Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc tận tâm với đề tài lịch sử

Anh Thư
Chia sẻ
(VOV5) - Dù viết ở nhiều mảng miếng, thể loại thì miền quan tâm nhất của Đinh Thiên Phúc vẫn là lịch sử qua các nhân vật, các triều đại…

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Gần 20 năm đã trôi qua, song nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc vẫn đau đáu tìm cơ hội cho kịch bản phim truyện Thái tổ Lý Công Uẩn. Qua nhiều lần sửa chữa chau chuốt, kịch bản đã gọn gàng dồn nén hơn. Bên cạnh đó, một kịch bản phim truyền hình dài tập về vị vua đầu tiên của thời Lý cũng đã được ông hoàn thiện, từng dự kiến phối hợp với công ty Cát Tiên Sa nhưng đến nay vì nhiều lý do khách quan và chủ quan mà dự án vẫn chưa thể triển khai.

Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc tận tâm với đề tài lịch sử - ảnh 1Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc

Nhân vật Lý Thái Tổ hấp dẫn ông không chỉ bởi cuộc đời, tài năng, những cống hiến cho đất nước mà còn bởi con người ấy đã có một quyết định đặc biệt trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, mở ra một thời kỳ mới rực rỡ, nâng tầm vị thế của dân tộc. "Tôi viết kịch bản về Thái tổ Lý Công Uẩn, tôi nhấn vào hai giai đoạn: giai đoạn lên ngôi và giai đoạn rời đô. Cụ lên ngôi cũng thể hiện lòng dân thuận, vì thê khi lên ngôi, Lý Công Uẩn đổi niên hiệu là Thuận Thiên – thuận theo trời, thực ra ở đây là thuận theo lòng ngư” Vua ứng mệnh trời, thuận lòng người, nhân thời mở vận, là người tinh tế hòa nhã, có mệnh đế vương”. Đó chính là kim chỉ nam để tôi bám vào, xây dựng chân dung cụ Lý Thái Tổ " - Ông nói.

Thăng Long – Hà Nội, mảnh đất thiên thời địa lợi nhân hòa, hội tụ văn hóa, tri thức, các bậc danh tài. Viết về nhân vật Lý Thái Tổ cũng là cơ hội để ông bộc lộ niềm tri ân mảnh đất này – nơi ông gắn bó quá nửa đời người, nơi giúp ông nuôi dưỡng tình yêu với điện ảnh và cùng bạn đời xây dựng tổ ấm riêng.

Một kịch bản khác mà Đinh Thiên Phúc cũng rất tâm huyết, đó là kịch bản “Xã tắc” với nhân vật chính là Trần Thái Tông, người mở đầu triều Trần. Chính quan điểm “xã tắc là của muôn dân” của Trần Thái Tông đã hấp dẫn ông, thôi thúc ông cầm bút. 

"Thời điểm tôi viết kịch bản Thái tổ Lý Công Uẩn, tôi đã nghĩ đến nhà Trần rồi. Và nhân vật đầu tiên tôi nghĩ đến là cụ Trần Thái Tông. Cụ chính là người đặt nền móng cho vương triều đó, cũng là người đặt nền móng cho đạo Phật để sau này đức vua Trần Nhân Tông phát triển thành  trường phái Trúc Lâm Yên Tử. Trần Thủ Độ dựng lên nhà Trần, coi xã tắc là của nhà Trần. Và khi Trần Thái Tông nói với Trần Thủ Độ: “Quốc phụ lầm rồi. Xã tắc đâu phải của nhà Trần. Xã tắc là của muôn dân. Xã tắc muốn vững mạnh trường tồn phải được muôn dân đồng lòng gắng sức. Chính tư tưởng đó là kim chỉ nam để về sau nhà Trần ba lần đại thắng quân Nguyên, xây dựng nên một vương triều rực rỡ"

Lịch sử được tái hiện qua trang viết của nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc gắn với các nhân vật tiêu biểu trong từng giai đoạn cụ thể, với những thông điệp song hành trong cuộc sống hôm nay. Ông chọn chính sử, nhưng cho phép ngòi bút được quyền hư cấu, tưởng tượng và thăng hoa, giúp cho nhân vật sống động, giàu cảm xúc. Chính là nhân vật dẫn ông đi, đặt ông vào hoàn cảnh, suy nghĩ, hành động của họ: "Tôi đọc Đại Việt sử ký toàn thư thì nhận thấy yếu tố hư cấu rất nhiều. Cứ nhân vật vua chúa lừng lẫy đều được bao phủ một huyền thoại. Màu sắc huyền thoại màu sắc hư cấu làm đẹp lịch sử, làm cho nhân vật sống động. Vậy nên quan điểm của tôi là tôi sẽ không bị trói buộc trong vòng kim cô của lịch sử. Sẽ có thăng hoa có hư cấu, đương nhiên trên nền chân thực lịch sử." - Đinh Thiên Phúc nói

Ngoài các kịch bản phim truyện, phim truyền hình về những nhân vật thời Lý, thời Trần, thời Mạc, thời Tây Sơn, ông còn viết về lịch sử ở giai đoạn cận hiện đại, mà “Thầu Chín ở Xiêm” là một ví dụ tiêu biểu. Tái hiện quãng thời gian hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thái Lan, “Thầu Chín ở Xiêm” được đánh giá cao về mặt kịch bản, khi dựng thành phim cũng gặt hái được nhiều giải thưởng.

Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc tận tâm với đề tài lịch sử - ảnh 2Bộ phim Thầu Chín ở Xiêm, kịch bản Đinh Thiên Phúc, là bộ phim gặt hái nhiều thành công - Cảnh trong phim, Nguyễn Mạnh Trường trong vai Thầu Chín

Nhà phê bình điện ảnh Đinh Trọng Tuấn – Tổng biên tập Tạp chí Thế giới điện ảnh cho rằng các kịch bản của Đinh Thiên Phúc luôn có yếu tố hoành tráng, thể hiện những tìm tòi và trách nhiệm trước lịch sử của một trí thức văn nghệ sỹ sống và làm việc ở đất Thăng Long: "Kịch bản phim đề tài lịch sử của anh Phúc thường nghiêng về sự hoành tráng, đòi hỏi kinh phí lớn, nên không thể thực hiện ngay được. Tôi biết anh Phúc cũng là người đã viết kịch bản về dòng họ Lý, kịch bản rất tốt, nhưng cũng chưa thành phim. Đó thực sự là thiệt thòi của những người biên kịch. Không có tình yêu với điện ảnh, không có sự kiên trì với nghề nghiệp thì dễ nản chí. Với anh Phúc, tôi nghĩ anh đã đi được đến cùng"

Kịch bản tốt là lời hứa hẹn đầu tiên về một bộ phim hay, song thực tế ở nước ta vị trí của biên kịch thường bị khuất sau tấm màn nhung. Ngay cả khi đã hoàn thiện trên giấy thì họ vẫn phải tiếp tục đưa đứa con tinh thần đi chào hỏi, giới thiệu. Và dù yêu quý, đau đáu thế nào, Đinh Thiên Phúc cũng chấp nhận một thực tế rằng nhiều kịch bản của ông chưa thể dựng thành phim, bởi chưa hội tụ được đầy đủ yếu tố về nhân lực và kinh tế. Vậy nhưng vẫn đam mê, vẫn cần cù khai phá, bởi suy cho cùng nghề nghiệp nào cũng có đặc thù riêng, “đã mang lấy nghiệp vào thân/ cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”. Khiêm nhường, luôn lặng lẽ và nghiêm túc trong sáng tạo – đó là điều mà đạo diễn Đỗ Minh Tuấn nhận thấy ở người đồng nghiệp: "Tôi rất quý trọng anh Phúc, vì anh là con người lặng lẽ, miệt mài lao động, thâm trầm suy tư sâu sắc và cũng có nhiều ý tưởng. Anh là một biên kịch sắc sảo, cũng rất tự trọng, tế nhị."

“Tính cách quyết định số phận”. Nếu hỏi nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc về quan điểm sống, quan điểm sáng tạo, hỏi ông có ngã lòng không khi những kịch bản tâm đắc nhất vẫn chưa thể dựng thành phim, thì có lẽ ông sẽ cười và trả lời rằng ông vẫn nỗ lực giới thiệu, vẫn tiếp tục hoàn thiện, mong một ngày nào đó những trang viết sẽ được tái hiện trên màn ảnh. Ở Đinh Thiên Phúc luôn có một nguồn năng lượng tích cực, một niềm đam mê bất tận -  đam mê được sống, được làm việc, được trăn trở. Cuộc sống là một món quà. Đón nhận tất cả những buồn vui, hạnh ngộ với một tâm thế tích cực, ta sẽ nhận về nguồn năng lượng vô giá.

Anh từng giang hồ tứ xứ
chiều nay trở lại Thăng Long
Ngồi uống chuông chùa Trấn Quốc
Thấy mình chầm chậm xanh trong

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu