Những tác phẩm để đời của Đoàn Giỏi

Phùng Hà/ CTV
Chia sẻ
 (VOV5)- Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ra mắt ấn bản mới những tác phẩm hay nhất của nhà văn Đoàn Giỏi – một cây đại thụ của phương Nam, tuyển tập gồm 9 tác phẩm để đời của nhà văn. 
(VOV5)- Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ra mắt ấn bản mới những tác phẩm hay nhất của nhà văn Đoàn Giỏi – một cây đại thụ của phương Nam, tuyển tập gồm 9 tác phẩm để đời của nhà văn. 

 Những tác phẩm để đời của Đoàn Giỏi - ảnh 1



Với khối lượng tác phẩm đồ sộ, biên độ đề tài rộng, ở đủ các thể loại: tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn, truyện kí, bút kí, biên khảo, thơ và kịch thơ, nhà văn Đoàn Giỏi đã biến vùng đất phương Nam trở nên thân thuộc, đáng yêu đối với người đọc. Những trang văn của ông thấm đượm hơi thở sông nước, rừng cây, những câu chuyện cả thực cả kì bí của thiên nhiên Nam Bộ hoang sơ và truyền được hơi thở ấy cho độc giả.


Cùng với tác phẩm Đất rừng phương Nam đã được ấn hành và nối bản liên tục trong những năm vừa qua, nằm trong chuỗi hoạt động hướng đến kỉ niệm 60 năm thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng (17/6/1957 – 17/6/2017), Nhà xuất bản Kim Đồng tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc loạt tác phẩm gắn liền với tên tuổi nhà văn Đoàn Giỏi, bao gồm: Truyện dài Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày: Câu chuyện về đoạn đời lẫy lừng của nhà cách mạng Tôn Đức Thắng ở nhà tù Côn Đảo, nơi được ví là địa ngục trần gian. Truyện kí Trần Văn Ơn: Câu chuyện về cuộc đời hào hùng của người học sinh anh hùng Trần Văn Ơn, cùng với học sinh sinh viên Sài Gòn tham gia đấu tranh chính trị, xuống đường chống chính phủ bù nhìn của Bảo Đại và sự thống trị của Pháp. Truyện dài Cá bống mú: Câu chuyện đau thương, thảm khốc và sức sống mãnh liệt của người phương Nam. Truyện dài Hoa hướng dương: Dữ dội, can trường, đậm chất điện ảnh. Tập truyện ngắn Rừng đêm xào xạc: Được ví như những bước chân trải dài theo thế kỉ 20. Truyện dài Cuộc truy tầm kho vũ khí: Câu chuyện oai dũng, khốc liệt mà đậm chất thơ. Tê giác trong ngàn xanh: Một thế giới thiên nhiên gần gũi nhưng hiếm người biết đến. Những chuyện lạ về cá: Tập hợp những câu chuyện sống động, khoa học và cũng thật huyền ảo.


Đánh giá về văn chương Đoàn Giỏi, nhà văn Anh Đức từng nhận định: “Với một đời văn trên bốn mươi năm, nhà văn Đoàn Giỏi đã để lại cho đời những dòng đẹp đẽ đậm sắc thái và đầy sinh thú về quê hương, đất nước, con người ở vùng đất Nam bộ thân yêu của Tổ quốc ta. Văn của nhà văn Đoàn Giỏi vừa mang chất trữ tình lại vừa mang tính chất lạ kỳ, sôi động.”

 Những tác phẩm để đời của Đoàn Giỏi - ảnh 2



Còn nhà thơ Chế Lan Viên thì nhận ra: “Văn của Đoàn Giỏi luôn ngồn ngộn nguồn tư liệu và vốn sống mà tác giả chắt lọc. Là một nhà văn chịu khó tìm tòi nghiên cứu mọi chuyện một cách ngọn ngành, nên trang viết của ông thường rất góc cạnh, gồ ghề nhưng cũng đậm đặc chân tình như quê hương ông, miền đất hoang sơ và hào phóng miền Tây Nam bộ. Đoàn Giỏi là một trong những người đầu tiên truyền bá ngôn ngữ Nam bộ hiện đại qua những tác phẩm của mình.”


Đặc biệt, các tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi trở lại lần này được chăm chút công phu và tỉ mỉ về mĩ thuật. Các họa sĩ trẻ 9X với những đường nét, màu sắc trẻ trung trong thiết kế bìa, tranh minh họa, tranh ở các postcard hứa hẹn sẽ cộng hưởng và thổi thêm sinh khí vào bề mặt chữ ở mỗi tác phẩm.


Chào đón các tác phẩm văn chương của nhà văn Đoàn Giỏi trở lại là chào đón và thêm lần nữa nhìn nhận đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn đối với trước tác của ông. Văn chương ông vẫn nóng hổi hơi thở đương đại, đời sống hôm nay, với các vấn đề về môi trường, về thiên nhiên trong Tê giác trong ngàn xanh, Những chuyện lạ về cá, Rừng đêm xào xạc; với những chất liệu điện ảnh vốn bị xem là khan hiếm ở các tác phẩm văn học trong Hoa hướng dương, Cá bống mú; với yếu tố phiêu lưu vốn dĩ ít được xem là thế mạnh của văn chương Việt trong Cuộc truy tầm kho vũ khí, với bút pháp xây dựng chân dung nhân vật điêu luyện trong Trần Văn ƠnNgười thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày.


Nhà văn Đoàn Giỏi sinh năm 1925 tại Tiền Giang và mất năm 1989 tại TP.HCM. Tên ông đã được đặt cho một con đường ở quận Tân Phú, TP.HCM và đặt cho ngôi trường THCS ở quê nhà, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ông là hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam, năm 1957, đồng thời là ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II và III. Ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001. Các bút danh khác của ông: Nguyễn Hoài, Nguyễn Phú Lễ, Huyền Tư.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu