Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
"Cuộc đời viễn xứ luôn đầy ắp những bất ngờ, nhiều cơ hội phát triển nhưng không thiếu những khó khăn. Nó hẳn sẽ làm thui chột những ý chí èo uột nhưng sẽ là cơ hội cho những tâm hồn cởi mở, đam mê, cầu tiến, thích khám phá và tìm hiểu, sẵn sàng hòa nhập với cuộc sống và nền hóa mới.
Những người Việt xa xứ thành công lại hay day dứt với quê hương, những hồi ức của họ về quãng thời gian trên quê hương vẫn luôn sống động trong họ. "
Nhà văn, dịch giả Hiệu Constant |
Đây là những chia sẻ của nhà văn, dịch giả Hiệu Constant, người Việt tại Pháp khi cuốn tiểu thuyết mới nhất của chị có tên Tình viễn xứ (NXB Tổng hợp TP HCM ấn hành) ra mắt bạn đọc Việt Nam. Cuốn sách sẽ đưa bạn đọc các bạn đi giao du khắp nơi trên thế giới và chia sẻ những cung bậc của tình người ở những nơi xa cố hương. Nữ tác giả Hiệu Constant trả lời phỏng vấn về tác phẩm mới nhất này của chị.
PV: Thọat tiên, với cái tên của tác phẩm - Tình viễn xứ, thì người đọc sẽ tưởng Hiệu Constant tiếp tục nối mạch những tác phẩm của chị trước đây về những tình yêu viễn xứ. Nhưng khi đọc câu chuyện thì độc giả sẽ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, chữ "tình" ở đây với hàm nghĩa rộng lớn hơn của nó: tình yêu, tình đồng bào, tình quê hương. Câu chuyện này đến với chị bắt đầu như thế nào?
Hiệu Constant: Tôi có thói quen thường ghi lại những ý tưởng bất chợt của mình, thoạt đầu chưa biết để làm gì rồi lần lần hình thành những câu chuyện. Với tác phẩm này thì khác, trước đó tôi thực sự chưa có ý định gì cả, rồi một lần tôi có một cuộc gặp gỡ tình cờ với một kỹ sư chế tạo tàu thủy. Nghe câu chuyện người ấy kể, nghe những giai thoại, những kỷ niệm, cả vui lẫn buồn, nơi họ ở thời họ đi du học ở Đông Âu, thành phố, con đường, những ngôi nhà, lịch sử của thành phố ấy… và nhiều thứ khác.
Tôi cảm nhận được tình yêu của họ đối với vùng đất ấy, thành phố ấy. Họ cũng kể cho tôi nghe nỗi nhớ quê hương trong khoảng thời gian xa xứ…Phải nói là tôi đã rất xúc động. Có đôi lúc tôi đã khóc, còn họ thì nghẹn ngào! Tôi không chắc họ đã kể tất cả chuyện như thế cho những người khác. Khi về nhà, tôi không ngừng nghĩ về các anh chị thế hệ tước đi du học, lại ở Đông Âu. Tôi tham khảo thêm và bắt tay vào viết. Thực sự, khi viết Tình Viễn Xứ, nhiều lần tôi cũng khóc, tôi thương các nhân vật của mình!
PV: Những câu chuyện trong tiểu thuyết có bắt nguồn từ các nguyên mẫu trong đời thực hay không?
Hiệu Constant: Nguyên mẫu thì không có, chỉ là trên thực tế, tôi quan sát nhiều người, thâu gom những đặc tính và đức tính của họ, những điểm mạnh điểm yếu, nguồn gốc xuất xứ, sau đó là với trí hình dung của mình và cả những ước vọng mong muốn điều tốt cho mọi người, cộng thêm việc tôi luôn khuyến khích cổ vũ các bạn đọc, những người mà đôi lúc bị buồn chán, bị thất vọng, thậm chí tuyệt vọng, khi đọc tác phẩm của tôi, họ vẫn thấy những mảnh đời vốn rất bất hạnh, gặp rất nhiều trở ngại và khó khăn nhưng họ vẫn gắng gượng trỗi dậy, và bằng niềm lạc quan, họ vẫn thắng được số phận và vươn tới thành công.
Bìa tiểu thuyết Tình viễn xứ của tác giả Hiệu Constant. |
PV: Có thể thấy chị khá dụng công khi xây dựng một lý lịch kỹ càng cả trong nghề nghiệp cho nhân vật chính?
Hiệu Constant: Trong cuốn tiểu thuyết Tình Viễn Xứ này của tôi nhân vật chính chủ chốt là Huyền Linh, nhưng ngoài ra còn có Hoàng Minh và Khánh Huyền. Mỗi người một hoàn cảnh ra đời và lớn lên, có những trắc trở riêng và môi trường làm việc rất khác nhau, nhưng trong họ có một điểm chung là nghị lực và ý chí phấn đấu vươn lên. Dám sống, dám nuôi dưỡng ước mơ và hoài bão của mình. Họ không chê thành công nhỏ và họ dám đối đầu những khó khăn lớn. Huyền Linh là một nữ nhà báo khá thành đạt tại Pháp. Cô vốn không cha lại mồ côi mẹ từ rất sớm, nhạy cảm với những gì xảy ra xung quanh, nhất là với vẻ đẹp của thiên nhiên. Cô có nhiều ước mơ và khát vọng. Dẫu có những bất hạnh nhưng Huyền Linh được sinh và và lớn lên trong một gia đình có nghề gia truyền thuốc Đông y, chữa trị bệnh bằng thảo dược.
Theo sự hiểu biết của tôi, những người luôn tiếp cận với thiên nhiên cây cỏ, yêu thương chúng thì trong tâm họ, luôn tồn tại thiện lương, nhân ái, sẵn sàng chia sẻ và trên hết là họ luôn lạc quan. Tôi đọc đâu đó nói rằng những ai mang trong mình sự thiện lương, lòng từ tâm sẽ luôn gặp may mắn trong đời. Và chính vì thế, Huyền Linh dẫu gặp nhiều trắc trở trong đoạn đầu đời nhưng sau đó cô đã gặp được bố mẹ nuôi người Pháp, cho phép cô thực hiện điều mình muốn, thậm chí cả những mơ ước từ thời trẻ thơ.
PV: Chị mong muốn độc giả sẽ chia sẻ với mình những điều gì trong cuốn tiểu thuyết mới này?
Hiệu Constant: Mỗi bạn đọc thường có sở thích riêng trong các luồng văn học đang hiện diện rất nhiều trong thời đại ngày nay. Trong cuốn tiểu thuyết này, tôi đề cập đến nhiều mảng xã hội, mỗi bạn đọc sẽ có cảm nhận riêng của mình trước những gì tôi viết. Cho dù họ cảm nhận thế nào, thích nhiều thích ít hay thậm chí không thích, thì tôi cũng rất cám ơn họ.
Riêng tôi, tôi muốn chia sẻ với bạn đọc những suy nghĩ những tình cảm của người viễn xứ, muốn họ hiểu được nỗi niềm thương nhớ vẫn luôn đau đáu trong lòng kẻ xa quê. Những người viễn xứ càng có trình độ cao thì họ lại càng luôn mang trong mình sự tri ân đối với quê hương, tri ân với ông bà tổ tiên và cha mẹ, tri ân mảnh đất đã lưu giữ núm nhau của họ, nơi đã cho họ ra đời làm người và nuôi lớn họ.
Tôi cũng muốn chia sẻ với bạn đọc rằng ở đâu cũng vậy, muốn thành công thực sự thì phải dựa vào chính những nỗ lực của mình, có như vậy thì mới giữ được thành công ấy dài lâu.
PV: Rõ ràng là, ngoài viết tiểu thuyết, chị còn làm công tác viên cho báo chí, còn dịch sách, làm đại diện văn học.. Chị đã sử dụng những "kỹ thuật bếp núc" như thế nào để triển khai một loạt những công việc đều đòi hỏi sự năng động và thời gian như vậy?
Hiệu Constant: (cười) Tôi rất thích câu hỏi này của chị. Đúng thế, tôi cùng lúc làm khá nhiều công việc và chúng khá đang dạng, và tôi yêu tất cả những công việc ấy của mình, không bao giờ coi trọng việc nào hơn hay rẻ rúng công việc nào. Mỗi thứ có những biệt tính, đặc thù riêng và khi thực hiện, tôi đều dồn toàn tâm toàn lực.
Trước đây, có đôi lúc tôi bị phân tán, giữa viết tiểu thuyết, viết báo, hay đôi khi thương thảo bản quyền cho các nhà sách, vì tôi là đại diện văn học của một số tập đoàn NXB Pháp tại Việt Nam. Sau này, tôi đã tập ngồi thiền, gặp lúc có quá nhiều thứ đến rồn rập và chúng đầy ứ trong đầu, thì tôi ngồi thiền, chỉ chừng 5 phút thôi.
Tôi rất thích nghề làm báo, nó giúp tôi rất nhiều trong sự nghiệp viết văn. Làm báo, tôi có dịp được tiếp xúc với nhiều người, đủ các trình độ khác nhau, được nghe các câu chuyện của họ. Với tôi làm báo không chỉ viết bài, làm phóng sự rồi cho qua đi, mà tôi ghi nhận hết, giữ lại những hồi ức về mỗi nhân vật và cả những kiến thức của họ. Và khi viết văn, đôi lúc có những chi tiết về họ hiện ra làm phong phú thêm cho các nhân vật trong tiểu thuyết của tôi! Nhân đây, cho phép tôi được tri ân đến các nhân vật khách mời của tôi trong các phóng sự, trong các bài báo, họ không những đã giúp tôi thực hiện được phóng sự của mình mà còn trau dồi cho tôi thêm tri thức.
Xin cảm ơn chị.
Hiệu Constant tốt nghiệp ngành tiếng Pháp khoa Tiếng nước ngoài trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội và chuyên ngành Văn học so sánh, Đại học Paris Sorbonne IV, sinh sống và làm việc tại Paris từ 1998. Là dịch giả của gần 70 tác phẩm dịch Pháp - Việt & Việt – Pháp, chị cũng là tác giả viết tiểu thuyết, truyện ký, truyện ngắn… và là đại diện của một số tập đoàn xuất bản Pháp tại Việt Nam. Ngoài ra chị còn là cộng tác viên của nhiều báo chí trong nước.
Một số tác phẩm tiêu biểu:
- Côn trùng (tiểu thuyết)
- Đường vắng (tiểu thuyết)
- Đời du học (tiểu thuyết)
- À bientôt… Hẹn gặp lại (tiểu thuyết)
- Kiều bào với Trường Sa (Truyện ký)
- Nắng cuối chiều (Tập truyện ngắn)…