Những trang viết có tình của Trần Quang Quý

Anh Thư
Chia sẻ
(VOV5) - “Ngô Văn Dụ - Người làng Rau” – từ nhan đề sách đã cho thấy cốt cách tâm hồn nhân vật và một không gian văn hóa.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:  

Ngô Văn Dụ - Người làng Rau” là nhan đề cuốn truyện ký do của nhà thơ nhà báo Trần Quang Quý chấp bút, viết về thời tuổi thơ và tuổi trẻ của ông Ngô Văn Dụ - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Nhà xuất bản Hội nhà văn mới cho ra mắt gần đây.

Với hơn 400 trang sách, cuốn truyện ký “Ngô Văn Dụ - Người làng Rau” tái hiện chân thực và xúc động chân dung thời tuổi trẻ của ông Ngô Văn Dụ - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, từ lúc còn thơ nhỏ đến năm 36 tuổi.

Những câu chuyện quá khứ được viết lại bằng văn phong giản dị, sinh động, với điểm nhìn của một nhà thơ nhà báo từng qua thử thách chiến trường, dạn dày kinh nghiệm sống và viết. Nhà thơ Trần Quang Quý chia sẻ, khi chắp bút cho cuốn sách này, ông cũng chịu nhiều áp lực: “Anh Dụ là một cán bộ cấp cao của Đảng. Bạn đọc bình thường sẽ muốn tìm những mảng khuất lấp mang tính đời sống của một chân dung văn học. Đối với anh Dụ thì không thể thế được. Nhưng nếu viết trơn tru quá thì cũng không hấp dẫn bạn đọc. Chính vì thế, tôi đối mặt với thách thức rất lớn. Song cũng có cái may là anh Dụ còn giữ lại những cuốn nhật ký và rất nhiều thư. Tôi chủ yếu khai thác qua 5 cuốn nhật ký và 31 lá thư của anh Dụ viết thời đó, kết hợp với những chuyến đi thực tế, những cuộc chuyện trò tâm sự cùng anh và bạn bè đồng nghiệp của anh. Nhật ký và thư, nét chữ rất nhỏ, viết trên giấy giang, nhiều đoạn mất nét, tôi nói vui là tôi phải mua một cái kính lúp để đọc”

Những trang viết có tình của Trần Quang Quý - ảnh 1 Nhà thơ Trần Quang Quý, người chấp bút cho cuốn sách 

Lần lượt qua các phần: Tuổi thơ bên dòng sông Cái, Dưới mái trường Trần Phú, Thời sinh viên yêu dấu, Người lính Trường Sơn, Điểm tựa gia đình, Vỹ thanh Trường Sơn, từng câu chuyện được hiện lên, đan kết nhau, gắn với những mốc thời gian quan trọng: Từ khi còn là cậu bé mồ côi cha vào năm lên 6, nhà cửa tài sản gia đình bị thực dân Pháp đốt phá, gia cảnh nghèo khó, nhưng vẫn được mẹ lo cho ăn học đầy đủ, đến khi tốt nghiệp xuất sắc Đại học Kinh tế Quốc Dân, ra giảng dạy, trải qua hơn 10 năm làm người lính Trường Sơn từ 1973 - 1983, sau đó, ở tuổi 36, ông ra quân, chuyển ngành về Bộ nông nghiệp. Từng trang hồi ức thấm đẫm buồn vui, ngẫm ngợi của một thanh niên nhiệt huyết, trong sáng, luôn khao khát phấn đấu cho lý tưởng cách mạng, yêu gia đình, quê hương, không quản ngại gian khó, nỗ lực vươn lên trong học tập và trong công tác.

Những trang viết có tình của Trần Quang Quý - ảnh 2Ông Ngô Văn Dụ - nhân vật của cuốn sách  

Nhắc tới những dòng nhật ký được sử dụng làm chất liệu của cuốn sách, ông Ngô Văn Dụ không khỏi bồi hồi: “Tôi sinh ra trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, bố mất sớm khi tôi mới là cậu bé lên sáu, còn mẹ vẫn đang ở độ tuổi 30 mà đã phải một mình ở vậy, ngày đêm lặn lội nuôi 4 đứa con trai gầy yếu. Nhưng tôi cũng có may mắn, là trong điều kiện như thế, tôi vẫn được đi học sớm và liên tục, lại được tiếp thu cái gốc rễ nhà nho và cái gen hay chữ của ông ngoại là cụ Từ Thức và bố là ông giáo Phổ, nên cũng sớm có niềm say mê học tập, nhất là học văn. Có lẽ hai yếu tố ấy đã khiến tôi sớm là người sống nội tâm, đa cảm, thích ghi nhật ký, làm thơ, và sau này lại buộc có thêm sở thích viết thư, lấy đó làm cách thức chủ yếu để bộc lộ và trao đổi tình cảm suy nghĩ của mình, trong hoàn cảnh mọi thứ đều xa xôi cách trở”

Những câu chuyện tưởng của ngày hôm qua nhưng hiện lên thật sáng rõ trong bối cảnh hôm nay, khi đất nước đang hội nhập, rất cần sự dấn thân, đóng góp sức lực và trí tuệ của thế hệ trẻ.

Không chỉ là chân dung về một người thành đạt, dấn thân, cuốn sách còn cho thấy một Ngô Văn Dụ với đời sống nội tâm phong phú, lãng mạn, ít nhiều đa cảm. Ngay từ thời phổ thông, ông đã là học sinh giỏi văn của tỉnh Vĩnh Phúc, được bạn bè gọi là “nhà văn trẻ”. Hoàn cảnh công tác và những nhiệm vụ liên miên đưa ông đi theo một con đường khác. Không thành nhà văn, nhưng cả quá trình sống, ông luôn giữ được tinh thần lạc quan, yêu đời, sống có trách nhiệm, có tình, nhân hậu với bạn bè, đồng nghiệp, là một người chồng người cha yêu thương gắn bó với gia đình.

“Một con người sống có tình” – đó là cảm nhận của ông Nguyễn Tiến Quân, một người đồng hương, một người bạn của ông Ngô Văn Dụ: “Mặc dù cuốn sách là những ghi chép về một con người, nhưng khi đọc tôi có cảm giác rất lôi cuốn nhẹ nhàng, và nó giống như một cuốn tiểu thuyết hơn là một tập ký. Có lẽ cuộc đời của anh Dụ, qua những hình ảnh trong này, cũng là một cuốn tiểu thuyết. Anh Dụ đúng là con người rất tình cảm, rất nặng tình – nặng tình với gia đình, nặng tình với anh em bạn bè, nặng tình với quê hương, với những vùng đất mình đã sống.”

“Ngô Văn Dụ - Người làng Rau” – Nhan đề sách cũng tạo ấn tượng thú vị, riêng biệt, cho thấy cốt cách tâm hồn nhân vật và một không gian văn hóa. Là người đã biên tập hàng nghìn cuốn sách, nhưng với cuốn truyện ký này, nhà văn Tạ Duy Anh có ít nhiều ngạc nhiên: “Cuốn sách nhan đề là “Ngô Văn Dụ - người làng rau”.Bản thân chữ “Làng rau” cũng là một cái tên nôm. Nhưng tôi tò mò thêm một khía cạnh nữa. Mình nghĩ là ông này từng làm rất to,chắc ông cũng để lại những câu chuyện rất to tát.Nhưng khi đọc tôi cũng lại thêm một lần ngạc nhiên nữa.

Tất cả các câu chuyện đều vô cùng bình dị. Nếu một người khác viết thì tôi nghĩ những phần văn hóa ở vùng đất sinh ra anh Ngô Văn Dụ chắc chắn sẽ không sâu đậm như những gì anh Trần Quang Quý thể hiện. Thêm nữa, cuộc đời anh, dằng dặc qua mấy chục năm tuổi trẻ cũng lại trùng khớp với một giai đoạn lịch sử rất oai hùng của đất nước. Đấy là một thế hệ không tính toán bất cứ một điều gì khi lao vào nhiệm vụ cách mạng. Anh Ngô Văn Dụ đã thể hiện đúng cái điều như vậy”.

Làng Rau là tên nôm của làng Nhật Chiêu – xã Liên Châu – huyện Yên Lạc – tỉnh Vĩnh Phúc. Cái tên Làng Rau được hình thành từ một huyền tích dân gian cả ngàn năm trước: Một cô gái con gia đình chài lưới xinh đẹp, nết na, thông minh từ vùng sông Lô - Bạch Hạc về khai khẩn bãi phù sa ở đây để trồng rau và thành nghề truyền thống của làng. Nơi đây mãi là máu thịt tâm hồn, là miền văn hóa mà nhân vật chính trong truyện ký này thao thiết trở về.

Cuốn sách không có tham vọng đặt ra những vấn đề lớn, hay đi sâu phân tích chuyện riêng tư – điều thường thấy ở nhiều cuốn hồi ký, tự truyện. Song bằng văn phong giàu cảm xúc và trải nghiệm, nhà thơ Trần Quang Quý đã cuốn người đọc vào câu chuyện của một con người -  một thế hệ, gợi mở những giá trị sống dường như đang bị ngủ quên trong nhịp đời hối hả hôm nay.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu