Sôi nổi những sân chơi văn hóa, nghệ thuật trực tuyến mùa Covid

Chia sẻ
(VOV5) - Giới hoạt động văn hóa, văn nghệ nhanh chóng có những chuyển động mới, bước lên không gian mạng, tạo nên những sân chơi không biên giới, góp phần đồng hành, cổ vũ người dân đẩy lùi dịch bệnh.

Thời gian qua, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, triển lãm đều tạm dừng. Nhưng điều này lại thôi thúc giới hoạt động văn hóa, văn nghệ nhanh chóng có những chuyển động mới, bước lên không gian mạng, tạo nên những sân chơi không biên giới, góp phần đồng hành, cổ vũ người dân đẩy lùi dịch bệnh.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Trong lĩnh vực xuất, lần đầu tiên trong ngày sách Việt Nam, Hội sách được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Theo đó, Hội sách online sẽ gồm các gian hàng giới thiệu sách trực tuyến của các nhà xuất bản, công ty phát hành; phục vụ bán sách online; các sự kiện giới thiệu sách mới; giao lưu, tọa đàm với tác giả, diễn giả trên không gian mạng. Bản thân các nhà xuất bản trước đó cũng đã có những sự kiện đọc sách online thu hút bạn đọc. Hội sách online “Ở nhà đọc sách không ngại giãn cách” của NXB Kim Đồng cũng nhận được sự tham gia nhiệt tình của bạn đọc. NXB Phụ nữ có lẽ là đơn vị đi đầu trong việc khởi xướng hình thức Hội sách trực tuyến mang tên “Đọc đi cho khỏe” nhân dịp 8/3 cùng hoạt động giảm giá sâu nhiều đầu sách và cuộc thi review sách trên fanpage của NXB.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Tổng biên tập NXB Phụ nữ cho biết: “Ban Truyền thông của NXB Phụ nữ có ý tưởng tổ chức một hội sách online và lấy tên là Đọc đi cho khỏe. Khi chúng tôi đặt một cái tên vui vui như vậy khá nhiều người chú ý. Khá nhiều bạn đọc ở các gia đình, là các bạn đọc trẻ, những người yêu sách mọi người đều quan tâm. Khi chúng tôi phát động đợt sách online này, chúng tôi nhận được nhiều phản hồi tốt. Các gia đình vì con có kỳ nghỉ khá dài, bố mẹ đưa ra giải pháp là để con ở nhà và tìm kiếm những đầu sách cho con đọc. Hội sách này chúng tôi đã giới thiệu nhiều tác phẩm hay dành cho đối tượng gia đình và thanh thiếu niên”.

Trong thời kỳ giãn cách xã hội từ đầu tháng 4, nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm đều dừng lại, các nhà làm nghệ thuật năng động đã tính đến những hoạt động trực tuyến. Giống các không gian nghệ thuật khác, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tạm dừng phục vụ công chúng thưởng lãm để phòng, chống dịch Covid-19. Trong suốt một tháng qua, công chúng đều đặn được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật ý nghĩa đăng tải trên website và trang Facebook của bảo tàng.

Sôi nổi những sân chơi văn hóa, nghệ thuật trực tuyến mùa Covid - ảnh 1Art talk Dự án Nghệ thuật Phúc Tân 

Hoàn thành vào tháng 2/2020, Dự án nghệ thuật Công cộng Phúc Tân chưa có dịp giới thiệu một cách rộng rãi đến công chúng, Giám tuyến Nguyễn Thế Sơn và nhóm nghệ sĩ đã thực hiện một buổi trò chuyện, thảo luận trực tuyến trên nền tảng Zoom. Những buổi “art talk” như thế này thu hút một lượng lớn khán giả yêu nghệ thuật tham gia. Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cho biết: "Khi tổ chức một buổi trò chuyện trực tuyến như thế này không còn rào cản về mặt địa lý nữa, rất nhiều người có thể tham gia được. Ngoài những người ở Việt Nam như Hà nội và Sài Gòn, Huế thậm chí có cả những người yêu nghệ thuật tham gia như ở Hà Lan, Nhật Bản. Tôi nghĩ đó là những ưu điểm những cuộc nói chuyện thông thường không thể có được. Phần tương tác khá trực quan chứ không hề bị hạn chế. Nhờ lợi thế của công nghệ, mọi người có thể chia sẻ thông tin trên màn hình trong suốt buổi nói chuyện về những hình ảnh, thuyết trình, phim ảnh để khán giả có thể tham gia theo dõi trực quan”.

Sôi nổi những sân chơi văn hóa, nghệ thuật trực tuyến mùa Covid - ảnh 2 Music Home mùa 2

Trong lĩnh vực biểu diễn, dự án “24h Music Marathon” - chương trình biểu diễn toàn cầu trực tuyến, do nhóm nghệ sĩ Trang Trịnh, Phan Đỗ Phúc, Vũ Phương khởi xướng, mang thông điệp “Hãy ở nhà, tôi sẽ đàn cho bạn nghe” nhận được sự hưởng ứng của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước. Gây tiếng vang từ mùa 1 vào cuối năm 2018, Music Home của truyền hình FPT mùa 2 đầu năm 2020 là chương trình tiên phong “phá băng” thị trường âm nhạc mùa dịch. Sự xuất hiện của các nghệ sĩ Mỹ Linh, Hoàng Thùy Linh, Vũ Cát Tường, AMEE… phần nào thỏa mãn nhu cầu thưởng thức âm nhạc chất lượng cao tại nhà của khán giả. Music Home ứng dụng công nghệ truyền hình tương tác với tính năng tuỳ chọn góc nhìn (multi-cam) giúp khán giả làm chủ được màn hình với thao tác lựa chọn góc máy cùng trải nghiệm không gian chân thật như đang theo dõi trực tiếp tại buổi diễn.

Ông Đinh Tiến Dũng, giám đốc sáng tạo của Truyền hình FPT cho biết: “Xuất phát từ ý tưởng truyền hình FPT chúng tôi có thế mạnh là iPay TV nên chúng tôi có thể tương tác rất trực tiếp với người xem truyền hình ngồi tại các gia đình. Họ có thể dùng điều khiển từ xa để tương tác với chúng tôi”.

Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long cùng nhiều đơn vị nghệ thuật và cá nhân các nghệ sĩ cũng lập kênh trên Youtube, duy trì đăng tải những chương trình biểu diễn đặc sắc đã ra mắt thời gian qua để đông đảo khán giả thưởng thức. Trong lĩnh vực điện ảnh, Trung tâm Văn hóa Pháp cũng phối hợp với công ty BHD giới thiệu 12 bộ phim Pháp miễn phí với chương trình mang tên “Tận hưởng điện ảnh Pháp tại nhà”.

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, trong tương lai, dù không trong tình trạng dịch bệnh thì xu hướng thực hiện các sự kiện nghệ thuật online như thế này vẫn sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Những hoạt động, sự kiện văn hóa, nghệ thuật trực tuyến sẽ là “công cụ” hiệu quả cho việc giữ mối quan hệ với công chúng, đồng thời mở rộng công chúng - cũng là đối tượng khách hàng - của những sự kiện, chương trình văn hóa, nghệ thuật trực tiếp.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu