Khi nghệ thuật xiếc không chỉ dành cho trẻ em

Tú Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Xoá dần quan niệm cũ xiếc chỉ dành cho trẻ em và mở rộng hơn đối tượng khán giả chính là nỗ lực đang hướng đến của những nghệ sĩ xiếc Việt.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Mới đây À Ố Làng Phố, chuỗi chương trình kịch, xiếc kết hợp múa dân gian đương đại được trình diễn tại Nhà hát Opera House danh tiếng của Australia. Nghệ sỹ gốc Việt Tuấn Lê, đạo diễn của chuỗi chương trình À Ố Làng Phố chia sẻ được chọn để biểu diễn tại nhà hát “Con Sò Sydney” là một bước ngoặc lịch sử đối với Xiếc Tre Việt Nam, và là một trải nghiệm tuyệt vời cho các nghệ sỹ thuộc ê kíp của chương trình.

Khi nghệ thuật xiếc không chỉ dành cho trẻ em - ảnh 1À Ố Làng Phố Show 

Trước đó, tác phẩm Làng tôi của êkíp khi được công chiếu trong nước, khán giả trong nước đã vô cùng phấn khích khi được chứng kiến nghệ thuật xiếc xuất hiện trong tác phẩm mang tính hàn lâm, dành cho khán giả là người lớn. Các đạo diễn sân khâu bậc thầy tái hiện bằng hình thức “xiếc kể chuyện”, tức là không cần phải sử dụng bất cứ câu thoại hay lời dẫn chuyện nào, mỗi câu chuyện về bản sắc văn hóa được kể bằng ngôn ngữ hình thể ý nhị, trong những pha tung hứng ngoạn mục.

Khi nghệ thuật xiếc không chỉ dành cho trẻ em - ảnh 2 À Ố Làng Phố Show

Nghệ sĩ Tuấn Lê bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng để khán giả hiểu thì khó lắm và sẽ mất rất nhiều thời gian. Đôi lúc tôi không cần khán giả họ hiểu nhưng họ cảm nhận được, và điều đó là điều quan trọng nhất. Và khi khán giả đến xem những chương trình xiếc như vậy, đôi lúc sẽ không có những câu trả lời cho những thắc mắc của họ đâu, nhưng họ sẽ cảm nhận được tình cảm, cảm xúc của những người trên sân khấu biểu diễn”.

Khi nghệ thuật xiếc không chỉ dành cho trẻ em - ảnh 3 Teh Dar show

Không chỉ được xuất ngoại, cho đến nay những vở xiếc như Làng tôi, Teh Dar, Á Ố show vẫn tiếp tục được công chiếu đều đặn cho những khán giả trong nước là người lớn. Những nghệ sĩ đương đại gốc Việt đã mang đến những tư duy, hơi thở mới mới cho xiếc Việt trong việc đưa nghệ thuật xiếc vào tác phẩm nghệ thuật hàn lâm dành cho khán giả người lớn.

Khi nghệ thuật xiếc không chỉ dành cho trẻ em - ảnh 4Ionah show 

Đối với không khí nghệ thuật xiếc trong nước, quan niệm cũ “xiếc chỉ dành cho trẻ em” đã dần bị xoá nhoà, thay vào đó là nỗ lực của người làm nghề trong việc hướng đến nhiều đối tượng khán giả. Cách đây 4 năm, Ionah show, kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật như xiếc múa, hip-hop, kịch, nghệ thuật thị giác lần đầu tiên khi ra mắt đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả.

NSƯT Tống Toàn Thắng Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc VN, cũng là người đảm trách vai trò đạo diễn xiếc của chương trình Ionah cho rằng: “Thực ra phần lớn thói quen cũ của khán giả Việt Nam, coi là xiếc dành cho trẻ em. Đây là một điều chúng tôi đang đau đáu. Công cuộc chúng tôi đang làm thay đổi con mắt nghệ thuật xiếc không chỉ dành cho khán giả nhỏ tuổi.

Yếu tố quan trọng nhất trong các chương trình mà tôi thực hiện kịch bản, đạo diễn là chúng tôi đã thay đổi cách tiếp cận. Ví dụ chúng tôi khai thác đưa vào kịch bản chất liệu gì để cho trẻ em thích. Nhưng ngược lại chất liệu gì để cho các bậc phụ huynh thích. Và đặc biệt chất liệu gì để thanh niên thích”.

Khi nghệ thuật xiếc không chỉ dành cho trẻ em - ảnh 5Ionah show 

NSƯT Tống Toàn Thắng cũng chia sẻ thêm, trong những sản phẩm xiếc tổng hợp của Liên đoàn xiếc Việt Nam, đáp ứng thị hiếu của nhiều đối tượng khán giả là yếu tố tiên quyết. Trong các chương trình dành cho giới trẻ, những sản phẩm thịnh hành như nhạc hiphop breakdance được lồng ghép vào nội dung câu chuyện một cách uyển chuyển.

Anh chia sẻ thêm: “Dành cho các bậc phụ huynh, yếu tố cấu trúc, nội dung chương trình rất ý nghĩa nhân văn giáo dục. Đặc biệt nữa đưa tình tiết rất đời thường được nghệ thuật hoá lên sân khấu mang lại những tiếng cười. cảm xúc rất lớn, sâu lắng cho khán giả. Khán giả ngày hôm nay xem xiếc không chỉ là cười, thưởng thức các màn kĩ xảo, sự phi thường của các nghệ sĩ, mà khán giả ngày hôm nay kể cả các em nhỏ và người lớn đã có những cảm nhận về cảm xúc”.

Hiện nay, để nghệ thuật xiếc đến với đông đảo người xem thì đối với những người làm nghề, không chỉ nâng cao nội dung chất lượng chương trình mà còn cần có sự nhạy bén trong việc tiếp cận khán giả.

Theo NSƯT Tống Toàn Thắng, nhiều chương trình cần đo đếm, khảo sát sự quan tâm của khán giả để hướng tới phục vụ được nhiều đối tượng khán giả chứ không chỉ dành cho trẻ em. Bên cạnh đó, yếu tố truyền thông hiện nay cũng đang được Liên đoàn xiếc Việt Nam quan tâm, làm sao để khán giả có nhìn nhận khách quan hơn về nghệ thuật xiếc cũng là yếu tố giúp mở rộng đối tượng khán giả.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu