Ra mắt bản dịch thứ 3 của Một chiến dịch ở Bắc Kỳ

Thanh Giang
Chia sẻ
(VOV5) - Cuốn sách mang đến cho người đọc một bức tranh toàn cảnh rất sống động về đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của Việt Nam ở một giai đoạn có tính chất bản lề.

Thời gian gần đây, nhiều cuốn sách khảo cứu, nghiên cứu, ghi chép của các tác giả người Pháp về Việt Nam và Đông Dương đầu thế kỷ 19 cuối thế kỷ 20, đã được dịch và phát hành bản tiếng Việt. Nhân dịp xuất bản bản dịch tác phẩm Một chiến dịch ở Bắc Kỳ của bác sĩ Charles Édouard Hocquard , người đã tham gia Chiến dịch Bắc Kỳ với tư cách bác sĩ quân y, nhưng đồng thời cũng là một nhiếp ảnh gia không chuyên, Nhã Nam phối hợp với Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu sách, đồng thời trưng bày 12 trong số các bức ảnh được chính bác sĩ Hocquard chụp và được lấy làm tranh khắc minh họa cho tác phẩm.

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Phượng Minh:

 
Ra mắt bản dịch thứ 3 của Một chiến dịch ở Bắc Kỳ - ảnh 1

Một chiến dịch ở Bắc Kỳ là bản tường trình cá nhân về một chiến dịch quân sự được Pháp tiến hành từ 1883 đến 1886 nhằm mục đích thiết lập chế độ bảo hộ ở Bắc Kỳ. Ngoài việc là bác sĩ của quân đội Pháp từ 1884 đến 1886, Hocquard còn là một nhiếp ảnh gia không chuyên.

Ban đầu, câu chuyện tác giả viết được in trên tạp chí  Vòng quanh Thế giới  thành năm phần dài dưới nhan đề 30 tháng ở Bắc Kỳ. Tác phẩm được xuất bản dưới dạng sách vào năm 1892 và thuật lại chuyến đi của bác sĩ Hocquard  từ lúc ông rời cảng Toulon ngày 11/1/1884 đến khi ông hồi hương vào ngày 19/4/ 1886.

Dịch giả Trương Quốc Toàn chia sẻ: “Cuốn sách này có tiêu đề giản dị là Một chiến dịch ở Bắc Kỳ. Khi nghe tiêu đề ngời ta sẽ nghĩ có lẽ đây chỉ như 1 hồi ký hay ghi chép về 1 sự kiện chiến tranh. Nhưng trên thực tế cuốn sách lại mang đến cho người đọc một bức tranh toàn cảnh rất sống động về đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của Việt Nam ở 1 giai đoạn có tính chất bản lề, khi chưa có sự can thiệp quá sâu của người Pháp vào bộ máy chính quyền. Và nếu ai quan tâm đến giá trị vẫn được gọi là nguyên gốc của văn hóa bản địa, thì đây là thời điểm khai phá rất phù hợp.

So sánh giữa tác phẩm của bác sĩ  Hocquard với những cuốn của các tác giả khác viết, có thể thấy một lợi thế vượt trội của bác sĩ Hocquard là ngoài những trang viết đầy ắp thông tin thì còn có giá trị về hình ảnh rất lớn. Do ông là một nhà nhiếp ảnh nữa nên trong quá trình viết ông vận dụng con mắt quan sát của một nghệ sĩ nhiếp ảnh, có thể quan sát từ những cảnh có tầm phạm vi rất rộng.”

Ra mắt bản dịch thứ 3 của Một chiến dịch ở Bắc Kỳ - ảnh 2 Buổi ra mắt bản dịch thứ ba của Một chiến dịch ở Bắc Kỳ, tại Viện Pháp Hà Nội. - Ảnh Thu Hồng.

Hocquard dành nhiều thời gian cho việc tường thuật lại các quan sát thực địa của mình, vì vậy, qua tác phẩm bạn đọc có thể thấy cả một câu chuyện lịch sử và dân tộc học, miêu tả địa lý tự nhiên và địa lý nhân văn miền Bắc Việt Nam cuối thế kỷ 19. Việc miêu tả chặt chẽ và vô cùng chi tiết ấy cho thấy rõ một Việt Nam còn ít chịu ảnh hưởng phương Tây cả về kiến trúc lẫn lối sống, vẻ bề ngoài và tinh thần của người dân. Trong 26 tháng ở Việt Nam, Hocquard  có 10 tháng ở Hà Nội, và từ đó viết nên một nguồn tư liệu quan trọng về thành phố này vốn không mấy thay đổi ngay cả khi có sự hiện diện của người Pháp.

Tiến sĩ Văn học Mai Anh Tuấn nhận xét: “Édouard có lẽ đúng là 1 trí thức thực dân, trí thức Pháp, phương Tây, đến với xứ thuộc địa. Ông có rất nhiều sự cảm tình, sự ngưỡng mộ đối với phong cảnh, địa lý của An Nam cũng như một số tính cách của người An Nam. Đồng thời cũng như nhiều người khác ông cũng bày tỏ sự thất vọng hoặc thâm chí có cái nhìn phiến diện về người An Nam. Tôi nghĩ cái trạng thái của sự háo hức, sự tìm biết đó làm cho cuốn sách vang động đến ngày hôm nay. Nó khiến cho chúng ta giật mình, bởi vì chúng ta sinh ra, lớn lên và gắn bó với vùng đất này rất nhiều, nhưng đôi khi sự thiếu quan sát, thậm chí sự thờ ơ của chúng ta khiến chúng ta đôi khi chưa chắc đã hiểu hết được nó.”

Một chiến dịch ở Bắc Kỳ xuất bản lần đầu ở Pháp năm 1892, bao gồm 247 tranh khắc và 2 bản đồ, đã mô tả sắc nét cảnh quan, con người cùng những tập tục của người dân ở vùng đất mà tác giả đã khám phá trong quá trình tham gia một số trận đánh thuộc Chiến dịch Bắc Kỳ của quân đội Pháp (chống lại một số đội quân người Việt, quân Cờ Đen cùng quân Vân Nam và Quảng Tây của nhà Thanh, kéo dài từ tháng Sáu năm 1883 đến tháng Tư năm 1886, với mục tiêu chiếm đóng hoàn toàn Bắc Kỳ và giữ vững chế độ bảo hộ của Pháp).  

Chính bởi vậy, ngoài giá trị đem đến góc nhìn chân thực và mới mẻ về vùng đất thuộc địa này cho người Pháp khi ấy, Một chiến dịch ở Bắc Kỳ còn mang tới cho người đọc hôm nay những sử liệu quý báu về đời sống người dân Bắc Kỳ trong giai đoạn chiến tranh Pháp-Thanh cuối thế kỷ 19, đặc biệt ở khía cạnh hình ảnh.

Ra mắt bản dịch thứ 3 của Một chiến dịch ở Bắc Kỳ - ảnh 3Các diễn giả tại buổi tọa đàm. 

Ông Emmanuel Cerise, đại diện vùng Île-de-France  tại Hà Nội cho biết, một trong những yếu tố đặc sắc của cuốn sách này là ngoài giá trị về lịch sử xã hội thì có liên quan đến hình ảnh, nhất là sự khác biệt giữa ảnh chụp và bản khắc. Hocquard đã “biến chiến dịch quân sự ở Bắc Bộ của mình thành một chiến dịch nhiếp ảnh”. Thực ra nhiếp ảnh được phát minh ra từ 1830, nghĩa là đã vài thập kỷ trước đó, nhưng hiếm người đạt được trình độ như Hocquard. Ông sử dụng phương pháp buồng tối, chụp ảnh đen trắng, không có gì là quá phức tạp.: “Khi phân tích các bức ảnh của Hocquard, ta thấy 46% là ảnh các nhân vật và cuộc sống thường nhật. Điều này cho thấy Hocquard luôn quan tâm tìm hiểu mọi người và cuộc sống của họ. 29% số ảnh là ảnh phong cảnh. Đối với Hocquard cũng như đa phần các nhiếp ảnh gia hiện thời, đây vẫn là hai chủ đề lớn nhất. »

Một chiến dịch ở Bắc Kỳ trong lần ra mắt này không phải là bản dịch tiếng Việt đầu tiên, mà là bản dịch lần thứ 3 của cuốn sách này. Không phải tự nhiên mà cuốn sách được lựa chọn để chuyển ngữ nhiều lần như vậy. Dịch giả Trương Quốc Toàn chia sẻ về những nét khác biệt trong tác phẩm của bác sĩ Hocquard  và những tác giả Pháp khác, với những vị thế, giá trị đặc biệt của cuốn sách trong dòng tư liệu Pháp về Đông Dương nửa cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20: “Ở con người của bác sĩ Hocquard có tới vài nhân vật khác nhau. Trước tiên ông là một bác sĩ quân y. Nhưng khi đọc cuốn sách này, thì tôi nghĩ có lẽ ông nên sinh ra để làm một nhà nghiên cứu văn hóa thì tốt hơn. Và nhìn những bức ảnh ông chụp, thì có lẽ ông lại nên trở thành một nghệ sĩ nhiếp ảnh.  

Đối với cá nhân tôi bác sĩ Hocquard thật sự là nhà nghiên cứu văn hóa có một tâm hồn nghệ sĩ. Ông có 1 đặc điểm, so với những tác giả người Pháp từng có những ghi chép về Đông Dương, về Bắc Kỳ giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, thì có lẽ ông là một trong số ít người viết có thời gian lưu trú khá ngắn ngủi. Nhưng cũng có lẽ chính vì thời gian ngắn như thế, nên quá trình ông tìm hiểu thông tin, để ghi nhận, khám phá và ghi lại trong những trang viết của mình thật sự diễn ra 1 cách rất dồn dập. Mặt khác nhiệm vụ của ông khi được điều động tham gia vào quân đoàn viễn chinh Pháp, để tham gia vào một chiến dịch quân sự rất quan trọng. Nên trong 24 tháng ông lưu lại ở Bắc Kỳ và sau đó có thời gian ngắn ở Trung Kỳ, thì ông không ở lại một địa điểm nào quá lâu vì phải di chuyển liên tục theo đoàn quân viễn chinh đấy. Nhưng chính trong điều kiện thực thi một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng như thế, lại tạo cho ông có một cơ hội là khám phá rất nhiều vùng miền khác nhau.

Và khi đọc những trang viết của ông, tôi có hình dung ra những kiến thức ông làm giàu được qua từng ngày, trong con người ông đã có tố chất của một người đam mê khám phá. Tôi cảm giác trong con người thực sự là một nhà nghiên cứu hơn là một bác sĩ quân y. Tôi cũng rất ấn tượng với bác sĩ Hocquard ở chỗ ông có óc hài hước, dí dỏm đậm chất Pháp.” - Dịch giả Trương Quốc Toàn nhận xét.

Trong chuyến đi tới Bắc Kỳ, ngoài công việc chính là bác sĩ quân y, Hocquard còn được phân công nhiệm vụ chụp ảnh địa hình, hỗ trợ công tác trắc địa cho quân đội viễn chinh. Chính nhờ vậy, trong hơn hai năm ở Đông Dương (chủ yếu ở Bắc Kỳ), bác sĩ Hocquard đã chụp hơn 400 bức ảnh và những ảnh này hiện được lưu trữ ở nhiều đơn vị khác nhau như Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp, Viện Viễn Đông Bác Cổ, Thư viện Quốc gia Pháp…

Một phần những bức ảnh ấy đã đem về cho Hocquard chiếc huy chương vàng ở Triển lãm thế giới năm 1885 tổ chức ở Anvers, khi ông gửi tới đây trưng bày 117 bản sao các ảnh chụp tại Đông Dương.

Nhã Nam đã mua thành công bản quyền của 44 tấm ảnh gốc do bác sĩ Hocquard chụp, từ Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại (ANOM), Aix-en-Provence Pháp, cho vào phụ lục cuốn sách Một chiến dịch ở Bắc Kỳ, nhằm cung cấp thêm cho bạn đọc một tư liệu quý giá.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu