“Tranh Tết Kỷ Hợi”: Những tạo hình lạ về con giáp của năm 2019

Nguyễn Vũ Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Triển lãm chung về linh vật năm Kỷ Hợi không chỉ mang tới cái nhìn phong phú về tranh con giáp, mà còn là cơ hội để người sưu tầm, chơi tranh có dịp lựa chọn những tác phẩm ý nghĩa dịp Tết.

Tại Đông A Gallery (số 115 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội) đang diễn ra triển lãm “Tranh Tết Kỷ Hợi 2019.”

Dưới nét vẽ tài hoa của 33 họa sĩ đương đại nước ta, 60 bức tranh với nhiều phong cách khác nhau về chủ đề con lợn- con giáp của năm nay đã được giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật. Cùng một chủ đề nhưng mỗi tác phẩm lại tạo được một ấn tượng và cảm xúc riêng, góp thêm sắc xuân cho không gian nghệ thuật Việt; đồng thời đem đến những cái nhìn mới, những chiêm nghiệm thú vị cho người xem về con giáp “Hợi” khi Tết đến, xuân về.

“Tranh Tết Kỷ Hợi”: Những tạo hình lạ về con giáp của năm 2019 - ảnh 1Tranh tại triển lãm - Ảnh: Báo An ninh thủ đô 

Những tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Tranh Tết Kỷ Hợi” được thể hiện theo nhiều phong cách khác nhau: hiện thực, biểu hiện, trừu tượng… trên nhiều chất liệu đa dạng như: acrylic, sơn dầu, sơn mài… Với những phong cách riêng biệt, con giáp của năm nay được thổi hồn bằng những hơi thở nghệ thuật độc đáo qua đó cũng mang những tình cảm, ước vọng năm mới của mỗi họa sĩ vào trong mỗi tác phẩm.

Với bức tranh “Lợn Mán” và “Tự họa năm Hợi” của họa sĩ Thành Chương, người xem dễ dàng nhận thấy ngôn ngữ hội họa rất đặc trưng của họa sĩ đó là những mảng màu nguyên, tươi rói, tương phản mạnh, đậm chất dân gian nhưng cũng rất hiện đại. Còn với tác phẩm “Sung mãn” và “Sung túc” của Lê Trí Dũng được gợi hứng từ tranh dân gian Đông Hồ, cùng hướng tới một năm Hợi no đủ, sum vầy, sinh sôi nảy nở.

Tham gia triển lãm với bức tranh sơn dầu “Ngày Tết”, họa sĩ Phạm Bình Chương muốn đem đến cho người xem hình tượng con lợn vẫn mang nét dân gian nhưng dưới nét vẽ độc đáo của phong cách hiện thực: “Nếu như mình vẽ con lợn theo phong cách hiện thực thì e là rất khó và nó cũng không theo mạch nguồn sáng tác của tôi, vì vậy tôi vẫn đưa hình tượng con lợn mà vẫn vẽ hiện thực, thậm chí là vẽ hiện thực kỹ nhưng con lợn này là tranh dân gian Đông Hồ và được đặt trong không gian của ngôi nhà Pháp cổ với một không khí của thời Pháp thuộc nhưng lại có cả hình tượng Việt Nam là tranh dân gian truyền thống và tôi muốn đặt cùng nhau để tạo nên không khí Tết.”

Với bộ tranh “Xuân, Hạ, Thu, Đông”, hình tượng con lợn lại được họa sĩ Trương Vũ Trung vẽ với các màu sắc tươi mới, hiện đại: “Vốn dĩ con lợn nó đã đẹp rồi mỗi họa sĩ có cách thể hiện khác nhau. Với tôi muốn con lợn nó khác biệt hơn nó được nghệ thuật hóa, được thay đổi đi để làm phong phú hình tượng con lợn chứ không  nhất thiết là ảnh hưởng của con lợn trong tranh truyền thống. Hình tượng con lợn là chủ đề của năm nay tôi vẽ 4 con lợn đại diện cho 4 mùa của năm đều béo tốt, vui vẻ, sung mãn với một lời chúc năm mới cho tất cả mọi người.”

“Tranh Tết Kỷ Hợi”: Những tạo hình lạ về con giáp của năm 2019 - ảnh 2 Tranh tại triển lãm - Ảnh: Báo An ninh thủ đô

Bất kỳ ai đến chiêm ngưỡng những bức tranh tại triển lãm “Tranh Tết Kỷ Hợi 2019” đều có chung một cảm xúc ấm áp, tươi vui, cảm nhận được không khí Tết đến, xuân về rộn ràng: “Hình tượng con lợn là khó vẽ trong 12 con giáp, hình ảnh của nó mang tính phồn thực nhiều hơn nhưng nhìn thấy các họa sĩ vẽ rất là sống động, ấn tượng. Các họa sĩ vẫn nghĩ về cái tết truyền thống của mình và đưa ra được cảm xúc, suy nghĩ và tâm thái của mình vào trong tranh và cũng hòa chung với Tết cổ truyền của dân tộc. Đây là điều đáng mừng trong đời sống sáng tác của các họa sĩ bây giờ.”

Tiếp nối thành công của triển lãm tranh Tết Mậu Tuất năm ngoái, năm nay triển lãm tranh Tết Kỷ Hợi tăng cả về số lượng họa sĩ và tác phẩm tham gia. Điều đó cho thấy, các họa sĩ đương đại của nước ta đang ngày càng quan tâm và hướng về với những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc. Vẽ tranh con giáp vào dịp đón Tết từ lâu đã trở thành nét đẹp được nhiều họa sĩ Việt lưu giữ, tiếp nối. Người yêu nghệ thuật, chơi tranh cũng muốn có tác phẩm đẹp về mùa xuân, năm mới, linh vật của năm treo trong nhà.

Họa sĩ Phạm An Hải, Ban tổ chức triển lãm cho biết: Việc các họa sĩ có một triển lãm chung về linh vật năm Kỷ Hợi không chỉ mang tới cái nhìn phong phú về tranh con giáp, mà còn là cơ hội để người sưu tầm, chơi tranh có dịp lựa chọn những tác phẩm ý nghĩa dịp Tết: “Từ xa xưa người dân Việt Nam mình đã có truyền thống chơi tranh Tết là tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống. Đây là lần thứ hai chúng tôi tổ chức triển lãm Tranh Tết mang tinh thần một nét văn hóa dân gian truyền thống tuy nhiên là một cuộc chơi của các họa sĩ nên cũng mang tính chất đương đại và mang hơi thở của cuộc sống hôm nay.”

Trong không khí rộn ràng của những ngày cuối năm Mậu Tuất, chào năm mới Kỷ Hợi, triển lãm như một lời chào đón linh vật mới, đánh dấu sự khởi đầu của một năm an lành, hạnh phúc mang đến điểm nhấn nghệ thuật cho mùa xuân thủ đô.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu