Tháng 2 vừa qua, Dự án Nghệ thuật công cộng Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm Hà Nội đã hoàn tất và đem lại một diện mạo thú vị, hấp dẫn cho khu vực ven sông Hồng. Chỉ trong 2 tháng thi công, Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn và nhóm gồm 16 nghệ sĩ tình nguyện đã tạo ra 16 tác phẩm nghệ thuật công cộng biến khu vực này thành một điểm đến nghệ thuật thu hút các bạn trẻ.
Từ lâu, khu vực Phúc Tân vẫn bị coi như mặt sau của thành phố, nơi người ta thoải mái xả rác hoặc những thứ phế thải ra đó. Chính từ bối cảnh văn hóa đó nhóm nghệ sĩ có ý tưởng thực hiện một dự án nghệ thuật công cộng ngay trên bức tường vốn có tác dụng ngăn sự lấn chiếm của người dân địa phương. Nhóm đã sử dụng những đồ rác tái chế từ vỏ chai nhựa, thùng phi, vành lốp bánh xe máy, ông bô xả… từ nơi đây và các nơi khác trong thành phố làm nguyên liệu chính để tái tạo ra các tác phẩm. Tất cả được sắp đặt tương tác với ngữ cảnh của dòng Sông Hồng cũng như cùng với lịch sử văn hoá phong phú của Thăng Long Kẻ Chợ. Ý nghĩa của dự án này cũng như những gì đang diễn ra trong thực tế?
Kỳ 1 VOV5 phỏng vấn hoạ sĩ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn về những nét độc đáo của dự án nghệ thuật công cộng này.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn |
PV: Từ đâu anh có ý tưởng thực hiện dự án Nghệ thuật Công cộng nghệ thuật Phúc Tân?
Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn: Ý tưởng ban đầu của dự án Phúc Tân đến tự nhiên khi chúng tôi nhận lời mời bên quận Hoàn Kiếm. Chúng tôi xây dựng một dự án để cải tạo cảnh quan khu vực đó, trong tổng thể dự án lớn bên bờ sông Hồng. Khi chúng tôi ra khảo sát tôi thấy đây là một khu vực rất tiềm năng, hoàn toàn có những yếu tố lịch sử và cảnh quan để có thể thực hiện một dự án nghệ thuật công cộng. Chúng tôi đã nhận lời và theo dự án nửa năm. Bắt đầu chính thức sản xuất tác phẩm vào 2 tháng trước Tết
PV: Anh có thể chia sẻ quá trình anh tìm kiếm và chọn lọc nghệ sĩ tham gia dự án?
Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn: Khi nhận được đề bài, tôi chủ trương tìm những nghệ sĩ thực hành năng động trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại. Họ có thể là những nghệ sĩ điêu khắc hay nghệ sĩ thị giác. Quan trọng phải có tinh thần hướng về cộng đồng. Đó là điều kiện khi lựa chọn các nghệ sĩ. Họ đều là những người sẵn sàng nhiệt tình tham gia, có tố chất riêng của nghệ sĩ nhưng khi làm việc một dự án cộng đồng và làm việcnhóm với nhau thì yếu tố làm việc tập thể, mỗi người được phân vai ở vai trò nhất định, kể những câu chuyện nhất định trong một bản phối tổng thể.
Thứ hai đó là những người có tình yêu với mảnh đất này. Kể cả những người nghệ sĩ nước ngoài, đều là những người đã sinh sống làm việc tại Hà Nội, coi Hà Nội giống như một quê hương thứ hai. Có tinh thần hướng tới cộng đồng, sẵn sàng chấp nhận như làm tình nguyện, thậm chí có những lúc ứng cả tiền túi ra.
PV: Câu chuyện nhóm nghệ sĩ muốn truyền tải trong dự án này là gì?
Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn: Tổng thể lớn nhất chúng tôi muốn truyền cảm hứng về một không gian, ký ức đã bị lãng quên ở khu vực như thế này, kể cả về mặt cảnh quan, yếu tố lịch sử, ký ức tập thể, ký ức cộng đồng đã mờ nhạt ở khu vực này. Chúng tôi muốn soi rọi, làm bừng sáng lên bằng nghệ thuật. Giống như một diễn viên ra sân khấu được chiếu đèn vào, mọi người mới thấy được hết vẻ đẹp của họ.
Tôi nghĩ dự án này bước đầu tạo cảm hứng cho chính những người dân ở đó cũng như thành phố có thể nhìn thấy tiềm năng của dự án này. Không chỉ về mặt nghệ thuật mà còn mang lại lợi ích về ý thức, cảnh quan, vệ sinh môi trường. Hơn nữa có thể mở hướng trở thành một công viên sinh thái nghệ thuật, điểm đến rất đáng quý trong một đô thị thuộc loại quy mô trên thế giới. Một đô với số lượng diện tích, dân số rất lớn nhưng thiếu hụt trầm trọng những không gian công cộng, không gian gắn kết với thiên nhiên và cộng đồng.
PV: Vậy đây dường như là sự nối dài cho những dự án anh đã từng thực hiện?
Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn: Câu chuyện từ những con phố đi bộ ở Bờ Hồ, những dự án trước ở Phùng Hưng...- Đó là bước đầu tạo nên những không gian nhân văn trong đô thị, khi con người có thể gắn kết với nhau nhiều hơn, gắn kết với thiên nhiên và các yếu tố lịch sử. Nó sẽ làm đô thị của chúng ta cảm thấy đáng sống hơn. Đó chính là yếu tố mà dự án Phúc Tân chúng tôi tiếp tục ở dự án Phùng Hưng nhưng ở một không gian rất đặc thù có một không hai ở Hà Nội.
PV: Những tác phẩm này dường như mang một hơi thở mới cho những người dân, là một giám tuyển, anh nhận thấy vai trò của các dự án nghệ thuật công cộng như thế này đối với cộng đồng?
Tôi đã đi nhiều nước châu Âu hoặc Mỹ. Đặc biệt nước Đông Nam Á, Đông Á như Hàn Quốc, Thái Lan... Tôi thấy không gian nghệ thuật công cộng rất quan trọng đối với đời sống đô thị hiện đại. Đô thị hiện đại việc những con người sống với nhịp độ công nghiệp ngày càng cao, họ cần những không gian xanh, những không gian nghệ thuật để kết nối với nhau và kết nối ký ức chung của cộng đồng đó.
Chẳng hạn, ở Seoul họ phải dành nhiều tiền để đào lại cả hệ thống sông cổ ngay giữa Seoul, và bây giờ trở thành nơi tập kết những người trẻ, kết nối mọi người cùng những tác phẩm công cộng ở đó. Đó bài học dành cho đô thị phát triển nóng mạnh như Seoul, họ đầu tư ngược nhiều công sức tiền của cho những dự án công cộng như vậy. Câu chuyện của họ luôn bám vào những dòng sông. Đấy là lí do khi nhận lời làm dự án về sông Hồng, tôi thấy không chỉ sông Hồng mà những dòng sông ở Hà Nội dường như đang bị bỏ phí, ví dụ như sông Kim Ngưu, đặc biệt là sông Hồng. Rất kỳ lạ, câu chuyện sông Hồng không được nhìn nhận giống như mặt trước của thành phố, như ở những thành phố khác. Tôi thấy việc lôi kéo, kết nối cộng đồng với những dự án mang tính chất đánh thức ký ức cảnh quan đặc biệt quan trọng. Đặc biệt Hà Nội tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, cần một lực cân bằng ngược trở lại như là câu chuyện của phố đi bộ bờ Hồ. Tôi nghĩ đó là một sáng kiến rất tốt trong việc cân bằng lại đời sống đô thị nhộn nhịp như ngày hôm nay.
PV: Chân thành cảm ơn nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn với cuộc trò chuyện này!
Đón nghe kỳ 2: Khi nghệ thuật thắp sáng xóm ven sông
Một vài hình ảnh trong dự án nghệ thuật Phúc Tân:
Tác phẩm Thành phố bên sông của nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Lâm, kích thước 6m x 5m làm từ thùng phuy tái sử dụng, lưới sắt và đèn led. |
The Red River’s Dragon (Tạm dịch: Rồng sông Hồng) của nghệ sĩ Diego Cortizas. |
Một phần tác phẩm Gánh hàng rong của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn. |
Tác phẩm Bức tường danh vọng của hoạ sĩ Trần Hậu Yên Thế |
Tác phẩm Những Thánh Gióng đương đại của nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm. |