Qua mỗi tiết mục của 7 đoàn diễn quốc tế cùng 4 đoàn nghệ thuật của nước chủ nhà Việt Nam, các khán giả được biết thêm về nghệ thuật múa rối của các nước trên giới cũng như hiểu thêm về sự phát triển của múa rối truyền thống Việt Nam.
7 đoàn nghệ thuật múa rối tiêu biểu đến từ các quốc gia, châu lục tham dự liên hoan |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Mở màn cho Liên hoan múa rối Quốc tế là màn độc diễn rối tay của nghệ sỹ đến từ Nhà hát múa rối Tarabatest, Cộng hòa Pháp. Không cầu kỳ, nhiều ánh đèn rực rỡ, đất diễn của những con rối tay nhỏ xinh đến từ nước Pháp là một sân khấu mini được đặt ở cự ly gần với khán giả. Với sự điều khiển khéo léo, linh hoạt của người nghệ sỹ, từng nhân vật trong câu chuyện vui nhộn về chú gà trống Patunela dần xuất hiện và bộc lộ tính cách. Xen giữa những câu thoại tiếng Pháp, nghệ sỹ rối cũng cố gắng thể hiện các câu thoại đơn giản bằng tiếng Việt để thu hút người xem. Qua các hoạt động giao lưu, tương tác, người nghệ sỹ khiến người xem rất hào hứng. Bạn Đỗ Ngọc Linh chia sẻ: "Vở diễn của các nghệ sỹ Pháp rất thú vị và hài hước. Mặc dù mọi người không hiểu tiếng Pháp nhưng tất cả người xem, từ trẻ con cho đến người lớn, đều có thể hiểu được nội dung câu chuyện và đều có thể cười cùng các nhân vật trong câu chuyện. Cách sử dụng âm nhạc và đạo cụ tạo được sự tương tác với khán giả rất lớn, khán giả biết được rằng đấy là sân khấu nhưng họ vẫn hòa mình vào vở diễn và tận hưởng được vở diễn".
Nhiều loại hình nghệ thuật rối sẽ cùng tụ hội tại liên hoan |
Mỗi tiết mục tham gia Liên hoan phải đạt chất lượng nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hóa của từng quốc gia đồng thời đảm bảo yếu tố tìm tòi, sáng tạo độc đáo, đặc sắc trong mỗi vở diễn. Do đó, thông qua các loại hình rối nước, rối que, rối tay, rối đen, rối bóng, rối mặt nạ... các nghệ sỹ đã nỗ lực giới thiệu tới công chúng những tiết mục đặc sắc nhất. Nghệ sỹ Viengthong Chanthvong, đoàn múa rối CHDCND Lào, chia sẻ: "Qua liên hoan, chúng tôi muốn giới thiệu những đặc sắc văn hóa, nghệ thuật của đất nước hoa Champa tới bạn bè quốc tế và muốn mọi người biết rằng đất nước chúng tôi muốn bảo vệ môi trường và gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ngoài ra, chúng tôi mong muốn được giao lưu, học hỏi văn hóa nghệ thuật múa rối của các nước bạn để từ đó phát triển mạnh hơn nghệ thuật múa rối của mình".
Ở mỗi đêm diễn, công chúng được thưởng thức những màu sắc văn hóa khác nhau của nghệ thuật rối mỗi đất nước, khu vực. Nếu như các nghệ sỹ Pháp có tiết mục rối tay vừa hài hước, hóm hỉnh duyên dáng, thì đoàn nghệ thuật từ Bỉ lại đem tới câu chuyện nhân văn về thân phận con người qua phần thể hiện rối tay, hay đoàn nghệ thuật O Que De Que đến từ Brazil lại mang tới Liên hoan phong cách rối hoàn toàn mới và được sáng tạo theo tư duy hiện đại.... Trong khi đó, các tiết mục rối của Philippines, Lào, Campuchia, hay nước chủ nhà Việt Nam lại mang đậm màu sắc truyền thống, nhưng cùng với đó là những nét biến tấu hiện đại phù hợp với xu thế hội nhập. Ông Wanlu, nghệ sỹ múa rối Philippines: "Chúng tôi đến từ đoàn múa rối Lunamaria của Philippines. Kiểu múa rối của chúng tôi là sôi động và hiện đại, kết hợp cùng với nhảy như kiểu Michael Jackson, belly dance, một chút ảo thuật và hoạt náo. Chúng tôi đến với cuộc thi lần này không quan trọng là giành chiến thắng. Những gì mà chúng tôi muốn là được kết nối và giao lưu để tạo nên những mối quan hệ mới".
Nhà hát Múa rối Việt Nam tham dự liên hoan với tiết mục rối cạn Vũ điệu hoa quỳnh - Ảnh: Đ.Triết |
Tham dự Liên hoan múa rối Quốc tế lần thứ 5, nước chủ nhà Việt Nam có 4 đoàn gồm: Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long - Hà Nội, Đoàn Nghệ thuật múa rối Hải Phòng, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam. Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Đức Thế, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, cho biết trong liên hoan lần này, nhà hát mang tới 2 vở diễn là rối bóng "Con Muỗi" và rối nước "Sắc màu phương Nam": "Đặc trưng của múa rối phương Nam đó là vùng miền có nét đặc trưng, có đồng bào Chăm, Hoa, Khmer, Kinh. Từ đó mà sắc thái múa rối phía Nam chủ yếu là tiếp cận khán giả ở môi trường bên ngoài. Về mặt âm nhạc, có kết hợp đờn ca tài tử, cải lương, mang riêng chất của sông nước phía Nam, bản chất văn hóa miệt vườn. Vở "Con Muỗi" giới thiệu câu chuyện sự tích con muỗi nhằm giáo dục đạo lý và cũng như cách sống của con người thông qua loại hình này. Vở "Sắc màu phương Nam" nói về đề tài hoạt động sinh hoạt của người miền Nam thông qua vở này nhằm giới thiệu những đặc trưng múa rối miền Nam, rút ra từ nội dung sinh hoạt từ cuộc sống như chợ nổi trên sông, len trâu... nói lên đời sống dung dị và địa bàn sông nước, trong đó con người đã chắt lọc những chi tiết trong đời sống để đưa lên thành hình tượng múa rối".
Từ năm 2008 đến nay, Liên hoan múa rối quốc tế đã trở thành sự kiện được tổ chức định kỳ, là một sân chơi quen thuộc của các đoàn nghệ thuật múa rối Việt Nam và nước ngoài. Qua mỗi lần tổ chức, chất lượng nghệ thuật của các tiết mục lại được nâng cao, thu hút sự quan tâm, chú ý của công chúng nhiều hơn.
Liên hoan cũng đồng thời là cơ hội để nghệ sĩ các nước có điều kiện giao lưu, học hỏi những tinh hoa nghệ thuật múa rối nhân loại, cùng nhau trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật múa rối.