Nhà văn Nguyễn Trương Quý nói về sự đọc của người Việt

Chia sẻ
(VOV5) - "Với việc đọc, chúng ta nghĩ đơn giản: cần là thói quen từ lúc nhỏ và duy trì suốt đời."

Nhà văn Nguyễn Trương Quý từng làm kiến trúc, viết báo, vẽ tranh trong 20 năm qua, cũng như nhiều năm làm biên tập viên. Đồng thời, anh cũng là tác giả của những cuốn sách khảo cứu, tản văn về Hà Nội nổi tiếng. Với sức viết đều đặn và dồi dào, Nguyễn Trương Quý là một cái tên rất quen thuộc trên văn đàn Việt Nam những năm gần đây. Anh chia sẻ với thính giả về việc đọc sách và sự quan tâm đến sách ở Việt Nam.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Nhà văn Nguyễn Trương Quý nói về sự đọc của người Việt - ảnh 1Nhà văn Nguyễn Trương Quý - Ảnh: Hà Thu
PVThưa nhà văn Nguyễn Trương Quý, từ góc nhìn của một người viết, một nhà nghiên cứu, anh có thể chia sẻ những cảm nhận cá nhân về việc đọc sách, sự quan tâm đến sách ở Việt Nam hiện nay?

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Dưới góc độ của một người viết quan sát việc đọc của đại chúng, tôi cảm thấy việc đọc sách và quan tâm đến sách ở Việt Nam vẫn ổn định như thế. Trong những trải nghiệm khi đã từng làm biên tập viên của nhà xuất bản, tôi thấy việc đọc trải rộng trên nhiều thể loại khác nhau.

Theo tôi sự quan tâm đến sách ở ta, tôi tạm gọi là liên quan đến việc bồi bổ kiến thức, tri thức phổ thông (có thể gồm cả văn chương lẫn sách về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đời sống xã hội..), có lẽ chúng ta đang kỳ vọng vào câu chuyện liên quan đến việc cung cấp kiến thức tiên tiến, hiện đại của thế giới đối với thế giới quan của người Việt hiện nay. Mọi người rất quan tâm đến việc đọc cái gì có lợi cho bản thân, cho mục đích tương lai như mục đích "thành người", mục đích cho sự phát triển trí tuệ cũng như hành trang đi vào đời, với người trẻ thêm những kỹ năng làm việc hay phát huy những kỹ năng cá nhân vv..  

Đấy là khu vực mà tôi nghĩ người đọc đại chúng tập trung quan tâm nhiều hơn, thậm chí cả những sách lịch sử, sách khảo cứu, sách nói về Việt Nam thời Đông Dương, thời chiến tranh hoặc quá trình lịch sử xây dựng đất nước. Đó cũng vẫn là cách thức nhìn nhận lại giá trị để khẳng định bản sắc của cộng đồng. Tôi thấy đấy là điểm rõ nhất.

Việc đó có sôi động cũng sẽ nhiều phần do truyền thông tiếp sức nữa. Doanh số bán sách vẫn duy trì ổn định. Hiện nay, kênh phân phối sách thuận lợi hơn rất nhiều. Đấy là một đặc điểm khác biệt so với cách đây 20- 30 năm. Sự chuyên sâu, nhiều tầng nấc của các thể loại sách cũng khác biệt hơn rất nhiều. Việc đọc sách cũng đòi hỏi nhiều kênh đa dạng hơn. Và các nhà làm sách cũng phải đối diện thách thức là họ hoặc làm sách chuyên khảo về một phần thể loại,  chủ đề, đề tài; hoặc là ôm trọn tất cả các lĩnh vực. Điều đấy phụ thuộc vào sức làm việc, sức chạy đường dài của mỗi bên.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý nói về sự đọc của người Việt - ảnh 2CLB Đọc sách cùng con của nhà thơ, nhà giáo dục Nguyễn Thụy Anh đón vị khách đặc biệt - nhà văn Simon Sakkab, tác giả cuốn sách “Palestine từ A đến Z”, trong một buổi Đọc sách thường kỳ - Ảnh: CLB Đọc sách cùng con.

Trong mấy năm vừa qua, có thể thấy là công cuộc chấn hưng văn hóa đọc tại Việt Nam được nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện. Anh có dõi theo và thấy những hoạt động nào đáng chú ý hoặc hấp dẫn hoặc anh tin là sẽ hiệu quả? Và vì sao?

Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Vì nhu cầu của việc đọc trở nên chuyên biệt hóa, phục vụ cho mục đích trước mắt rồi mục đích lâu dài, rất nhiều đơn vị đã đứng ra cổ động, tập hợp mọi người đọc sách, lập những nhóm, hội câu lạc bộ đọc sách, các trung tâm độc lập, ngay cả các nhà sách, đơn vị thực hiện sách như nhà xuất bản cũng có những kênh để truyền bá cho việc đọc. Có nhiều mô hình khác nhau, mỗi nơi có một cách, hiệu quả mức độ rất khác.

Có một số đơn vị, tổ chức dân sự làm việc cổ vũ, khuyến khích văn hóa đọc hết sức hiệu quả. Như CLB Đọc sách cùng con của tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, tôi được theo dõi khá gần gũi. Việc đọc ở đây bắt nguồn từ quan điểm mấu chốt là đọc trong gia đình, bố mẹ đọc, ông bà đọc, các con đọc cùng nhau. Khái niệm "đọc sách cùng con" hay ở chỗ, tạo thói quen đọc ngay từ lúc còn nhỏ song song với việc học sinh đọc trên trường, vì trong quá trình giáo dục thì nhận thức lúc vào đời rất quan trọng.  Việc đọc không thể nào để đến tầm 30 - 40 tuổi mới bắt đầu bập vào đọc được, khi bị chi phối bởi rất nhiều vấn đề như thời gian biểu lao động, nghỉ ngơi, nhu cầu đọc, một số người bị rào cản về tư duy đã bị định hình.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý nói về sự đọc của người Việt - ảnh 3Tủ sách của thầy giáo Vũ Văn Khánh ở Thái Bình nổi tiếng với bộ Truyện Kiều và tủ sách văn học miền nam 1954-1975

Một số hoạt động khác như các nhóm đọc sách, không gian đọc ở các địa phương, một số tỉnh thành cũng rất mạnh. Từ những chương trình lớn như Sách hóa nông thôn của anh Nguyễn Quang Thạch, cho đến những không gian đọc nhỏ như ở Thái Bình chẳng hạn. Thái Bình tôi biết có một tủ sách của thầy giáo Vũ Văn Khánh, huyện Hưng Hà có hẳn bộ sưu tập Truyện Kiều với các ấn bản từ thời cổ nhất cho đến thời hiện đại. Tình yêu sách của thầy đã lan tỏa rất nhiều những thế hệ học sinh. Tôi đã gặp nhiều bạn trẻ từng là học sinh của thầy giáo đó, đã lên Hà Nội  và các bạn cũng tiếp tục làm những việc rất đáng kể liên quan đến sách.

Kể những ví dụ đó, tôi nghĩ quan trọng nhất ở tâm huyết của người đứng ra làm. Từ phụ huynh đến trẻ em, học sinh khi đã nhận thấy được hình mẫu qua đó, thì thường mô hình khuyến đọc rất thành công. Còn nếu đơn thuần mượn những chương trình quảng bá rầm rộ có tính chất khoa trương, thì khó có đủ nguồn lực lâu dài để chạy, nếu không có người chuyên trách. Với việc đọc, chúng ta nghĩ đơn giản: cần là thói quen từ lúc nhỏ và duy trì suốt đời.

Vẫn còn rất nhiều chuyện phải làm để hình thành một xã hội tôn vinh văn hóa đọc. Nhưng làm thế nào để sự khơi nguồn thực sự thấm sâu chứ không chỉ là phong trào?
Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Như trên đã nói, việc đọc phải bắt nguồn từ lúc tuổi còn thơ, lúc mới vào đời có một thói quen đọc. Và trẻ nhỏ thấy xung quanh cũng có môi trường đọc, mọi người đều đọc thì các em, các cháu mới có động lực và cảm hứng với việc đọc. Sẽ rất khó cho một bạn nhỏ thích đọc mà xung quanh không có các thiết chế như thư viện, tủ sách, không có nơi chia sẻ với nhau, đọc một cuốn sách không biết trao đổi với ai.

Trong thời buổi cạnh tranh dữ dội bởi các mạng xã hội, các tiện ích công nghệ ngắn hạn - các sản phẩm nghe nhìn rất ngắn, trong khi thời gian ngồi đọc cuốn sách đòi hỏi lâu dài; thì việc đọc, tôn vinh văn hóa đọc phải có một sự hiệp đồng rất sâu rộng, từ chủ trương của Nhà nước, đến sự quan tâm của xã hội. Rõ ràng những cá nhân hay những cộng đồng nhỏ lẻ không thể nào làm được hết được.

Điều này còn liên quan đến các chương trình tiếp thị sách cũng như việc giáo dục, dạy học trong nhà trường.

Câu chuyện này tôi nhớ diễn ra cách đây vài năm. Hội sách lớn nhất thế giới Franfrurk  mỗi năm làm một chương trình chủ điểm của một quốc gia. Năm đó tôi đi dự hội sách, chủ điểm là nước Indonesia. Tôi được biết, để được chọn làm chủ điểm của Hội sách lớn nhất thế giới đó, Chính phủ Indonesia đã tiến hành một chiến dịch dịch 500 cuốn sách ra tiếng Anh và nhiều ngoại ngữ khác. Họ làm chiến dịch đó trong nhiều năm để đến năm đó ra mắt đầy ấn tượng.

Việc tiếp thị văn hóa đọc cũng cần nhiều hướng khác nhau, cả bên ngoài, bên trong. Việc đọc thật sự phải có những người truyền cảm hứng, những người đọc "cấp cao" có khả năng ảnh hưởng đến những người đọc còn lại. Bạn đọc sẽ biết được những thẩm định đó giá trị và họ sẽ tìm đọc theo. Bởi một người tự đi chọn sẽ rất khó. Chúng ta biết là trên thế giới có danh sách đọc bình chọn của các báo, như New York Times,.. hay như cách của Oprah Winfrey thông qua chương trình truyền hình nổi tiếng của mình ở Mỹ - các cuốn sách được Oprah Winfrey chọn và giới thiệu rất gây ảnh hưởng đến xã hội. Bên cạnh đó còn có hàng loạt các giải thưởng uy tín về sách, mà nói chung tác phẩm dự giải thưởng thường có cơ hội để gây ấn tượng về mặt quảng bá cho với người đọc.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý nói về sự đọc của người Việt - ảnh 4Fanpage của Công ty cổ phần văn hóa truyền thông Nhã Nam với 966.000 thành viên, là một trong số trang giới thiệu sách hiệu quả nhất từ đơn vị xuất bản sách tại Việt Nam hiện nay, group Nhã Nam Reading Club có 177,000 thành viên tham gia tích cực, có những chỉ dẫn tin cậy về sách hay, sách dở cũng như sự hài lòng hay không của độc giả. - Ảnh: Một hoạt động của Nhã Nam trong dịch covid-19 thu hút hàng triệu lượt độc giả tham gia

Ở trong nước, rõ ràng là các chiến dịch đọc phải được sự ủng hộ từ các đơn vị nhà nước cho đến các đơn vị sản xuất sách. Chúng ta biết sách là thể loại mà lợi nhuận thực ra không nhiều trong thời buổi này. Vì thế cũng phải mong đợi có những nhà đầu tư việc xuất bản sách hoặc giới thiệu sách cho quần chúng,  để nâng tầm tri thức của xã hội. Và theo quan sát, người Việt nói chung bây giờ đọc sách để bồi bổ kiến thức thì những sự đầu tư đó rất quan trọng.

Việc giáo dục cũng ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển văn hóa đọc. Tham gia giảng dạy ở cấp đại học về ngành truyền thông văn hóa, sáng tác văn học, tôi thấy rằng việc đọc ở cấp phổ thông rất quan trọng. Sách giáo khoa trong nhà trường chúng ta nặng về cơ chế tạo ra văn bản,  bỏ nhẹ dần việc cảm thụ tác phẩm. Nhiều bạn trẻ trong vốn tư duy thì những dữ liệu văn hóa, văn học gần như vắng bóng. Khi tôi nhắc  đến các tác phẩm mà mình nghĩ rằng ở cấp phổ thông cơ bản, người học về văn hóa, văn học phải biết, chưa nói đến đại chúng, thì nhiều bạn không biết, không nhớ. Tôi hỏi đến Xuân Diệu các em biết mỗi bài Vội vàng, không biết Đây mùa thu tới, không biết Chiều, hay những bài khác. Hoặc Huy Cận, bài Ngậm ngùi các em không biết. Hoặc bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư các em cũng không biết. Tôi đã hơi bị sốc vì quá nhiều tác phẩm văn học phải liên văn bản với nhau mà chỉ học bài nào biết bài đấy thì sự đọc không có tác dụng gì cả.

Đọc ở đây nghĩa là phải tạo ra một hệ thống sơ đồ tư duy, các văn bản hô ứng với nhau tạo thành một ngữ liệu, bồi đắp nên một không gian văn hóa. Nếu không có sự liên thông văn bản, việc đọc sẽ bị lệch, chỉ được một vài nhát và sau đó sẽ quên đi. Những dữ liệu cứ thiếu và đứt đoạn như thế nên việc chúng ta truyền tải việc đọc và không gian đọc rất khó.

Trong cách giáo dục của chúng ta nặng về trả bài, nặng về khung lý thuyết quá nhiều, trong khi đó việc mở rộng biên độ cảm thụ cũng như tôn trọng cảm xúc riêng tư cá nhân lại hơi yếu. Trẻ em khi lo lắng bị lệch tủ hoặc làm không đúng văn mẫu, không đúng đáp án, sẽ sinh ra bệnh chán đọc, khi đọc không ích gì và nếu lại phát huy tính riêng tư, cái tôi còn bị ảnh hưởng vì lệch tủ, không đúng đáp án. Điều ấy phải được cởi mở. Việc đọc với các cấp lớp dưới phải được thấy là thú vui, là trải nghiệm, có tính chất phát huy được cái nhìn đa chiều đối với tác phẩm, chứ không chỉ có vài cách nhìn rất áp đặt từ sách giáo khoa. Chúng ta có một thế hệ hơi vắng bóng dữ liệu văn hóa. Nhưng chi bằng chúng ta cũng phải tiến hành dần dần  mở rộng cách tiếp cận với văn bản học. Như vậy việc đọc mới thực sự thấm sâu thành văn hóa, mới bền vững.
Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Trương Quý.

Nguyễn Trương Quý sinh năm 1977 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, Cao học Truyền thông (University of Stirling, UK). Hiện đang viết và vẽ tự do, là giảng viên thỉnh giảng của trường Đại học Văn hóa; trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội.

Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2019 cho Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca

Các sách đã xuất bản: Tự nhiên người Hà Nội (2004); Ăn phở rất khó thấy ngon (2008); Hà Nội là Hà Nội (2010); Xe máy tiếu ngạo (2011); Còn ai hát về Hà Nội (2013); Dưới cột đèn rót một ấm trà (2013); Mỗi góc phố một người đang sống (2015); Ăn quà xuyên Việt & Lê la quà vặt (cùng Đặng Hồng Quân, 2017); Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca (2018); Kể chuyện Tết Nguyên đán (cùng Kim Duẩn, 2019); Hà Nội bảo thế là thường (2020); Triệu dấu chân qua những cửa ô (2022); Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc (2022)...

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu