Nhiều điểm mới tại Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba

Ái Kiều
Chia sẻ
(VOV5) -

Lễ trao tặng Giải thưởng Sách Quốc gia, do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức, diễn ra mới đây tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, số 58 Quán Sứ, Hà Nội.

Nhiều điểm mới tại Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba - ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (ngoài cùng bên phải) và ông Nguyễn Mạnh Hùng (ngoài cùng bên trái), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, trao giải A - Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba cho các tác giả. -Nguồn: VOV  

Cuốn sách Đoàn binh Tây Tiến, của tác giả, nhà thơ Quang Dũng, được viết từ năm 1952 là một cuốn sách quý hiếm trong kho tàng sách thiếu nhi Việt Nam là một trong 3 tác phẩm xuất sắc được trao giải A năm nay. Nhà thơ Quang Dũng đã ghi lại những năm tháng trong quân ngũ bằng văn phong giản dị, hóm hỉnh. Đó không chỉ là ký ức của cá nhân mà là hồi ức của cả một thế hệ.

Chị Bùi Phương Thảo, con gái nhà thơ Quang Dũng, người đang giữ gìn các di cảo của ông nói rằng, Giải thưởng sách Quốc gia là sự ghi nhận với tác phẩm của cha mình: “Đây là niềm vui lớn không riêng với tôi, là niềm hạnh phúc với độc giả nhiều tầng lớp. Họ được tiếp cận tác phẩm như nhân chứng lịch sử, tiếp cận với đoàn binh Tây Tiến cách đây hơn 70 năm. Giải thưởng Sách Quốc gia là sự ghi nhận tác phẩm.”

Nhiều điểm mới tại Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba - ảnh 2

Cùng tập di cảo văn xuôi của tác giả Quang Dũng, trong hạng mục giải A Sách Quốc  gia còn có 2 tác phẩm thuộc lĩnh vực y tế và lịch sử, 10 giải B và 14 giải C. Giải thưởng được chấm qua 3 vòng: Sơ khảo, Chung khảo, Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia. Sách đoạt giải A phải qua phản biện kín.

Theo đánh giá của PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, thành viên Hội đồng Giám khảo, ở giải năm nay các Nhà xuất bản có sự đầu tư hơn mùa giải trước. Mặt bằng chung chất lượng công trình tốt hơn, hình thức sách đẹp và có nhiều kỹ thuật in ấn, đóng sách mới. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của các Nhà xuất bản nhằm hoàn thiện chất lượng sách trước khi giới thiệu tới độc giả: “Sách Khoa học xã hội và nhân văn năm nay đi vào cuốn sách mang tính chuyên khảo. Các tư liệu tác giả dùng phong phú hơn. Chúng ta chứng kiến quá trình đổi mới về phương pháp. Các tác giả sử dụng phương pháp hiện đại nghiên cứu đảm bảo tính lý luận và giá trị thực tiễn.”

Mặc dù diễn ra trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, nhiều tháng cả nước thực hiện giãn cách xã hội, nhưng Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ ba vẫn thu hút sự tham gia của 48 nhà xuất bản trên cả nước với 362 cuốn sách, tăng 6 nhà xuất bản so với Giải thưởng Sách lần thứ hai.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng nếu nâng tầm chất lượng qua từng năm, Giải thưởng sách Quốc gia sẽ trở thành thương hiệu uy tín: “Giải thưởng là sự cần thiết để xác lập giá trị các cuốn sách, nói cho bạn đọc cần tìm cuốn sách có giá trị để đọc. Khi nâng tầm lên thành Giải thưởng Sách Quốc gia nó đòi hỏi chất lượng sách phải nâng tầm rất lớn, đòi hỏi Ban Giám khảo, người đề cử cần cẩn trọng. Nếu chúng ta làm tốt nó sẽ thành thương hiệu.”

Đến nay, Giải thưởng Sách quốc gia đã qua 3 lần tổ chức, có đổi mới và kết quả tích cực hơn. Số lượng các nhà xuất bản, số lượng sách tham dự, đặc biệt sức lan tỏa của Giải thưởng trong xã hội ngày càng tăng.

Tuy vậy, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, để phát triển văn hoá đọc còn rất nhiều việc phải làm: “Chúng ta cần khơi nguồn cảm hứng để mọi người Việt Nam dành thời gian cho việc đọc, việc học để nâng cao tầm hiểu biết và bồi dưỡng tâm hồn. Chúng ta cần có nhiều hành động thiết thực hơn nữa để sách và người viết sách, xuất bản sách và người ham đọc sách được tôn vinh, được tạo điều kiện để đóng góp tài năng, nhiệt huyết của mình cho sự nghiệp chung. Đây không chỉ là trách nhiệm của ngành xuất bản mà của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội.”

Ban tổ chức Giải thưởng Sách Quốc gia đang nghiên cứu, tính đến việc số hóa các sách đoạt giải; đồng thời khuyến khích các nhà xuất bản số hóa và phát hành nhằm lan tỏa hơn nữa giá trị của sách, không chỉ cho bạn đọc trong nước mà còn cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu