văn không có ý thức kiếm tìm điều mới mẻ thì rất có thể trong tương lai AI sẽ vượt trước: "Ngày nay thì có nhiều nhà văn sáng tác theo công thức và đơn đặt hàng. Điều đó không thể đáng giá được lợi hay hại cho văn chương. Chính vì có công thức nên người viết giữ được mạch truyện. Và đôi khi có những ý tưởng tốt nhưng nhà văn không biết triển khai như thế nào thì chính câu chuyện của công thức lại giúp họ hoàn thành được tác phẩm, ít nhất là về bản thảo. Đã từng có những bộ phim và truyện tranh do trí tuệ nhân tạo viết nên. Thậm chí là rất được yêu thích.

Khi AI viết truyện còn liên quan tới thị trường. Ví như biết được câu chuyện đó là do AI viết thì người đọc có sẵn sàng mua không? Trong tương lai tôi nghĩ sẽ có AI viết ẩn danh các nhà văn, mà chúng ta không nhận ra. Điều này không có hại cho văn học. Đôi khi AI miêu tả còn chính xác hơn cả nhà văn bởi không chịu sự chi phối của cảm xúc. Tuy nhiên văn chương là thứ chống lại những gì thuộc về công thức, nên mới có giọng văn riêng biệt…Khi AI viết văn sẽ thúc đẩy các nhà văn buộc phải tư duy sáng tạo…" - Vũ Đức Anh nói.

Còn với tác giả trẻ Hiền Trang, người vừa nhận Giải C Cuộc thi “Văn học tuổi 20” có tham luận đáng chú ý “Trí tuệ nhân tạo không chỉ là người viết văn mà còn là độc giả của mình”. Liệu chúng ta có còn cần nhà văn nữa không khi mà trí tuệ nhân tạo có thể viết văn thậm chí viết còn hay hơn nhà văn nữa?

Hiền Trang cho rằng chính sự sáng tạo không ngừng của người cầm bút khai thác về những đứt gãy tâm hồn của con người trong cuộc sống hiện đại sẽ là điều khác biệt mà trí tuệ nhân tạo không thể bắt kịp: "Trong thế giới mà AI không chỉ viết văn mà còn là độc giả của thì có ý nghĩa gì với mọi người. Liệu chúng ta còn cần tới nhà văn nữa không khi mà AI có thể viết văn, thậm chí còn viết hay hơn cả người cầm bút nữa. Với cá nhân thì mình thấy rằng văn chương là tiếng nói của con người và vì thế mình cũng muốn thể hiện bày tỏ quan điểm riêng về việc tại sao AI không thể thay thế được con người. Đối với người cầm bút trước hết là viết cho chính mình. Họ viết không phải là để muốn nói một điều gì, mà họ có cái gì đó để viết. Thì chừng cảm thấy mình có cái gì đó để nói thì mình sẽ viết. Thế nên viết đối với mình chẳng có áp lực gì cả vì chúng tôi có điều muốn nói lên chúng tôi mới viết."

Trong tương lai, rất có thể trí tuệ nhân tạo sẽ kiến tạo nên trang viết. Thậm chí là cả các sản phẩm nghệ thuật độc đáo không thua kém tài năng của các văn nghệ sĩ chuyên nghiệp. Đây là điều được chị Vũ Thị Thanh Bình chia sẻ khi tham dự hội thảo: "AI viết văn là chủ đề mới, lạ thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ, khi mà công nghệ càng ngày càng xâm lấn vào đời sống tinh thần của con người và đang làm thay đổi diện mạo các ngành nghề, thậm chí thay đổi cả nghề mà từ trước tới giờ luôn được xem là sáng tạo của tâm hồn, đó là nghề viết. Mình nghĩ rằng đây là cơ hội để các bạn trẻ quan tâm tới việc viết và văn hóa đọc có dịp để gặp gỡ, trao đổi về sở thích đam mê và sẽ quay lại nhiều hơn với niềm đam mê của chính họ…"

Câu lạc bộ Văn học trẻ là một đơn vị luôn có những sáng kiến thiết thực trong việc tìm kiếm, tổ chức các sự kiện liên quan tới sáng tác văn chương của Hội Nhà văn Hà Nội. Chính vì vậy các hoạt động của Câu lạc bộ luôn nhận được sự quan tâm ủng hộ của Ban chấp hành.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến- Phó chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho rằng buổi thảo luận “Một tương lai “AI” viết văn” là không gian mở giúp các bạn trẻ yêu thích văn chương, muốn tìm hiểu về nghề viết: "Tôi đã đọc một số tài liệu có nói về việc AI viết văn, viết về con người, thậm chí còn viết văn về chính AI nữa. Trong khi đó từ trước tới nay thì nhà văn viết về tất cả. Thế nhưng tôi tin chắc một điều rằng máy móc không thể thay thế được con người. Bởi văn chương là sản phẩm của con người và nó là tiếng nói của tâm hồn không thay thế được. Cách mà các bạn trẻ cung cấp cho mọi người những kỹ năng đầu tiên về nghề viết như hôm nay là bổ ích. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần phải thẳng thắn nói với nhau về những vấn đề văn học đang xảy ra trong đời sống văn chương hôm nay. Với mục đích là để nâng cao con người để vượt qua những thăng trầm trong cuộc sống để trở thành một người viết chân chính. "

Rất có thể trong tương lai sẽ có những cỗ máy biết viết văn và làm thơ. Nhưng đó cũng chỉ là những cỗ máy có thể tạo ra sản phẩm hàng hoạt, theo khuôn mẫu đã được định sẵn. Sáng tạo nghệ thuật hay sáng tạo văn chương chân chính chỉ có thể thăng hoa nhờ cảm xúc và sáng tạo không ngừng nghỉ của văn nghệ sĩ trước những vấn đề của thời đại.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu