Trong lĩnh vực sân khấu, viết kịch bản đã khó, viết kịch bản cho thiếu nhi lại càng thêm phần khó khăn bởi kịch khác với văn thơ nói chung, cần tới những kiến thức chuyên sâu đặc biệt nên rất hiếm những thần đồng văn học nhỏ tuổi viết được kịch bản. Trong khi người lớn viết kịch bản cho thiếu nhi lại gặp nhiều vấn đề về góc nhìn, sự cảm nhận, mối quan tâm không song trùng với lứa tuổi các em…
Tác phẩm Nàng tiên cá của Nhà hát Tuổi trẻ - Ảnh: Quốc Bảo/ Báo Nhân Dân. |
Thực trạng hoạt động của mảng sân khấu dành cho thiếu nhi đang có nhiều bất ổn, có thể thấy ở hầu hết các khâu sáng tạo. Điều này cũng không khó lý giải khi nằm trong tình trạng văn học nghệ thuật nói chung dành cho thiếu nhi hiện nay, các chương trình sân khấu cho thiếu nhi rơi vào tình trạng mang nặng tính mùa vụ, mà có người hài hước cho rằng, nó là thứ văn hóa nhân dịp. Nghĩa là, cứ trước các dịp như ngày quốc tế thiếu nhi, hay rằm Trung thu thì các đơn vị, các nhóm hoạt động sân khấu mới đưa các chương trình cho các em vào “tầm ngắm”: tìm kịch bản, dàn dựng, biểu diễn hoặc tìm lại trong kịch mục những vở có thể diễn cho các em. Ngay cả khi hoạt động mang tính đáp ứng nhu cầu thời vụ như vậy thì khâu kịch bản vẫn là khâu khó khăn nhất.
Thực tế hiện nay để gọi tên ngay một biên kịch chuyên viết cho thiếu nhi hiện nay thì rất ít người hoạt động sân khấu trả lời được. Nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Toàn Thắng từng viết khá nhiều kịch bản cho các em đã phân tích: "Ít người đầu tư cho mảng viết này vì chỉ thỉnh thoảng mới có dịp các đơn vị cần tới kịch bản, ngoài ra rất khó đưa ra để chào hàng các đơn vị khác. Viết cho thiếu nhi là cực kỳ khó. Ngoài chuyện khả năng viết thì người viết phải tư duy được theo cách nghĩ, cách hiểu của các em. Nếu viết không khéo thì mình sẽ áp đặt cách nhìn của mình vào, gây sự kiên cưỡng và phản cảm đối với các em. Tôi khẳng định, đề tài cho các em có rất nhiều cái hay, nhưng để viết được kịch bản hay, lại đưa được cái nhìn của ngày hôm nay vào thì đúng là chúng ta đang thiếu người đầu tư cho mảng viết này.
Chương trình kịch thiếu nhi “Ngày xửa, ngày xưa” diễn hằng năm của Sân khấu IDECAF nay cũng không còn - Ảnh: Báo Người lao động. |
Nhà viết kịch Chu Thơm cũng lý giải: "Tác giả không viết cho thiếu nhi là vì khi người ta viết, là người ta đã nghĩ tới một cái nơi nào có thể dàn dựng, đưa kịch bản của mình lên sàn diễn chứ không thể viết chơi được vì cơm áo không đùa với bất kỳ ai. Vì thế, tình trạng thiếu người viết kịch bản cho sân khấu thiếu nhi là rất trầm trọng."
Phần nào đó mang tâm lý sáng tạo cho thiếu nhi “không văn cũng chả nghệ” nên rất ít các nhà văn, nhà viết kịch tình nguyện đầu tư hết tâm sức cho mảng hoạt động này. Lãnh đạo các đơn vị đều than, kịch bản hay cho thiếu nhi rất hiếm, khó tìm, thậm chí khó hơn cả khâu đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất của điểm biểu diễn.
NSUT Sỹ Tiến, phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cũng khẳng định, đây là một trong những vấn đề nan giải của mảng sân khấu cho thiếu nhi: "Khó khăn quá khi tìm kịch bản cho các em nên một vài năm gần đây thì Nhà hát từng phải mượn các kịch bản viết cho thiếu nhi ở nước ngoài để biên tập, dàn dựng. Không phải chúng tôi không nhận được kịch bản viết cho thiếu nhi mà có thể là cách viết, cách tưởng tượng của các tác giả còn chưa gần với môi trường mà thiếu nhi cần."
Có thể thấy, các tác giả viết kịch đều là người lớn viết, nên rất khó để sống lại tuổi thơ của chính mình, kéo gần khoảng cách thế hệ để đồng cảm, phát hiện những gì các em đang quan tâm để biến thành kiến thức thực tế và viết cho các em thành công.
Đạo diễn Ngân Hạnh của Nhà hát kịch Hà Nội nhận xét: "Đúng là thiếu hẳn một đội ngũ biên kịch viết cho các em, những biên kịch có khả năng đưa hẳn ra những câu chuyện, những nhân vật thật mới. Thế nên, mỗi khi cần dàn dựng tiết mục cho các em là mọi người thường lôi những cái đã có sẵn rồi. Vấn đề ở đây là, những câu chuyện cổ tích, thần thoại đó cần được nhìn dưới góc độ mới mẻ, những cách lý giải thông minh từ chân đứng của ngày hôm nay."
Sự thiếu vắng đầu tư viết kịch bản cho thiếu nhi khiến sân khấu cho các em cũng khó có được sự đột phá, không có cơ sở để tạo ra những tác phẩm tốt, khiến các em phấn khích đòi cha mẹ đưa tới rạp để xem. Thiếu chất “bột” là kịch bản, sẽ vô cùng khó khăn để cho ra mắt những tác phẩm hấp dẫn.
Cách khắc phục thường được đưa ra là tổ chức những trại viết, những dự án để có thêm kịch bản cho thiếu nhi. Trong cái khó, nhất định phải tìm ra những giải pháp dễ thi hành nhất để thực hiện, tạm thời khắc phục sự thiếu thốn đó, mà tìm dựng những câu chuyện cổ tích, thần thoại là một trong những cách làm đang được nhiều đơn vị chú ý.
NSUT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát kịch VN cho biết: "Có câu rất hay: báo luôn mới với những người chưa đọc nó. Câu chuyện cổ tích cũng vậy. Chúng ta phải kể câu chuyện cổ tích ấy như thế nào trong thời đại bây giờ chứ không phải thay đổi nội dung của nó. Mà muốn kể câu chuyện đó như thế nào thì phải biết tâm lý các em, không gian nghệ thuật chúng ta đem lại, nó sẽ quyết định cảm xúc của người xem ."
Bên cạnh việc tìm về những câu chuyện mang đậm màu sắc, phong vị văn hóa dân gian vốn rất gần với tâm hồn trong sáng, tâm lý yêu thích sự biến ảo… thì một trong những giải pháp được nhiều nhà hoạt động sân khấu phía Nam đưa ra là cơ chế đầu tư theo dạng đơn đặt hàng, có phương thức đầu tư theo đề cương, theo sự đấu thầu, nhất là với khâu kịch bản. Cần có kinh phí đầu tư trọng điểm cho kịch bản, cho tác giả, dành những ưu đãi xứng đáng để giải quyết sự thiếu thốn này.
Tuy nhiên, nhìn rộng ra thì, chính tính chất thời vụ của việc biểu diễn sân khấu cho thiếu nhi mới là vấn đề cần giải quyết triệt để. Bởi nếu chỉ đến hẹn lại lên, mỗi năm hai, ba dịp dồn dập biểu diễn cho thiếu nhi mà chưa có sân chơi thường xuyên, chất lượng thì những nhà biên kịch khó có thể toàn tâm toàn ý cho mảng hoạt động này của sân khấu, và như vậy, tính chất của sân khấu thiếu nhi ở Việt Nam vẫn mãi nghiệp dư.