Phát triển âm nhạc độc lập Việt Nam: tìm kiếm những con đường

Thanh Giang
Chia sẻ
(VOV5) - Những câu hỏi xoay quanh việc làm thế nào để các nghệ sĩ phát triển âm nhạc indie (nhạc độc lập) tại Việt Nam.

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Minh Nguyệt:

Chuỗi bàn tròn, gặp gỡ chuyên môn và phát triển mạng lưới giữa các chuyên gia hoạt động trong ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam và quốc tế mang tên LiveSpace PRO, do Viện Pháp Việt Nam phối hợp với Monsoon Music festival, Complex01, Believe và báo Thể thao & Văn hóa tổ chức, là cơ hội để các nghệ sĩ và chuyên gia Việt Nam khám phá và tìm hiểu sâu hơn về các sản phẩm và dịch vụ giúp thúc đẩy, quảng bá và phân phối các sản phẩm âm nhạc, từ đó tìm cách phát triển mạng lưới của họ trong nước và ra thế giới.

Không ít ca sĩ, nhóm nhạc trẻ đang loay hoay trong tổ chức hoạt động của mình, nhất là khi họ không có gì ngoài khả năng âm nhạc. Đây là điều mà những nghệ sĩ của ban nhạc Chú cá lơ cùng suy nghĩ, khi họ mới chỉ là những nghệ sĩ độc lập, vừa mới chập chững những bước đi đầu tiên trong nền công nghiệp âm nhạc. Nghệ sĩ Nguyễn Hải Hà - Chú Cá Lơ cho biết: "Là một ban nhạc nhỏ, chúng tôi không chỉ sống mỗi cuộc sống trên sân khấu, mà làm nhiều việc khác nhau để kiếm sống."

Phát triển âm nhạc độc lập Việt Nam: tìm kiếm những con đường - ảnh 1Buổi biểu diễn của ban nhạc Lope Dope trong chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc Livespace 

Tại buổi tọa đàm Làm thế nào để các nghệ sĩ phát triển âm nhạc indie (nhạc độc lập) tại Việt Nam, có khá nhiều câu hỏi được đặt ra: Các nghệ sĩ có sống được bằng tác phẩm âm nhạc của mình hay không? Khi đã có một chút danh tiếng, họ nên hoạt động độc lập hay đầu quân cho một hãng đĩa nào đó? Làm thế nào để đa dạng hóa nguồn thu? … Nhưng quan trọng hơn hết là câu hỏi về chất lượng sản phẩm thực tế, độc đáo và có tính cạnh tranh.

Bà Tôn Nữ Như Ngọc, Giám đốc phát hành của Believe Việt Nam - một phần của mạng lưới toàn cầu Bilieve, đơn vị phát hành, cung cấp các dịch vụ và giải pháp công nghệ cho các nghệ sĩ và các hãng thu âm độc lập - cho biết: "Hiện tại chúng ta sống trong một môi trường phẳng, mọi thông tin đến với tất cả các nghệ sĩ cũng như ê kip của nghệ sĩ rất dễ dàng. Mọi người có thể liên kết với Bileve thông qua những lời review từ những người đã làm việc trước đây, hai bên có thể trao đổi thẳng thắn với nhau là mình muốn gì, muốn một đơn vị phát hành trên nền tảng hay quản lý tất cả…Và ngược lại có thể làm gì cho nghệ sĩ, ở trên chặng đường nào khi làm việc với nghệ sĩ."

Riêng đối với nhạc trực tuyến, hiện nay có hơn 100 nền tảng phát nhạc trực tuyến và những nền tảng người dùng có thể tự tạo nội dung. Sau khi các nghệ sĩ đã có được một số sản phẩm âm nhạc thành công, có một lượng người nghe trên internet và có được sự chú ý nhất định, nhiều con đường để đi, thì lựa chọn nào là tốt nhất với họ, làm gì tiếp theo để phát triển sự nghiệp một cách tốt nhất?

Ông Đông Nguyễn – sáng lập Hot Panda Media – một công ty quảng cáo nghệ sĩ và sản xuất âm nhạc, đã hợp tác với các thương hiệu nổi tiếng như Disney,…cho rằng, các nghệ sĩ trẻ nên dùng đội ngũ hỗ trợ để có thể hiểu mình và đi xa hơn nữa: "Việc đầu tiên các nghệ sĩ cần làm khi có các sản phẩm có một số thành công nhất định, là nên tìm hiểu những lý do gì mà sản phẩm của mình thành công. Nên tìm một team – một đội ngũ phía sau, dù bây giờ có rất nhiều cơ sở vật chất online, điggital để nghệ sĩ có thể tự phát triển, nhưng vẫn cần những team sau lưng mình, ví dụ như để ra nhạc cũng cần một kênh phân phối phù hợp, hay xây dựng hình ảnh..

Cùng quan điểm, bà Charlotte Galané quản lý ban nhạc điện tử Pháp cũng cho rằng những người nghệ sĩ trẻ cần tập hợp được quanh mình một đội ngũ hỗ trợ, cũng như gặp gỡ nhiều nhất có thể những người trong mạng lưới sinh thái âm nhạc.

Phát triển âm nhạc độc lập Việt Nam: tìm kiếm những con đường - ảnh 2Nhóm nhạc Chú cá lơ - Ảnh: Viện Pháp

Nghệ sĩ Nguyễn Hải Hà chia sẻ, những nghệ sĩ trẻ như các anh, thực sự muốn có một công ty quản lý, bởi: "Việc đầu quân cho một công ty nào đó thì cái gì cũng có hai mặt, nhưng sẽ được 1 số thứ: Mình được đúng nghĩa là một người chơi nhạc chuyên nghiệp, sẽ có cơ hội vươn tới nhiều nơi hơn, có những vấn đề về hình ảnh, truyền thông mà những cái đầu chỉ biết chơi nhạc sẽ không làm được. Bọn em chỉ biết chơi nhạc, nên sẽ rất cần một team, hãng đĩa, ê kíp ở sau lưng mình để hỗ trợ nhiều nhất có thể."

Ông Fabien Lot (Giám đốc vận hành POPS Wordwide, công ty giải trí số hàng đầu Đông Nam Á, có hơn 523 triệu thuê bao theo dõi) cho rằng, để thành công, các nghệ sĩ trẻ cần chuẩn bị rất nhiều và kỹ càng: "Cần chuẩn bị để tránh thất bại. Đây là yếu tố rất quan trọng. Với nghệ sĩ trẻ, cần rất nhiều thời gian chuẩn bị để khi đưa sản phẩm của mình lên nền tảng số thì sẽ thu hút sự chú ý của đông đảo người nghe ngay từ đầu. Thứ nhất là cần có ngân sách dài hơi để theo đuổi thành công. Hai là cần nghiên cứu kĩ thị trường, theo dõi xu hướng, phân bổ cấu trúc các thể loại âm nhạc trên các nền tảng số, giữa các loại nền tảng khác nhau, nghiên cứu loại nền tảng số nào phù hợp với thể loại nhạc của mình. Thứ ba tiếp cận thị trường âm nhạc số cần kế hoạch cụ thể, theo đuổi lâu dài một thể loại âm nhạc, nỗ lực bền bỉ, tập trung học hỏi, làm việc thì mới có thể đi xa."

Về tài chính, một trong những yếu tố then chốt để phát triển ban nhạc như ông Fabien Lot nói, theo ông Đông Nguyễn chia sẻ kinh nghiệm để những nghệ sĩ trẻ, nghệ sĩ mới của Việt Nam muốn theo đuổi ngành âm nhạc theo cách làm chuyên nghiệp: "Âm nhạc không phải là làm một lần kiếm được rất nhiều tiền, mà tích tiểu thành đại. Một bài nhạc một tháng mình chỉ có thể kiếm được 50 ngàn thôi, không bao nhiêu, nhưng khi mình ra nhiều sản phẩm hơn thì sẽ cấp số nhân lên. Và các nghệ sĩ khi được yêu thích rồi, được nghe đi nghe lại, khi có đủ sản phẩm để có thể đi diễn show được, có đủ câu chuyện để kết nối với khán giả thành fan của mình…và xây đựng được mối quan hệ lâu dài,có nguồn thu nhiều hơn và tái đầu tư vào những sản phẩm tiếp theo…"

Phát triển âm nhạc độc lập Việt Nam: tìm kiếm những con đường - ảnh 3Các nghệ sĩ trẻ tham gia các chương trình biểu diễn của LiveSpace - Ảnh: Viện Pháp

Theo các diễn giả, muốn thu hút khán giả ngoài đầu tư cho chất lượng sản phẩm thì các ban nhạc trẻ cần xây dựng những chương trình biểu diễn phù hợp, thu hút nhiều người tham gia. Còn theo nhạc sĩ Quốc Trung, Tổng đạo diễn Monsoon Music Festival, trước khi nghĩ đến tất cả những yếu tố như tạo ra nguồn thu, làm việc nhóm hay hoạt động độc lập thì người nghệ sĩ cần phải có sản phẩm âm nhạc hoàn hảo, có cá tính, độc đáo.

Số lượng ban nhạc độc lập ở nước ta đang có sự gia tăng về số lượng trong 10 năm trở lại đây. Có những nhóm nhạc đã tìm cho mình “chất riêng” để giới thiệu đến người nghe.Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nghệ sĩ , nền âm nhạc cũng cần lớp công chúng mới. Do đó, ngoài việc tổ chức các chương trình biểu diễn, tạo sân chơi cho các nhóm nhạc trẻ thì dự án LiveSpace Vietnam còn mang lại cơ hội để hỗ trợ, kết nối cho các ban nhạc trẻ và khán giả cũng như các chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành âm nhạc thế giới

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu