(VOV5)-“Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng
Cành đào phong kín cánh mong manh như hoa lòng
Hà Nội mừng đón Tết, hoa chen người đi…”
Lại một mùa Xuân mới nữa sắp về …
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Mỗi năm cứ tới độ Xuân về là khoảng thời gian mà tôi thấy nhớ nhà – nhớ người thân – nhớ quê hương da diết nhất, lòng luôn thầm ao ước giá mà giờ này mình đang được cùng mọi người hòa vào vào cái không khí tấp nập nhộn nhịp chuẩn bị cho Tết ở quê nhà…
Tới học tập, định cư và làm việc ở Đài Loan đã gần 15 năm rồi – mỗi năm các thế hệ học sinh khác nhau thường hỏi chung cô giáo một câu hỏi: cô có nhớ nhà không, và nhớ nhất là khi nào? Cuộc sống hiện tại với công việc bận rộn, việc chăm sóc gia đình cũng đã chiếm gần hết thời gian của tôi, đôi lúc tôi tự nghĩ hay mình đã thực sự thích nghi hoàn toàn được với môi trường mới. Nhưng có lẽ không hẳn thế - nếu như vậy tại sao mỗi buổi sáng thức dậy – khi chuẩn bị bữa sáng cho chồng con – nhìn những chiếc bánh sandwich và cốc sữa đậu nành nghi ngút khói – tôi vẫn thầm tự nhủ giá mà ở chỗ đấy là bát phở nóng – có thêm mấy chiếc quẩy xinh, hay một bát bún ngan, bát miến lươn thì tuyệt vời biết mấy. Nhiều hôm đang ăn cơm tự dưng lại thèm nhớ điên cuồng mấy cọng rau húng Láng – ước gì bát canh cá có thêm cọng ngổ tươi... Thời tiết thay đổi, cứ thấy gió heo may về - tôi lại nhớ đến mùa thu Hà nội; những ngày Lễ Tết – tôi vẫn thầm ước mong giá mà giờ này mình đang được ở quê nhà... Và tôi biết – nỗi nhớ quê hương sẽ không bao giờ nguôi cả - nó luôn luôn được đặt ở vị trí trang trọng và nằm sâu thẳm trong trái tim tôi.
Tôi có may mắn hơn một số bạn khác khi lấy chồng nước ngoài nhưng trong gia đình vẫn có thể dùng tiếng Việt để giao tiếp với chồng, anh xã tôi đã có một thời gian sống và học tập ở Hà nội nên anh nói tiếng Việt rất thạo … Sống xa quê hương nhưng tôi vẫn được sử dụng tiếng Việt trong công việc: hàng ngày trên lớp khi đi dạy, khi biên soạn giáo trình tiếng Việt, làm giám khảo trong các đợt thi liên quan đến tiếng Việt... Trong gia đình chúng tôi ngôn ngữ giao tiếp chủ yếu cũng cố gắng dùng tiếng Việt. Bố mẹ chồng tuy không biết nhưng cũng cố học ít câu tiếng Việt thông dụng như cảm ơn, xin lỗi, bà thông gia, chúc mừng năm mới để nói vào những dịp cần thiết... Chúng tôi cũng thường xuyên khuyến khích các con mặc áo dài – tham gia các hoạt động với cộng đồng người Việt ở Đài Loan - đón Tết theo phong tục cổ truyền của Việt Nam.
May mắn thứ hai nữa là đảo Đài Loan nơi tôi sống – cũng có nhiều phong tục tập quán đón Xuân tương đồng với ở Việt Nam...
Tết của gia đình chúng tôi thường bắt đầu từ ngày 23, bằng câu chuyện cổ tích về ông Công ông Táo mà chúng tôi kể cho các con nghe, giới thiệu với các con về phong tục thả cá chép tiễn Táo Quân ở Việt Nam. Ngày này tôi cũng bắt đầu chuẩn bị một mâm ngũ quả nho nhỏ để trước di ảnh của ông ngoại, không có điều kiện gói bánh chưng nên tôi thường đặt trước tại các cửa hàng Việt Nam ... Có cặp bánh chưng và mâm ngũ quả xiu xíu thôi mà trong nhà đã rất rộn ràng không khí Tết. Mấy mẹ con sẽ bảo nhau cùng xúng xính trong áo dài nhờ ba chụp ảnh gửi cho bà ngoại ... Nếu thu xếp được thời gian - hàng năm chúng tôi cũng đưa các con đi tham gia Lễ hội đèn lồng – mỗi năm được làm theo hình các con vật và được tổ chức ở các thành phố khác nhau. Trong 1 con Giáp của người Hoa thì có đến 11 con giáp là giống của Việt Nam (trừ chú mèo trong con giáp của người Việt được thay thế bằng chú thỏ trong phong tục của người Hoa).
Trước Tết mấy ngày – cả gia đình chúng tôi rời Đài Bắc về đón Tết ở Kao Hùng cùng ông bà nội – phong tục đón Tết của Đài Loan cũng có nhiều điểm gần gũi với Việt Nam.
Khoảng 28-29 Tết chúng tôi sẽ cùng nhau đi sắm Tết. Năm nào cũng vậy – ngoài chậu hoa Thủy Tiên và cây cảnh ra – chúng tôi cũng mua thêm một cây quất nho nhỏ - nếu may mắn mà tìm thêm được vài cành đào nữa thì càng tuyệt. Đào và quất sẽ làm cho không khí đón Xuân càng đậm chất quê hương. Chúng tôi cũng không quên mua thêm ít loại mứt cho ngọt thêm câu nói chúc nhau ngày Tết...
Ngày 30 gia đình chúng tôi sẽ phân công rõ ràng – “cánh” nam giới phụ trách dọn dẹp nhà cửa – dán câu đối Tết; “phe” phụ nữ sẽ cùng nhau chuẩn bị mâm cúng Tết - ngoài các loại đồ ăn để cúng theo phong tục truyền thống của Đài Loan, tôi cũng sẽ làm thêm ít nem rán để mời các cụ - tin rằng các cụ tổ tiên bên gia đình chồng sẽ rất thích thú khi được thưởng thức món ăn tuyệt vời này của Việt Nam.
Bữa cơm đoàn viên thường được diễn ra vào tối 30 – cả nhà ngồi tụ tập bên nhau nói chuyện về một năm cũ ... thông thường sau bữa tối tụi nhỏ sẽ đứng xếp hàng để nhận lì xì từ ông bà nội và ba mẹ... Sau bữa cơm chúng tôi sẽ cùng ngồi bên nhau nói chuyện - chờ đợi đến giao thừa để gọi về chúc Tết gia đình và bạn bè ở Việt Nam – vào thời khắc thiêng liêng ấy – tôi thường nhớ tới mọi người và những kỷ niệm tuổi thơ khi còn ở Hà nội, thương mẹ từ ngày bố mất hầu như toàn lủi thủi đón Tết một mình – nhớ đến mẹ giờ này chắc đang một mình lên tầng 4 thắp hương cho ông bà tổ tiên – nhớ mùi hương trầm thơm phức... nhớ những Tết cả gia đình được đoàn tụ bên nhau – ngày đấy nhà còn rất nghèo nhưng hạnh phúc biết bao – nhớ cái khoảng khắc bố cầm bánh pháo ra treo trước cửa – đúng 12h cùng mọi người châm lửa đốt – tiếng pháo rền vang – mùi pháo thơm quyện với mùi hương, giao thừa đến là các gia đình trong khu tập thể bắt đầu đi một vòng chúc Tết – mỗi nhà ... Và giai điệu của bản nhạc “ Mùa Xuân nho nhỏ” sẽ đưa tôi trở về với những kỷ niệm nhanh nhất...
Mồng 1 cả nhà sẽ cùng đi lễ chùa – mong những điều tốt đẹp nhất cho một năm mới sắp đến ...
|
Đón Tết ở nhà ông bà nội ở Cao Hùng |
Năm nay tụi nhỏ nhà tôi sẽ lại cùng với các bạn nhỏ gốc Việt xúng xính trong áo dài để biểu diễn trong chương trình ca nhạc đón xuân của thành phố Tân Đài Bắc – tụi nhỏ đã mất hơn một tháng tập hát tiếng Việt và biểu diễn – nhìn các con háo hức luyện tập với áo dài khăn xếp, lòng tôi lại thấy ấm áp hơn vì không chỉ tôi mà các mầm non được đâm chồi nảy lộc ở Đài Loan đã được gần gũi với quê hương...
Mùa xuân
Mùa xuân
Một mùa xuân nho nhỏ...
Nước non ngàn dặm ...
Lời hát cứ vang trong tôi – ước gì Xuân này lại được về đón Tết trên quê hương đất Việt!