KTS Đoàn Thanh Hà và những không gian thân thiện, đề cao trách nhiệm xã hội

Phương Thúy
Chia sẻ
(VOV5) - KTS Đoàn Thanh Hà được Liên hiệp Hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) trao giải thưởng Vassilis Sgoutas, hạng mục Kiến trúc cho cộng đồng vùng nghèo.

Lễ trao giải thưởng của Liên hiệp Hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) diễn ra ngày 6/7 tại Copenhagen, Đan Mạch.
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Phương Hằng:
KTS  Đoàn Thanh Hà là người dành nhiều sự quan tâm đến các vấn đề dân sinh xã hội và hướng những thiết kế của mình tới nhóm dân cư chịu nhiều thua thiệt. Hơn 10 năm qua, anh và các cộng sư của mình đã hoàn thành hơn 20 dự án có trách nhiệm xã hội, với sự hỗ trợ kinh phí từ quỹ Architecture & Social Responsibility Foundation (ASR) do anh khởi xướng.
KTS Đoàn Thanh Hà và những không gian thân thiện, đề cao trách nhiệm xã hội  - ảnh 1Kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà - Ảnh: nguồn Kienviet.net

Mới đây, với chuỗi 20 dự án, bao gồm: Chuỗi Vườn vệ sinh cho học sinh nghèo vùng cao; Chuỗi nhà ở nhỏ cho cộng đồng dễ bị tổn thương; Chuỗi không gian thân thiện trong khu đô thị ngột ngạt, Đoàn Thanh Hà đã được Liên hiệp Hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) trao giải thưởng Vassilis Sgoutas, hạng mục Kiến trúc cho cộng đồng vùng nghèo, tiêu biểu là công trình “Không gian thân thiện BE”. Đây là hạng mục giải thưởng trao cho các kiến trúc sư dấn thân, chia sẻ trách nhiệm xã hội, hướng đến những người dân địa phương đang gặp nhiều khó khăn.

Với Đoàn Thanh Hà, anh tự nhận mình chỉ đang làm những thử nghiệm công trình kiến trúc để tìm ra không gian sống bền vững, duy trì truyền thống trong sự sáng tạo. 

 
KTS Đoàn Thanh Hà và những không gian thân thiện, đề cao trách nhiệm xã hội  - ảnh 2Không gian thân thiện BE thuộc phường Mạo Khê, Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: NVCC

Theo nhận định của Ban giám khảo Giải thưởng UIA của Liên hiệp Hội Kiến trúc sư Quốc tế, tác phẩm “Không gian thân thiện BE” của KTS Đoàn Thanh Hà không chỉ thể hiện sự tìm kiếm, đổi mới liên tục mà còn khẳng định “cam kết của kiến trúc sư trong việc tạo ra một kiến trúc đúng với vị trí của nó”.

Cụ thể, đó là việc sử dụng các vật liệu địa phương, cùng những kỹ năng, tri thức bản địa và sự tham gia của người dân trong việc xây dựng công trình, từ đó giúp cho họ có thêm những trải nghiệm về thiết kế, xây dựng cũng như làm chủ không gian sống của mình, thấu hiểu các vật liệu thân thiện với môi trường mà có thể bấy lâu nay bị lãng quên do quá trình bê tông hóa, đô thị hóa diễn ra một cách nhanh chóng, ồ ạt.

“Tre và đất là những vật liệu có nguồn gốc nguyên thủy, rất quen thuộc bởi ai cũng biết. Việc mình lựa chọn và sử dụng hai vật liệu đó, có thể hằn vào tiềm thức cá nhân như thế nào đôi khi không giải thích được. Nhưng trong những bối cảnh cụ thể, những trường hợp cụ thể, tôi có thể dùng luôn, vật liệu có sẵn và cách thức thi công không phải là quá khó, với hi vọng xem xét lại mối quan hệ giữa con người và tự nhiên trong bối cảnh chúng ta đang bê tông hóa rất nhiều. Không gian ấy phải thân thiện nhất, bằng cấu trúc, vật liệu gần gũi nhất”.- KTS Đoàn Thanh Hà nói.

KTS Đoàn Thanh Hà và những không gian thân thiện, đề cao trách nhiệm xã hội  - ảnh 3Không gian thân thiện BE - Ảnh: NVCC

BES pavilion tại thành phố Hà Tĩnh là dự án xây dựng “Không gian thân thiện trong đô thị ngột ngạt” đầu tiên của KTS Đoàn Thanh Hà và văn phòng kiến trúc H&P thực hiện năm 2013, được xây dựng với 3 loại vật liệu cơ bản: tre, đất và đá. Tiếp sau đó, những công trình như: Hồi sinh công viên mỏ Mạo Khê (Quảng Ninh)- dỡ bỏ hàng rào ngăn cách và tái sử dụng các vật liệu này để tạo nên hình hài mới cho công viên; Không gian S (Hà Nam)- tận dụng đá thải loại từ làng nghề và công trường xây dựng để tạo nên không gian phục vụ cộng đồng… Ngoài ra còn có công trình “Màu tái chế” tại Hà Tĩnh được xây dựng bằng việc thu gom, tái sử dụng nhiều loại vật liệu cũ như ống thép giàn giáo, gạch xây, gạch ốp lát… thành không gian đa chức năng, phục vụ các hoạt động rèn luyện sức khỏe cộng đồng.

TS. KTS Ngô Doãn Đức -Chủ tịch Liên đoàn tư vấn Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) từng đến thăm các công trình của KTS Đoàn Thanh Hà nhận định: “Cách sử dụng vật liệu của anh rất tinh, rất kĩ và đặc biệt có một ngôn ngữ rất riêng. Sử dụng vật liệu đá ở Hà Nam, đất ở Mạo Khê (Quảng Ninh), với hình zich zac, kéo công trình ra vuông, không nén mà nở, để gọi thiên nhiên vào. Chúng ta thấy những yếu tố rất Việt, rất thân thương như anh theo đuổi”.

KTS Đoàn Thanh Hà và những không gian thân thiện, đề cao trách nhiệm xã hội  - ảnh 4Không gian thân thiện trong kiến trúc của Đoàn Thanh Hà - Ảnh: NVCC

Những không gian thân thiện nói riêng của Đoàn Thanh Hà không chỉ là cơ hội thử nghiệm, thực hành kiến trúc trên cơ sở trân trọng các giá trị truyền thống mà theo như anh chia sẻ, nó càng làm rõ hơn, vững tin hơn về con đường đi của mình, kiến trúc gắn với trách nhiệm xã hội.

Nói như KTS Nguyễn Văn Tất, Phó tổng biên tập Tạp chí Kiến Trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam thì “Công việc riêng của Đoàn Thanh Hà đã mang lại niềm vui, một sự chia sẻ với nhiều người khác. Tôi không nghĩ tất cả những việc của anh Hà thoát khỏi những gì mà các thầy đã dạy cho sinh viên kiến trúc. Tất cả kiến trúc sư làm nghề đều hiểu những điều giống như anh Hà hiểu. Nhưng ứng xử, thái độ và sự chọn lựa của cá nhân từng kiến trúc sư sẽ làm nên cái riêng và làm nên tầm vóc của sự đóng góp. Tôi nghĩ những công trình của anh Hà hay thái độ ứng xử của cá nhân anh là điều làm nên giá trị chia sẻ đó”.

KTS Đoàn Thanh Hà coi Kiến trúc là công cụ để cân bằng giữa đặc quyền cá nhân và lợi ích tập thể, góp phần mang lại sự công bằng cho những con người không có cơ hội phát triển. Mặc dù xem đó là những thử nghiệm, không tìm kiếm sự hoàn hảo nhưng với bất cứ công trình nào, anh luôn cố gắng đưa ra những giải pháp phù hợp với nhu cầu sử dụng, với nơi chốn, qua đó, khẳng định tư tưởng sáng tạo của mình: Kiến trúc cho người có thu nhập thấp không hề nhàm chán, đơn điệu và chất lượng thấp, cần tạo dựng không gian tương lai bằng chính sự thân thiện của ngày hôm nay.
 Vassilis Goutas là tên Kiến trúc sư người Hi Lạp, nguyên là Chủ tịch Hiệp hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA). Ông từng sang thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 9/2001.

Giải thưởng của Hiệp hội Kiến trúc sư Quốc tế trao 3 năm/ lần, với Huy chương Vàng UIA và 5 hạng mục giải thưởng được đặt theo tên các Cựu Chủ tịch của UIA, những người đã có những thành công và ảnh hưởng tích cực trong 5 lĩnh vực kiến trúc cụ thể: Quy hoạch và Thiết kế Đô thị; Công nghệ trong Kiến trúc; Nghiên cứu, lý luận kiến trúc; Kiến trúc Bền vững và Nhân văn; Kiến trúc vì cộng đồng.

Năm nay, Việt Nam vinh dự đạt 2/5 giải, trong đó, Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào đạt giải Robert Matthew: Kiến trúc bền vững và nhân văn; Kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà đạt giải Vassilis Sgoutas: Kiến trúc vì cộng đồng

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu