Thái Kim Lan và những mùa thương nhớ Huế

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Không có mùa thương nhớ Huế nào thiếu Thái Kim Lan trong đó...

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Giáo sư Thái Kim Lan, xa Huế sang Đức với triết học, vẫn thường luôn trở về với Huế, với Việt Nam và bây giờ lại trở lại với “Mai rồi mưa tạnh trong xuân”. Tập tản văn do NXB Kim Đồng ấn hành lần này, ra mắt nhân ngày Sách Việt Nam, chỉ càng cho thấy, không có mùa thương nhớ Huế nào thiếu Thái Kim Lan trong đó.

Vẫn giọng văn chương "thi vị và trong sáng", làm mê hoặc những người yêu văn chương của bà, “Mai rồi mưa tạnh trong xuân” khiến người ta thấy nhớ đến Huế như một tiếng “thương” thật dài, thật nhẹ.

Thái Kim Lan và những mùa thương nhớ Huế - ảnh 1Huế trong bìa "Mai rồi mưa tạnh trong xuân"

NXB Kim Đồng tổ chức buổi ra mắt tập tản văn của Thái Kim Lan trong khuôn viên Thư viện quốc gia Việt Nam, Hà Nội, nơi đang có rất nhiều hoạt động hết sức sôi động của các nhà xuất bản trong ngày Hội Sách quốc gia. Nhưng “Mai rồi mưa tạnh trong xuân” vẫn thu hút được sự chú ý đông đảo độc giả, trước hết bởi tên tuổi của tác giả - Thái Kim Lan.

Thái Kim Lan và những mùa thương nhớ Huế - ảnh 2Buổi ra mắt sách với các nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, tác giả Thái Kim Lan, nhà văn Lê Phương Liên tham gia trò chuyện giao  lưu. 

Trước lễ ra mắt sách, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý chia sẻ: “Lâu lâu rồi, bây giờ tôi mới đọc một tập tản văn, mà dày dặn và hay như thế.Mặc dầu những điều viết trong tản văn của chị không có gì xa lạ với chúng ta cả, nói về quê hương của mình, nói về xứ Huế, nói về những người thân của mình như người bà, người mẹ, người chị, viết về cơn mưa, về sương, về dòng sông, về một buổi uống trà sớm, một cành hoa mai vv… trong mạch cảm xúc tôi thấy như thế này: Thái Kim Lan luôn luôn nhớ về quá khứ, nhớ về quê hương của mình. Như chúng ta biết tác giả sinh ở Huế, nhưng hiện nay định cư ở Đức. Và qua tập sách này, chúng ta thấy hình như quá khứ, hình như quê hương… những điều tưởng chừng bé nhỏ ấy vẫn cứ sống động trong lòng những người yêu quê hương đất nước mình.

Thái Kim Lan và những mùa thương nhớ Huế - ảnh 3

Chị Nguyễn Thúy Loan, Trưởng ban Biên tập sách văn học Kim Đồng, người biên tập sách cho biết, tên ban đầu của tập tản văn không phải “Mai rồi mưa tạnh trong xuân”, mà là "Đường về nhà":

“Tác giả Thái Kim Lan đã sửa lại, và đổi tên thành Mai rồi mưa tạnh trong xuân, như là một lời hẹn ước của tác giả với bạn đọc và tâm hồn hướng về cội nguồn của mình. Khi biên tập cuốn sách này có một số từ ngữ rất hay mà tôi cảm nhận được nhưng thực ra không hiểu hết. Khi trao đổi với tác giả và được hiểu rõ thì mình như được biết thêm từ mới trong tiếng Việt.”

Huế “của Thái Kim Lan” trong lời hẹn ước “Mai rồi mưa tạnh trong xuân” khác Huế của Trần Kiêm Đoàn, của Nam Trân, của Tô Nhuận Vỹ… ra sao? Cái nỗi niềm chung là một trời thương nhớ, mà cái niềm riêng là bởi đôi mắt nhìn. Huế “của Thái Kim Lan” hiển hiện trong tất cả những mùa thương nhớ ở nơi trời Tây, nên mới nhớ đi từ một làn mưa bụi: “Đi trốn cơn giá lạnh trời tây còn đầy tuyết trong tháng ba, cô bạn người Đức theo tôi về Huế. Lisa lần đầu tiên đến Việt Nam, cuộc đi trở nên cuộc tìm... nao nức đón nhận tất cả những điều mới lạ. Có một điều giản đơn mà Lisa khao khát và tôi đã tưởng rất dễ làm bạn vừa lòng: nắng ấm, thật nhiều nắng ấm!” “Hôm nay viết chưa xong những dòng về mưa bụi, cảm giác như mình đang mộng du, chân không chấm đất, người như say phiêu phiêu, cả một thứ ngôn ngữ ảo cho Huế của tôi... bỗng nhớ Lisa, tôi gọi Lisa và bảo tôi đang viết vi vu về mưa Huế đây nì. Tiếng Lisa thảng thốt bên kia: Ối trời ơi, Huế cái chi cũng lạ cũng đẹp, chỉ trừ có mưa!” (trích "Mai rồi mưa tạnh trong xuân")

45 tản văn trong “Mai rồi mưa tạnh trong xuân” thực sự thể hiện một sở trường của Thái Kim Lan- cùng với những bút ký, tùy bút từng định vị tên tuổi bà trong giới văn chương hải ngoại. Đó là những đối thoại của Thái Kim Lan với chính nội tâm mình, trong sự thẳm sâu của Thiền, trong triết học, mà bà đã từng học, đã hiểu về nó, và sống bằng tâm thế đó:“Thực ra tôi đã ứng dụng ngay cả lúc tôi làm những khóa thiền với sinh viên Đức. Sau một khoảng thời gian, họ nói là những giây phút tĩnh tọa như vậy họ học được nhiều hơn là nói nữa” - Bà tâm sự.

Như nhận xét của nhà văn Lê Phương Liên:: “Thái Kim Lan là một giáo sư triết học, Phật học, nên cảm xúc cũng như suy nghĩ của chị về xứ Huế là quê hương, lại đượm màu tư duy của người có Thiền. Tản văn này của một người viết tiếng Việt, nhưng là người đã trưởng thành trong văn hóa của thế giới, cho nên sự giao hòa giữa văn hóa phương Đông, phương Tây và tiếng Việt gốc Huế tạo nên một dòng ngôn ngữ rất đặc biệt. Tôi muốn mọi người đọc tuyển tập tản văn này trước hết bằng những cảm xúc, để chúng ta cảm thấu cái đẹp của giọng văn. Nhưng sau đó lại phải có rất nhiều thời gian tìm hiểu, suy nghĩ thì chúng ta mới hiểu sâu sắc được.”

Hay nói như nhà văn Nguyễn Hữu Quý:“Những câu chuyện ấy được Thái Kim Lan viết trên một nền cảm xúc rất mạnh mẽ. và viết một cách rất nhẹ nhàng, tự nhiên, giống như chị thong thả kể lại, nhắc lại những kỷ niệm đã qua, những quá khứ đã qua. Và tôi có cảm giác rằng Thái Kim Lan không cố ý kể và tả lại mà chỉ ngẫm, ngẫm về cuộc đời. Và đấy là điều rất hấp dẫn ở tập tản văn này của chị Thái Kim Lan. Và sức liên tưởng phải nói là rất lớn, liên tưởng đến những vấn đề lớn của cuộc sống, của con người, như lòng lương thiện, sự kết nối giữa xa xưa với bây giờ, và viết trên một văn phong rất thoải mái, đích thực là văn chương. Văn rất đẹp vừa giàu cảm xúc, giàu hình tượng, có nhịp điệu. và có những câu trong tập sách tôi đọc nghe ngân vang giống như những bài thơ, những câu thơ vậy.”

Thật tình, Huế “của Thái Kim Lan” dường như thật sống động trong hai mùa này: một mùa của thiên nhiên và một mùa của tâm tưởng. Từ một điểm tựa thương nhớ là Huế này, Thái Kim Lan đã mở rộng không gian và thời gian tới những suy tưởng sâu xa trong tâm thức. Và thiết tưởng người đọc khi mở những trang tản văn của Thái Kim Lan, có thể chia sẻ với nhà văn Lê Phương Liên: “Người ta thường nói không phải viết về cái gì mà viết như thế nào. Rất nhiều người đã viết về Huế rồi. Và Huế trong văn học cũng như thơ ca có rất nhiều áng văn hay. Nhưng cái cách nhìn của tác giả Thái Kim Lan với Huế là một cách nhìn Huế sâu xa từ ngàn xưa. Cho nên theo tôi nghĩ các bạn tìm hiểu thì sẽ hiểu Huế trong một chiều sâu lịch sử rất thấm đậm tình quê hương của một người đã sống 50 năm ở nước ngoài.”

Một số hình ảnh tại buổi ra mắt sách:

Thái Kim Lan và những mùa thương nhớ Huế - ảnh 4 Thái Kim Lan trong "vòng vây" của báo chí.
Thái Kim Lan và những mùa thương nhớ Huế - ảnh 5...Và cùng các khách mời trên sân khấu giao lưu. 
Thái Kim Lan và những mùa thương nhớ Huế - ảnh 6Một góc khán phòng buổi giao lưu. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu