Sân khấu kịch nói Việt: có cần rườm lời?

Cao Ngọc
Chia sẻ
(VOV5) - Nếu không mau chóng đổi mới, sân khấu kịch nói Việt Nam khó có được dáng vóc riêng biệt, độc đáo, không hòa tan trong dòng chảy chung của sân khấu thế giới.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Như GS. TS. NSND Đình Quang từng nhận định: Nếu như ban đầu sân khấu châu Âu cũng có ít nhiều tính ước lệ thì sau này, khi điều kiện trang thiết bị sân khấu đầy đủ hơn và vì muốn gây một ảo giác thật sự đã đi dần vào con đường tự nhiên chủ nghĩa và hiện thực với bức tường thứ tư vv... Nhưng rồi, các nhà làm sân khấu châu Âu đã tự cảm thấy, không thể đi mãi trên con đường cũ mòn đó, nên dần hướng sang tìm hiểu về sân khấu châu Á và vào cuối thế kỷ 19 sang thế kỷ 20, trên con đường tìm kiếm sự phát triển cho sân khấu châu Âu, các nhà nghệ thuật đã có những sáng tạo mới mẻ. Có thể thấy, hầu hết những sáng tạo đó được tìm thấy khi họ hướng sang sân khấu phương Đông để sáng tạo ra những cách tân trong sân khấu châu Âu thế kỷ 20...

Nhìn chung, đó là xu hướng khôi phục lại tính sân khấu, coi sân khấu chỉ là một cuộc trình diễn với những ước lệ, cách điệu riêng của nó để tạo ra phong cách mới.... Sân khấu châu Âu đang đi dần vào hướng trình diễn, phá bỏ sự gò bó của không gian, thời gian, kết hợp phần nào ngôn ngữ múa, hát trong biểu diễn, vận dụng yếu tố gián cách trong xử lý các thành phần tham gia sáng tạo vở... Có thể thấy, hầu hết các đạo diễn hiện đại đều ưa sử dụng phương pháp cách điệu hóa cao, hình tượng hóa, gợi ý v.v... Người xem chỉ thấy một phần nhưng vẫn cảm nhận được toàn bộ không gian thời gian cần thiết...

Sân khấu kịch nói Việt: có cần rườm lời? - ảnh 1Vở diễn "Kiều" của Nhà hát kịch Việt Nam công diễn tại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc năm 2018. 

Vậy kịch nói Việt Nam đã và đang ở đâu trên lộ trình đổi mới của sân khấu thế giới? Ông Nguyễn Thế Vinh từng đưa nhiều đoàn kịch Việt Nam sang biểu diễn trên thế giới khẳng định: "Các nước đang tiến tới xu hướng kịch ít lời, có rất nhiều thử nghiệm. Kịch nhưng lại rất ít lời… Tuy nhiên, cũng còn phụ thuộc vào tâm lý thưởng thức của khán giả VN vẫn thích xem loại kịch được nói thẳng ra bằng lời, có cốt truyện… mà chưa muốn những loại kịch nhiều hành động, lời thoại quá chắt lọc, nhiều tầng ngữ nghĩa, cần phải động não khi xem…

Thủa ban đầu, học tập từ sân khấu Pháp thời kỳ cổ điển, các nhà dàn cảnh của kịch nói Việt Nam luôn cố gắng để làm sao càng giống thật càng tốt... Nhưng rõ ràng, trong điều kiện vật chất và tư duy khi đó, lại cũng chưa có nguyên mẫu để học hỏi thì việc thực hiện ý tưởng như thật không thể thực hiện được. Chúng ta hạn chế rất nhiều về trang thiết bị cho sân khấu. Rồi các diễn viên dù tài năng, nhưng hầu hết đều không được trang bị lý luận đầy đủ, việc học tập cũng chưa bài bản...

Sau này, do điều kiện tốt hơn, được sự tiếp thu những ảnh hưởng mới từ các trào lưu sân khấu thế giới, hiểu hơn xu hướng sân khấu thế giới vốn cũng đa dạng, lại có dòng sân khấu phương Tây quay về với cách làm của sân khấu phương Đông... sân khấu nước nhà cũng đã có bước phát triển theo cung cách riêng.

Nhờ vào quá trình tự nhiên tiếp nhận ảnh hưởng của sân khấu kịch hát dân tộc và hiểu biết, tiếp thu nhiều hơn với sân khấu phương Tây, lại được gợi ý của dòng kịch phi Aristote, các đạo diễn nước nhà tiến hành bước phát triển quan trọng: học hỏi và tiếp biến sân khấu phương Tây trong bối cảnh tiếp thu có ý thức, tiếp thu tự giác sân khấu dân tộc. Tiêu biểu cho xu hướng đạo diễn này, đồng thời biết cách phát huy, thể hiện ra bằng lý luận là NSND Nguyễn Đình Nghi khi nhận định về đặc điểm Kịch nói Việt Nam đến hiện đại từ truyền thống

Những thành tựu đã có trong quá khứ vẫn rất cần được tiếp tục phát triển, đa dạng hóa bằng những sáng tạo, đổi mới từ cơ bản. Hiện tại, sân khấu kịch nói Việt Nam đã và đang cố gắng sáng tạo nhưng vẫn vấp phải những điểm còn non yếu, chưa thể khẳng định được vị thế trong sân khấu thế giới.

PGS. TS Phạm Duy Khuê nhận định, một vở diễn kịch hiện nay chẳng có mấy trò để xem mà rất rườm lời. Sân khấu chúng ta vẫn quá thiếu hành động mà lại quá nhiều lời thoại. NSND Trần Ngọc Giàu cũng phát biểu: “Hình thức của vở diễn là cái phải được các tác giả chú trọng trong công tác biên kịch. Bởi vì từ biên kịch mới tạo điều kiện cho đạo diễn sáng tạo nên hình thức vở diễn, và các diễn viên tung hoành trên nền kịch bản. Hình thức vở diễn gần như vẫn không đổi nhiều lắm, cũng bắt nguồn từ biên kịch, cộng với thói quen. cái cơ bản nữa là hình như chúng ta bị nghèo về xử lý không gian sàn diễn. Chúng ta bị lệ thuộc vào hình thức như lâu nay vẫn làm".

Như nhiều chuyên gia, nghệ sĩ, nhà hoạt động sân khấu thì, sân khấu Việt Nam vẫn còn thiếu vắng những tư duy thực sự mới mẻ. NSND Lê Tiến Thọ cho rằng: "Muốn tiếp cận sân khấu thế giới phải có những ngôn ngữ thể hiện mới. Sân khấu kịch không thể chỉ là đối thoại mãi được mà phải có sự ước lệ nhiều hơn. Tất nhiên, sân khấu đã là ước lệ, nhưng phải ước lệ phải được nâng lên tầm cao hơn, dựa vào vốn liếng của sân khấu kịch hát truyền thống.”

Trong quá trình đi tới tương lai, nếu không mau chóng đổi mới, sân khấu kịch nói Việt Nam khó có được dáng vóc riêng biệt, độc đáo, không hòa tan trong dòng chảy chung của sân khấu thế giới. Nói cách khác, những nguyên tắc của việc ứng dụng cách xử lý không gian, thời gian theo cung cách ước lệ, biểu đạt riêng cũng cần sự tiếp nối sáng tạo để giúp cho sân khấu kịch nói Việt Nam tạo dựng một hình thái kịch nói đậm chất dân tộc.... góp một âm hưởng lạ trong dòng chảy của sân khấu thế giới. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu