Nick Út trong buổi nói chuyện với phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam sáng 5/5 |
Tên tuổi của Nick Út gắn liền với bức ảnh “Nỗi kinh hoàng chiến tranh” hay còn gọi là “Em bé Napalm” mà theo ông đây có thể nói là bức ảnh “định danh nghề nghiệp” của mình. Với hình em bé gái Kim Phúc bị bỏng vì bom Napalm đang hoảng loạn bỏ chạy tại Trảng Bàng, Tây Ninh trong thời kỳ chiến tranh năm 1972, bức ảnh đã làm thay đổi cái nhìn của thế giới lúc đó về chiến tranh Việt Nam, thổi bùng phong trào phản chiến ở Mỹ. Tác giả Nick Út khi đó chỉ mới 21 tuổi và là phóng viên ảnh của hãng thông tấn AP chia sẻ: “Mỗi ngày một lớn lên, Kim Phúc cảm ơn người phóng viên đó, bức hình đó đã làm thay đổi hết. Nhiều nạn nhân bình thường không được thay đổi nhưng cuộc sống của Kim Phúc đã được thay đổi qua bức ảnh đó. Sau này ở những buổi nói chuyện, Kim Phúc đã nói: cảm ơn chú đã đưa con đến ngày nay, những nạn nhân ngày xưa không có bức hình nào để chụp”
Nhưng điều khiến thế giới xúc động có lẽ còn là câu chuyện tình người đằng sau bức ảnh ấy. Sau khi chụp bức ảnh để đời ấy, dù báo chí quốc tế và quân đội đã bỏ chạy, nhưng người phóng viên trẻ Nick Út khi ấy đã không hề bỏ rơi những nạn nhân trong cuộc dội bom kinh hoàng ấy. Ông kể lại: “Lúc đó Út nghĩ, thà rằng mình mất công việc làm ở AP để cứu sống một người. Thời đó Út mới 19,20 tuổi, đứng nhìn mà ra nước mắt. Út mượn cái áo mưa và ẵm cô Kim Phúc vào xe. Khi đến cửa bệnh viện, Út kêu y tá đến giúp mà không ai muốn giúp nữa, bởi đây là bệnh viện địa phương không có thuốc men. Út cầm thẻ nhà báo nói: tôi là phóng viên AP, nếu cô ấy chết, tất cả hình đều đăng lên trang bìa ngày mai. Nói vậy y tá mới đưa băng ca ra”.
Cho đến 17 năm sau, Nick Út đã gặp lại Kim Phúc khi cô sang học tại Cuba và Nick Út cùng gia đình định cư tại Úc. Cô bé Kim Phúc ông bế trên tay ngày nào giờ ở tuổi 53, mẹ của hai đứa con trưởng thành và vẫn duy trì liên lạc thân thiết với “chú Nick Út” “Út và Kim Phúc nói chuyện mỗi tuần trên điện thoại. Hiện nay Kim Phúc là đại sứ hòa bình của UNESCO. Cô bay đi nhiều nước trên thế giới. Mỗi lần gặp cô hay nói: chú ơi ngày xưa con chạy nhưng bây giờ con bay không có chạy nữa”.
Sau bức ảnh lịch sử đó, Nick Út chụp hàng ngàn bức ảnh trong vòng 44 năm tiếp theo bao gồm cả những bức ảnh về các ngôi sao Hollywood và nhiều chính khách. Gắn bó với hãng thông tấn AP hơn nửa thế kỷ, Nick Út nghỉ hưu vào tháng 3 vừa qua. Nhưng nghỉ hưu không có nghĩa là ngừng làm việc, Nick Út chia sẻ ông sẽ vẫn tiếp tục làm phóng viên ảnh tự do, và đây là lúc ông có thể trở lại Việt Nam với một tâm thế khác: “Út đang muốn làm một cuốn sách về Việt Nam, đời sống Việt Nam, Việt Nam mỗi ngày, về một Việt Nam không chiến tranh. Út sẽ trở lại những nơi ngày xưa mình đã từng đi, đời sống của người đồng bào miền Trung, miền Tây, chọn ra 100 tấm ảnh để đăng cuốn sách”
Được biết đến như một “nhiếp ảnh gia huyền thoại của hãng AP”, Nick Út luôn ung dung tự tại với mái tóc bạc trắng và mang theo bên mình những chiếc máy ảnh, mà ông vẫn nói vui là đó là những “liều thuốc chữa bệnh” cho mình đến cuối đời.