Nhà văn Sơn Tùng và những tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lương Thị Thủy Tiên
Chia sẻ
(VOV5) -  Thành công và để lại dấu ấn sâu sắc nhất trong mảng đề tài này là nhà văn Sơn Tùng với những đóng góp vô giá cho văn học.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nhà văn Bùi Sơn Tùng (tên thường gọi là Sơn Tùng) vừa lặng lẽ từ giã người thân, bạn bè, đồng nghiệp, công chúng, hưởng thọ 93 tuổi. Cả cuộc đời lao động và sáng tạo của mình, nhà văn Sơn Tùng dành nhiều công sức và tâm huyết cho đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng và lan tỏa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở cả trong và ngoài nước. 

Nhà văn Sơn Tùng sinh ngày 8/8/1928 tại làng Hoa Lũy (nay là Kim Lũy), xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1944, có 70 năm tuổi Đảng. Nhà văn Sơn Tùng để lại một di sản văn chương đồ sộ đáng tự hào với hàng chục tác phẩm, trong đó có 21 tác phẩm tiêu biểu. Tiểu thuyết “Búp sen xanh” là tác phẩm tiêu biểu nhất, thành công nhất về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhà văn Sơn Tùng và những tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh - ảnh 1Nhà văn Sơn Tùng - Ảnh: doanhnhansaigon.vn

Trong văn học nghệ thuật hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một đề tài lớn. Hàng trăm nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ đã tái hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những loại hình nghệ thuật khác nhau. Nhưng thành công và để lại dấu ấn sâu sắc nhất trong mảng đề tài này là nhà văn Sơn Tùng với những đóng góp vô giá cho văn học. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng: "Trong các nhà văn Việt Nam viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nhà văn Sơn Tùng là số một, giỏi nhất vì viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh không dễ dàng. Ví dụ như cuốn Búp sen xanh, ông viết về tuổi thơ, tuổi 20, 30 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm sống động lại một chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đẹp, Khi đọc tác phẩm thấy rõ ràng người chính là tấm gương cho thế hệ trẻ học tập và không chỉ thế hệ trẻ mà những người có tuổi khi đọc lại tác phẩm Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng cũng rất cảm động."

Đến nay, “Búp sen xanh” đã được tái bản và nối bản 30 lần, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, và được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh. Tiếp theo cuốn “Búp sen xanh”, cuốn “Bông sen vàng” là tác phẩm thứ hai của Sơn Tùng viết về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu như “Búp sen xanh” nói về gia đình và quãng đời thơ ấu của Hồ Chí Minh cho đến khi Người ra đi tìm đường cứu nước thì “Bông sen vàng”, ở diện hẹp hơn cũng kể về thời ấu thơ và tuổi trẻ của Người với tên gọi Nguyễn Sinh Cung trong thời gian sống với cha mẹ ở thành phố Huế. 

Nhà văn Sơn Tùng còn có nhiều tác phẩm khác về Chủ tịch Hồ Chí Minh, như: “Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh”, “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh”, “Nguyễn Ái Quốc qua hồi ức bà mẹ Nga”, “Từ làng Sen”, “Bác Hồ cầu hiền tài”, “Hoa râm bụt”, “Bên khung cửa sổ”, “Nhớ nguồn”, “Kỷ niệm tháng Năm”, “Con người và con đường”… Trong số đó, truyện dài “Cuộc chia ly trên Bến Nhà Rồng” của nhà văn Sơn Tùng được chỉnh sửa từ kịch bản phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” - bộ phim nhựa công chiếu năm 1990 được đông đảo khán giả yêu mến. Hai năm 2019, 2020, Nhà xuất bản Văn học giới thiệu “Tuyển tập truyện và ký về Hồ Chí Minh” (quyển 1, quyển 2) của Sơn Tùng, là hai tác phẩm quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh sau cùng của ông.

Bày tỏ ngưỡng mộ người đồng nghiệp của mình, nhà văn Đặng Vương Hưng, Phó Tổng biên tập báo điện tử của Tạp chí Môi trường và đô thị Việt Nam, chia sẻ: "Dù tuổi nhà văn Sơn Tùng đã cao, hơn 90 tuổi thế nhưng với giới văn chương và những người viết văn như chúng tôi thì sự ra đi của nhà văn Sơn Tùng là một sự mất mát rất lớn, không gì bù đắp lại được. Có thể nói nhà văn Sơn Tùng là một tấm gương lớn, một nghị lực phi thường của một con người. Ông bị thương nặng như thế nhưng vẫn viết được những tác phẩm văn chương rất đồ sộ, đặc biệt là viết về chủ tịch Hồ Chí Minh, một đề tài rất khó với nhà văn bình thường chứ không nói một người thương binh, bệnh nặng như ông."

Không chỉ giỏi trong lĩnh vực văn chương, lối sống của nhà văn Sơn Tùng cũng rất được mọi người quý trọng. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: "Anh Sơn Tùng không những nghiên cứu, nói chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà  còn học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Anh có cuộc sống giản dị, gần gũi với bạn bè thân tình với mọi người. Lúc nào anh Sơn Tùng cũng đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác để mong muốn đem lại niềm vui, hạnh phúc, điều tốt đẹp cho mọi người."

Với những cống hiến đóng góp của mình với văn học nước nhà, nhà văn Sơn Tùng vinh dự được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2011. Những tác phẩm của ông, đặc biệt là những tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả và công chúng

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu