Từ ngày 14-28/9, Liên hoan chèo toàn quốc 2019 do Cục biểu diễn Nghệ thuật phối hợp và Hội nghệ sĩ sân khấu phối hợp tổ chức tại TP. Bắc Giang. Cứ 3 năm được tổ chức 1 lần, Liên hoan chèo toàn quốc là dịp để các đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp trong cả nước giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm; đồng thời giúp cho các nhà quản lý trong lĩnh vực này đánh giá thực trạng và sự tác động của nghệ thuật chèo về đề tài hiện đại đối với đời sống xã hội trong nhiều năm qua. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam về những thông tin của Liên hoan chèo toàn quốc năm nay.
NSND Lê Tiến Thọ - Ảnh: VOV |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa ông, cho đến thời điểm này, Liên hoan chèo toàn quốc năm 2019 đã được chuẩn bị đến đâu rồi?
NSND Lê Tiến Thọ: Cục Nghệ thuật biểu diễn là đơn vị chủ trì, phối hợp với Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Hội nghệ sĩ Việt Nam sẽ cử những lãnh đạo tham gia trong ban chỉ đạo tổ chức. Hiện nay đã có 30 tiết mục đăng ký. Trong quy chế đặt ra, Cục nghệ thuật biểu diễn đồng ý một nhà hát có nhiều đoàn thì mỗi đoàn có thể tham gia một vở. Hiện nay Ban tổ chức đang khảo sát những đơn vị đăng ký tham gia liên hoan để xem và trao đổi về những tiết mục cũng như chất lượng nghệ thuật, đề tài, nghệ thuật trong những tiết mục biểu diễn đó… để làm sao khi đến được với liên hoan, BTC nhìn được tổng thể để nếu như có những tiết mục yếu quá về chất lượng thì có thể không được tham gia liên hoan lần này.
Liên hoan nào cũng vậy, Hội nghệ sĩ sân khấu chúng tôi luôn phải xem, thẩm định, trao đổi với đơn vị là tác giả đạo diễn để nâng cao chất lượng nghệ thuật vì liên hoan nghệ thuật là hoạt động chung trong nghề nâng cao chất lượng nghệ thuật. Thứ hai, qua trao đổi của liên hoan chúng ta thấy được mặt mạnh mặt yếu của hoạt động để BTC và các đơn vị chức năng nhìn nhận, đánh giá và tìm những giải pháp khắc phục. Liên hoan lần này cũng hướng tới mục đích như vậy.
Liên hoan chèo toàn quốc năm 2016 |
PV: Vậy ông đánh giá như thế nào về chất lượng của các vở diễn của Liên hoan chèo toàn quốc năm nay?
NSND Lê Tiến Thọ: Mặt bằng chung có rất nhiều đơn vị cố gắng. Mục đích ban đầu là cần nâng cao chất lượng nghệ thuật nhưng cũng không tránh khỏi việc muốn tham gia nhiều để tạo điều kiện cho các nghệ sĩ được thể hiện vai. Các nhà hát sẽ đăng ký nhiều vở để tạo điều kiện cho anh em nghệ sĩ của mình nhưng mục đích cao nhất vẫn là phải xây dựng những tác phẩm có chất lượng cao chứ không thể đánh bóng mạ kền những tiết mục cũ để đăng ký liên hoan tạo ra những giải thưởng cho cá nhân. Phải nhìn mặt bằng tiến bộ chung của loại hình nghệ thuật truyền thống, nhất là trong giai đoạn hiện nay, sự bùng nổ thông tin mà sân khấu của chúng ta không có tiết mục mới, không nói được những điều khán giả đang mong mỏi. Đó là những điều qua liên hoan cần phải nhìn nhận và đánh giá.
PV: Vậy thì theo ông, tại liên hoan sân khấu chèo năm nay, những kịch bản và đề tài về những vấn đề mới mẻ, mang tính đương đại đã được khai thác nhiều chưa?
NSND Lê Tiến Thọ: Đề tài đương đại hiện nay so với những liên hoan gần đây trong chèo không nhiều. Đề tài thường tìm đến đề tài lịch sử, dã sử, dân gian, những câu chuyện ấy trong chèo dễ thể hiện. Các tác giả, các nhà đạo diễn, các nhà chỉ đạo nghệ thuật có trò diễn, có tích, như vậy có đất cho diễn viên. Đặt vào những vấn đề đương đại ngày hôm nay phải nói là rất khó, nhất là đối với những loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương. Tác giả phải “gan” lắm mới có thể tiếp cận những đề tài như vậy. Tại liên hoan này, có lẽ cũng cũng chưa đến một nửa những đề tài mới mà chúng ta đang cần.
PV: Gần đây, trong nghệ thuật chèo, các tác giả dường như đang chú trọng đến phần hát mà phần nào làm mờ đi yếu tố diễn của nghệ thuật sân khấu, ông đánh giá như thế nào về điều này?
NSND Lê Tiến Thọ: Trong những năm gần đây, xu thế phát triển tạo ra những trò để tạo đất cho nghệ sĩ biểu diễn thông qua hát đối với nghệ thuật chèo là rất có hiệu quả. Thế nhưng trong cấu trúc của vở chèo truyền thống luôn phải đạt được 3 yếu tố: tính tự sự, kịch tính, trữ tình – ngôn ngữ trong thơ. Ba yếu tố ấy kết hợp với nhau nhuần nhuyễn sẽ tạo thành một vở chèo hay. Nếu trong chèo ngôn ngữ đối thoại không có chất trữ tình, chất thơ, tính hình tượng qua ngôn ngữ bị nghèo nàn thì lời hát sẽ không đẹp và hay. Mặc dù nhạc sĩ cố gắng tìm tòi và ép vào diễn viên có những làn điệu để hát và khoe giọng. Nhưng cần phải có “lối”, dẫn điệu từ lối của ngôn ngữ thơ ấy. Tính trữ tình ấy phải được nâng lên mới trọn vẹn. Nếu không sẽ không tạo được hiệu quả của ngôn ngữ của sân khấu truyền thống mà các cụ ta đã đặt ra.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!