(VOV5)- Sau 30 năm sống ở phố Lò Đúc từ thuở bé, nhà văn Lê Minh Hà theo chồng sang Đức định cư. Chị từng là cô giáo dạy văn tại các trường trung học Đan Phượng và Hà Nội - Amsterdam. Ở Đức, chị viết văn “trong tinh thần lụy tiếng Việt”, đã ra mắt bạn đọc trong nước một số tác phẩm như tập tản văn và truyện ngắn Thương thế ngày xưa và Những giọt trầm, tiểu thuyết Gió từ thời khuất mặt”.
Tiểu thuyết mới nhất của Lê Minh Hà – tiểu thuyết Phố vẫn gió, do công ty Nhã Nam và NXB Lao động ấn hành vừa ra mắt.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
|
Một góc phố cổ Hà Nội |
Như một nhà báo từng nhận xét “đọc văn Lê Minh Hà thấy lại một Hà Nội mới xa mà như đã xưa, thấy lại một cuộc sống ngỡ như đã qua đi rồi”.
Những cuốn sách nối nhau, trên cái nền bối cảnh chung về Hà Nội, đều chung một mạch nguồn “không phải mình đang dựng lại một quá khứ như đang xảy ra, mà là ý thức về nó, của tôi và bạn bè tôi thời đó” (lời tác giả trả lời tờ Thể thao văn hóa về cuốn Gió từ thời khuất mặt”.)
"Phố vẫn gió" ra mắt bạn đọc, sau ba năm lao động kỳ khu của tác giả “viết từng từ một, phải nói là viết rất khó nhọc” như chính Lê Minh Hà tâm sự: “Tôi muốn nói với các bạn về Hà Nội. Người Hà Nội là ai mới được chứ? Tôi đi trên taxi và các cậu taxi kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện về Hà Nội bằng nhiều giọng, chủ yếu là giọng Hưng Yên, giọng Xuân Trường, giọng Hà Tây quê lụa cũng có, người Hà Nội có đúng một người và những người kia kể cho tôi nghe về đời sống của họ ở Hà Nội bằng những giọng không phải giọng mà chúng ta đang nói đây, nhưng tôi cho rằng đấy chính là người Hà Nội. Họ là chủ nhân của Hà Nội hôm nay. Hà Nội hôm nay sẽ trở thành nỗi nhớ của họ cũng giống như nỗi nhớ của tôi là của thời tôi.
Và người Hà Nội của thời tôi cũng đâu phải là người sinh ra và lớn lên với phố hoàn toàn. Có những người là trí thức Tây học, những người đã mang lại cho Hà Nội một vẻ đẹp mà chúng ta hôm nay rất thiết tha. Nhưng Hà Nội chúng ta nhắc đến hôm nay mang một cái phong vị của tri thức phương Tây rồi. Và những người mang cái đó đến đất này chắc gì đã là người sinh ra và lớn lên ở đây , mà là những người ở đâu đó đấy chứ. Một nhân vật của tôi người đàn bà trẻ con của tôi là Ngân rất mê là một ông bác sĩ sản khoa chơi kèn nhưng gốc gác ở Thanh Hóa. Đối với tôi đấy là Hà Nội, Hà Nội là của những người đến với nó, sống với nó và quan trọng nhất là yêu nó, biến nó thành giá trị cho số đông chứ không phải cho mình.”
|
“Phố vẫn gió” lấy bối cảnh Hà Nội từ những năm sau giải phóng 1954 tới nay. Công ty truyền thông Nhã Nam giới thiệu cho tác phẩm ra mắt, bằng những nhận định “Phố vẫn gió miêu tả Hà Nội ở hai hình ảnh đối lập. Một Hà Nội cũ trong ngôi biệt thự trên phố, với thứ ánh sáng dịu dàng, âm thanh êm ái, và vẻ trầm lặng hơi xa cách khiến nó càng thêm quyến rũ. Bên cạnh là một Hà Nội mới của những khu tập thể thời hậu chiến giống như bản tổng phổ hỗn loạn - những hình dạng xấu xí, những thanh âm chói gắt và những thứ mùi không sao định nghĩa nổi. Ngân - một người đàn bà "trẻ con" đi về giữa hai thế giới ấy. Cô vừa quay quắt chứng kiến sự biến dạng khủng khiếp cả phần xác lẫn phần hồn của Hà Nội cũ, lại thêm thất vọng và đau khổ trước sự xâm lấn của Hà Nội mới. Người đàn bà ấy bỏ đi. Nhưng cô không bao giờ thoát khỏi hồi ức của mình. Phố Vẫn Gió không phải là câu chuyện có cao trào có kết thúc, nhưng lối văn tuyệt đẹp của Lê Minh Hà, nhẹ nhàng mà day dứt đẩy người ta đến tận cùng giới hạn cảm xúc lúc nào không hay. Ở đâu và bao giờ, Lê Minh Hà vẫn luôn là nhà văn của Hà Nội.”
Nhà văn Lê Anh Hoài nhận xét: “Với tư cách nhà văn, nó phải là câu chuyện khó định hình được như là kể chuyện Hà Nội, như là nói về người Hà Nội, hay phô ra truyền thống người Hà Nội. Ở tác phẩm Phố vẫn gió có một điều rất hay, là đậm đặc chất Hà Nội đến từng chi tiết một, nhưng có một điều vượt lên trên tất cả, là bên trong nó là câu chuyện về con người. Tôi cho điều đó làm nên giá trị của tác phẩm”
Nhà văn, biên tập viên Trương Quý đã từng biên tập tập truyện ngắn của Lê Minh Hà cho NXB Trẻ, cũng như có thời gian dài dõi theo con đường văn chương của chị, nhận xét thường mọi người định nghĩa Hà Nội như là một cái gì phải cầm nắm được, thấy được, nhưng Lê Minh Hà không thế:“Chị Hà tổng hợp bằng rất nhiều chi tiết mà tôi nghĩ là phải người Hà Nội sống những năm 60,70 mới nghe biết được. Chị Hà cực kỳ ám ảnh với những địa danh như Cây đa nhà bò, dốc Lapho hay là ngã tư Vác…Những cái tên mà nó đi vào tâm thức của những người xa xứ. Nó làm cho câu văn của chị Hà có một độ hư ảo nào đấy. Một câu chuyện nữa về Hà Nội là những người viết nổi bật về Hà Nội thường ít quan tâm đến không gian, đến bối cảnh kiến trúc của con người trong đó. Cái không gian sống quyết định rất lớn đến tính cách của con người. Và chị Hà đã soi ra một Hà Nội sau thời thị dân, sau thời con người có những quan hệ phố với nhau, thì đã bị thay thế bởi quan hệ đoàn thể, quan hệ mà con người chỉ có điểm danh thôi, không có một trạng thái sinh hoạt bình thường nữa. Tuy nhiên trong cái chuyện của chị Hà đầy ắp những nhu cầu lãng mạn hóa cái bê tha, bệ rạc, cái nheo nhóc của những khu tập thể, những ngôi nhà chia năm xẻ bảy đó”.
Những câu chuyện kể thú vị, được kể theo dòng hồi ức, từ ký ức này nảy ra ký ức khác - cũng như khi người đọc internet đọc từ link này sang link khác - nhưng bằng những dòng văn đẹp, chau truốt, cổ điển, mà như nhà văn Nguyễn Trương Quý nhận xét thì: “Cảm nhận của tôi văn chị Hà rất kỹ càng, không bỏ sót một tính từ nào. Nhà văn Việt Nam thường có độ lúng túng nhất định khi sử dụng tính từ, động từ, nhất là tính từ. Bởi vì nhân vật Việt Nam tác giả không cho hoạt động nhiều lắm, nên rất hay lạm dụng tính từ để mô tả trạng thái tâm lý. Tuy nhiên chuyện của chị Hà tuy đan xen rất nhiều ký ức, kỷ niệm của chuyện hôm qua, chị Hà đặc biệt rất giỏi trong chọn từ để mô tả tâm lý, trạng thái đấy. Đó là cái mà tôi nghĩ phải trải nghiệm rất lâu, vốn từ rất phong phú mới có thể điều khiển được như thế.”
|
Nhà văn Lê Minh Hà |
Cách nhìn về Hà Nội, với những ký ức vẹn nguyên, và những so sánh ngơ ngác đối chứng trong “Phố vẫn gió”, có một lợi thế khi tác giả là một người ở xa nhìn về, một Hà Nội vừa thân thuộc vừa mới lạ, vừa gần gũi vừa xa xôi, mà như chính Lê Minh Hà tâm sự, chị đã có thời gian để đối chiếu khi hơn 20 năm sống ở xứ người: “Chính cuộc sống 20 năm đó lại cho phép tôi hiểu một cách kỹ càng hơn về mảnh đất này, mảnh đất mà nói như Nguyễn Huy Tưởng là cần phải sống cùng với nó, sống mãi với Thủ đô. Mà nó lạ lắm, những nhận thức sách vở nọ kia lại không động chạm đến tôi đâu, mà là cái đời sống bên kia từng ngày từng giờ một, như một người dân rất bình thường (bên kia tôi là “osin không lương”), nhưng chính đời sống đó lại giúp tôi hiểu về những cái tôi đã từng đi qua ở Hà Nội”
Với Phố vẫn gió, vẫn thấy những điểm là thế mạnh của nhà văn Lê Minh Hà trong cách hành văn đẹp, trong lối kể chuyện tỉ mỉ mà duyên dáng, những điều khiến người đọc tìm đến và yêu thích văn chương của chị. Tuy nhiên, người đọc cũng có quyền mong đợi nhiều hơn thế với tài năng Lê Minh Hà, ở một tầm vóc tiểu thuyết./.