Nghe âm thanh bài viết tại đây:
“Chín bỏ làm mười” lấy bổi cảnh Hà Nội những năm 60 của thế kỷ trước. Đó là thời kỳ cuộc sống của những người thị dân bình thường xảy ra những xung đột rất điển hình, những va chạm giữa mới và cũ, giữa “nông thôn thành thị hóa” với lối sống thị dân mới chớm.Tiểu thuyết không được viết theo chương, hồi bình thường mà liên tục thay đổi ngôi kể chuyện. Đây là cách viết mà Trần Chiến từ lâu đã nung nấu rằng “phải có một cuốn tiểu thuyết viết như vậy”.
Mỗi đoạn là một góc nhìn của 7 nhân vật: Nam – chú bé mọt sách, bác Biết Tuốt, mẹ Hiếu “cơm”, Tâm mun, Lâm đồng cô, dân phòng Đỗ Xuân Biếc và lão Khiêm, thủ từ đền Song Mã. Đó đều là những con người bình thường, sinh sống tại phố Hàng Nồi, mà theo tác giả nguyên mẫu của nó chính là con phố Hàng Buồm gắn liền với tuổi thơ của Trần Chiến. Bản thân mỗi nhân vật cũng được ông dựa vào những nguyên mẫu từ đời thực. 7 người với 7 vai trò, đảm nhận chức năng phát ngôn cho chính mình đồng thời đại diện cho một giai tầng xã hội.
Ông tâm sự: “Sau hòa bình rất nhiều người ở các nơi về, đó là một quy luật thôi. Bao giờ thay đổi thể chế thì cũng thay đổi lớp dân cư trong một đô thị. Hà Nội được phong phú hơn, có những bổ sung nguồn sống nhưng có những nét va chạm giữa người cũ và người mới, đây là một xung đột về văn hóa là nhiều. Tôi muốn mô tả điều đó”.
Điều thú vị ở cuốn tiểu thuyết này có lẽ nằm ở chỗ khi viết về Hà Nội, thông thường người ta hay viết một cách trầm buồn, hoài cổ, hơi có tính ôn cố thì văn Trần Chiến lại đưa nét dí dỏm, trào lộng để khai thác về một đô thị ngổn ngang, đầy rẫy những thiếu sót. Như một sự nối tiếp mạch truyện về những người Hà Nội bình thường trong “Cậu ấm” – cuốn sách được giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội, sau 4 năm, “Chín bỏ làm mười” lại tiếp tục thu hút người đọc về một Hà Nội khác lạ.
Nhà văn Trương Quý, người từng biên tập của cuốn “Cậu ấm” năm 2014 của Trần Chiến chia sẻ: “Xuyên suốt tâm tư các nhân vật trong văn Trần Chiến, nhân vật trung tâm là những con người trí thức, giằng co, bị chi phối trong một đô thị ngổn ngang. Nhà văn Trần Chiến luôn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đâu là bản chất văn minh của đô thị. Hà Nội là một đô thị trung tâm từ thời Pháp, đường nét còn đến đâu, cái mà mọi người vẫn truyền tụng, yêu mến có còn là một yếu tố thực không hay chỉ là hư ảo. Trần Chiến là một người viết rất kĩ, các câu văn trùm lớp thông tin và khiến người đọc có độ lắng”
Về cái tên “Chín bỏ làm mười”, Trần Chiến tâm sự thay vì ý nghĩa là bỏ qua những sai sót, lỗi lầm cho nhau thì “chín bỏ làm mười” ở đây là cách ứng xử mang tính ba phải xuề xòa mà “đầy rẫy những thứ tùy tiện bên trong”. Mỗi điều nhỏ nhặt như vậy sẽ tạo nên sự rối loạn trong không gian phố cổ ấy.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Văn của Trần Chiến rỉ rả, nhẹ nhàng, hài hước, có chút gì như chua xót, cay đắng. Thêm một lần nữa, ông dùng câu thành ngữ Chín bỏ làm mười để nói chúng ta hãy phiên phiến, xí xóa đi và rồi chúng ta làm mất Hà Nội đi. Ông chọn những nhân vật là những người Hà Nội bình thường. Có thể là một người đồng cô, là một cậu bé, người buôn bán hàng… Nhưng đó là những người của Hà Nội. Những đại diện bình thường nhưng cũng là phần hồn của Hà Nội. Nhưng rồi thời thế phải thay đổi, Hà Nội muốn tồn tại thì phải phiên phiến đi, chín bỏ làm mười và cũng mất chất Hà Nội đi”.
Nhà văn Trần Chiến (giữa) trong buổi giới thiệu sách "Chín bỏ làm mười" |
Quả thực, văn Trần Chiến giống như một nụ cười chua xót, và tận sâu trong đó là nỗi niềm đau đáu về những biến đổi của Hà Nội. Ông không tự nhận mình là một người Hà Nội gốc nhưng coi việc viết về Hà Nội giống như một “bản năng”. Và bản năng đó có lẽ xuất phát từ tình yêu sâu sắc của ông dành cho mảnh đất “ngàn năm văn hiến” này.
Cũng là một nhà văn có nhiều tác phẩm viết về Hà Nội, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến nhận xét rằng: “Đọc xong thấy có một điều gì đó bùi ngùi, mất mát xót xa ở trong đó. Tác giả cố dìm nó xuống ở những câu chuyện rất bình thường hàng ngày. Nhưng ta vẫn thấy thấp thoáng đâu đó hiện lên thực tế. Sau đó ta vẫn thấy cuộc sống vẫn phải chảy trôi và mọi thứ vẫn phải diễn ra. Mình cho đó cũng là một điều tạo nên thành công, đối với không chỉ bạn đọc đô thị mà bạn đọc ở vùng miền khác”.
“Chín bỏ làm mười” không phải là một cuốn tiểu thuyết dễ đọc, từng ngôi kể có thể dễ làm cho người đọc thấy khó nắm bắt vở những trang đầu. Nhưng nếu đủ kiên nhẫn, cái người đọc nhận được sẽ có thể khám phá một Hà Nội nhiều khuất lấp qua khả năng quan sát chi tiết, óc tư duy linh hoạt và ngòi bút sắc sảo. Cũng giống như cách ứng xử với Hà Nội cũng cần rất nhiều kiên nhẫn chứ không thể qua quýt, xuề xòa.