Phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với văn học nghệ thuật

Lê Phương tổng hợp
Chia sẻ
(VOV5) - Văn nghệ sĩ không chỉ dồn tâm sức, trí tuệ sáng tạo tác phẩm mà còn phải tìm hiểu thị trường, nhu cầu của công chúng.

Việt Nam đang thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH), hướng đến mục tiêu đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% giá trị gia tăng vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong đó, phát triển công nghiệp văn hóa lĩnh vực văn học nghệ thuật (VHNT) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự đa dạng, sáng tạo của các sản phẩm văn hóa.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
Văn hóa nghệ thuật (VHNT) có thể xem là xương sống, là nguồn lực của các ngành CNVH. VHNT đóng góp doanh thu trực tiếp không nhiều, nhưng lại cung cấp kịch bản văn học, hình tượng, cách diễn đạt cho CNVH phát triển. Ngoài ra, từ các tác phẩm VHNT tạo ra giá trị gia tăng với lĩnh vực liên quan, như: điện ảnh, sân khấu. Điều này được thể hiện rõ rệt ở việc thời gian qua, nhiều tác phẩm văn học Việt Nam, như: “Cánh đồng bất tận”, “Quyên”, “Mắt biếc”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”... đã được dựng thành tác phẩm điện ảnh và thu hút đông đảo công chúng. Cùng với đó, những yếu tổ liên quan, như: nhạc phim, phim trường, không gian trong phim trở thành điểm tham quan du lịch; các đồ lưu niệm; thương hiệu và hình ảnh; các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng xuất hiện trong các tác phẩm VHNT cũng được khán giả quan tâm, chú ý. 
Phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với văn học nghệ thuật - ảnh 1Tác phẩm văn học Việt Nam “Mắt biếc” đã được dựng thành tác phẩm điện ảnh. Nguồn: vietnamplus.vn

Các sản phẩm VHNT được tạo ra từ sự sáng tạo của con người, là tài nguyên vô tận và vô giá. Khi sản phẩm VHNT trở thành sản phẩm CNVH sẽ góp phần nâng cao vị thế quốc gia, trở thành “sức mạnh mềm” ảnh hưởng lên toàn cầu, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, cho rằng: "Để xây dựng các ngành công nghiệp văn hoá thì có nhiều lực lượng, nhiều mảng khác nhau, nhưng trong đó đặc biệt là văn học nghệ thuật. Văn học nghệ thuật trước hết cung cấp ý tưởng, sự sáng tạo. Điều đó rất quan trọng. Nếu như 1 sản phẩm văn hoá được kết hợp những yếu tố của văn học nghệ thuật thì sẽ tăng giá trị, sức hấp dẫn, tính lan toả. Như thế thì công nghiệp văn hoá mới có sự phát triển một cách vững chắc và mạnh mẽ."

Phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với văn học nghệ thuật - ảnh 2Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương. Ảnh: dangcongsan.vn 

Theo đánh giá của các chuyên gia, VHNT nước nhà còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy để phục vụ phát triển CNVH, đặc biệt trong môi trường số và VHNT đang có sự tương tác mạnh mẽ trong thời đại số hóa như hiện nay. Thực tế ở Việt Nam hiện nay, không gian sáng tạo số đã đem lại nhiều cơ hội mới cho các tác giả để tạo ra những tác phẩm văn chương độc đáo, hấp dẫn.

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, Phó Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng: "Chúng ta đã thấy 1 đời sống sáng tác và thẩm bình văn chương cũng như thị trường văn học khá sôi động. Nó được biểu hiện ở sự xuất hiện của văn học trên nhiều khía cạnh, nhiều địa bàn, như: văn học trên báo chí, văn học trên mạng… cũng được phát triển 1 cách rất đa dạng, phong phú, nhiều giọng điệu. Đặc biệt là sự xuất hiện nhiều hình thức truyền tải văn chương mới, nhiều hình thức sinh hoạt văn chương gắn với đời sống công nghệ số. Chất lượng tác phẩm văn học, chất lượng sản phẩm văn chương được đưa ra đời sống hết sức đa dạng, mới mẻ, độc đáo, có sự trau chuốt kỹ lưỡng về nghệ thuật, về ngôn ngữ, về nội dung.

Hiện nay, nhu cầu tiếp nhận thông tin giải trí, trong đó có văn học nghệ thuật của công chúng ngày càng đa dạng, phong phú. Do đó, tác phẩm văn học nghệ thuật tốt, hấp dẫn là chưa đủ để đóng góp vào công nghiệp văn hóa. Văn nghệ sĩ không chỉ dồn tâm sức, trí tuệ sáng tạo tác phẩm mà còn phải tìm hiểu thị trường, nhu cầu của công chúng, trực tiếp tham gia vào chuỗi công nghiệp văn hóa. Nhà báo, nhà thơ Trần Hữu Việt, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, nhấn mạnh: "Nguồn lực quan trọng nhất trong lĩnh vực văn học nghệ thuật là nguồn lực về con người. Chúng ta phải đầu tư thể chế, chính sách để phát triển nguồn lực con người. Bên cạnh những tài năng cần được tạo điều kiện để phát huy mạnh mẽ, chúng ta phải đầu tư vào những người trẻ tuổi. Người trẻ có nhiệt huyết, tiềm năng nhưng họ cần được bổ sung nhiều thứ: kiến thức, kỹ năng, quan điểm, thậm chí là nhiệt huyết để họ xác định mình có thể đi đến tận cùng con đường sáng tạo của mình".

Trong khi đó, liên quan đến các cơ chế, chính sách để phát triển VHNT, đóng góp vào quá trình thực hiện CNVH, ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng: "Chúng ta cần xem văn học như là một lĩnh vực công nghiệp văn hóa, ở đó không chỉ có sáng tác văn học, mà còn liên quan đến phê bình, phổ biến, phát triển công chúng. Nếu bao quát được như thế, chúng ta sẽ tạo được một hành lang pháp lý rộng hơn cho sự phát triển văn học."

VHNT đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển CNVH. Việc có nhiều sản phẩm VHNT có giá trị sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển ngành Công nghiệp văn hóa của Việt Nam trong những năm tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu