Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Dù chưa có tên chính thức trong bảng chức danh nghề nghiệp trong nước, song không thể phủ nhận vai trò, những nỗ lực của các giám tuyển nghệ thuật đã và đang góp phần vào sự phát triển sôi động của nghệ thuật hiện nay. Vai trò này cần được phát huy hơn nữa trong quá trình phát triển văn hóa, phát triển thị trường nghệ thuật. Giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc nghệ thuật của tổ chức Heritage Space trả lời phỏng vấn về vấn đề này.
Giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn tại một hội thảo nghệ thuật. |
PV: Vâng thưa anh Nguyễn Anh Tuấn trong bối cảnh phát triển thị trường nghệ thuật theo hướng chuyên nghiệp gắn với công nghiệp hóa như bây giờ, đặc biệt là mỹ thuật cũng là một ngành rất là tiềm năng, khi phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển thị trường nghệ thuật theo hướng chuyên nghiệp thì vị trí giám tuyển nghệ thuật này sẽ đem tới sự hỗ trợ, sự bảo trợ như nào cho các tác phẩm nghệ thuật?
Giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn: Công nghiệp văn hóa là một chiến lược quốc gia, thị trường nghệ thuật chỉ là một phần của việc đó. Các giám tuyển làm việc ở vị trí: một là đảm bảo về chất lượng chuyên môn của các triển lãm, các tác phẩm nghệ thuật, sau đó bảo vệ danh tiếng của nghệ sĩ. Khi mà giám tuyển làm công việc như vậy, rõ ràng họ họ bắt đầu tham gia vào quá trình gọi là định vị giá trị của hàng hóa và có thể định giá cho thị trường.
Cụm từ "thị trường" sẽ giống như tất cả các lĩnh vực hàng hóa khác, giống như thị trường nông sản, thị trường gạo hay thị trường về tôm, vải vóc... tức là nó cần một hệ thống định giá. Từ hệ thống này nó hình thành nên các bộ tiêu chuẩn. Ở Việt Nam thì có tiêu chuẩn quốc gia, nhưng nghệ thuật Việt Nam thì lại chưa có được khả năng định giá đấy và nó không hình thành được hệ thống giá trị cho nghệ thuật trong nước - ở đây là mang cả tính bảo hộ về giá trị văn hóa trong nước. Do đó thị trường nghệ thuật Việt Nam vẫn chưa thể hình thành được rõ. Nếu mà chúng ta nhìn nhận giám tuyển là những người bằng năng lực chuyên môn uy tín, bằng con mắt dự đoán tương lai của mình thì có khả năng định giá được về nghệ thuật.
…và góp phần góp phần nâng cao giá trị của tác phẩm...
Giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn: Nếu chúng ta nhìn nhận vị trí giám tuyển như vậy thì đúng là nó có tác động giúp cho việc hình thành thị trường nghệ thuật nội địa. Và thị trường nghệ thuật là một trong những nhánh phát triển của công nghiệp văn hóa. Còn khi mà giám tuyển chưa được đặt vào vị trí như vậy, thì hoặc là công việc định giá đấy nằm trong tay của những người làm vị trí khác đang có trong hệ thống Nhà nước, nhưng ngược lại nó cũng sẽ chưa thể hiện sự thay đổi hay tiến bộ nào.
Triển lãm nghệ thuật đương đại Chuyển động Ngoại biên thuộc Tháng thực hành nghệ thuật MAP 2023, tại Nhà Điện Cao thế 33B, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội, diễn ra từ 29/11 - 17/12. - Ảnh Phương Uyên/ fp Heritage Space.
|
Vâng có lẽ rất là nhiều vấn đề khi chúng ta chạm tới câu chuyện của thị trường nghệ thuật hay là công nghiệp văn hóa chẳng hạn. Nhưng ở góc độ liên quan là một vị trí giám tuyển, điều này càng đòi hỏi chất lượng, tầm vóc của một giám tuyển chứ? Sự kiểm soát về mặt thực hành giám tuyển cũng là một yêu cầu mà công chúng rất lưu tâm.
Giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn: Đúng. Ở đây nó có hai mảng. Một là là đối với công chúng nói chung, hai là đối với những đồng nghiệp người trong nghề. Để trả lời câu hỏi, tôi thấy rằng có vấn đề lớn liên quan đến việc bình luận nghệ thuật. Đấy cũng là một việc Việt Nam rất là thiếu. Trong hệ thống trước đây chúng ta là có việc này.
Công việc của các nhà phê bình đúng không ạ?
Giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn: Các phê bình nghệ thuật đối với hệ thống nghệ thuật trước những năm 1990 thì trong tất cả các Hội mỹ thuật đều có tổ phê bình hoặc là ban phê bình.
Đến bây giờ vẫn tồn tại đấy chứ anh?
Giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn:Bây giờ vẫn tồn tại. Nhưng rõ ràng chúng ta không nhìn thấy sản phẩm phê bình của họ nữa. Hoặc là chúng ta không cảm thấy tiếng nói của họ trong đời sống hiện tại nữa. Trong nghệ thuật thị giác, trong hội họa, điêu khắc này gần như là thực sự vắng bóng. Điều này ảnh hưởng đến ví dụ khi chúng ta nói là đánh giá chất lượng của người giám tuyển, hay thậm chí kẻ đánh giá về chất lượng của một triển lãm, về chất lượng nghệ sĩ cũng như vậy thôi. Chưa dựa trên một hệ thống lý thuyết hay là nhận định nào có đủ uy tín.
Và nếu như chúng ta chỉ nói về công việc của một giám tuyển như là một công việc độc lập, thì tôi nghĩ rằng sẽ không công bằng với các giám tuyển, bởi vì, họ sẽ chỉ thực hiện được một cách tốt nhất vị trí công việc của mình nếu như có sự phát triển đồng bộ, sự hỗ trợ đồng bộ về hạ tầng, rồi về phía các cơ quan quản lý. Anh nghĩ như nào về ý kiến này?
Giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn: Như tôi đã nói nếu ta nhìn nhận giám tuyển như một vị trí có khả năng tạo ra những kết nối giữa nghệ thuật với xã hội, định vị thẩm mỹ cho nghệ sĩ, cho tác phẩm, để trở thành một hệ thống nhận thức và giá trị văn hóa cho cộng đồng nghệ thuật hay cho đất nước; thì hết sức quan trọng. Nhưng vẫn chưa xuất hiện trong môi trường Việt Nam. Đây rõ ràng là sự chưa đồng bộ từ chính sách về văn hóa hay vị trí công việc ở trong Nhà nước. Bản thân hệ thống Nhà nước cũng chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc này., thì các giám tuyển độc lập và làm việc với các tổ chức tư nhân như chúng tôi sẽ là tự phát. Và thực ra tôi nghĩ đó là một sự lãng phí. Như chúng tôi thường xuyên được các tổ chức nước ngoài hay các bạn bè giám tuyển đến Việt Nam, hỏi các thông tin để mời chọn những nghệ sĩ ở trong nước triển lãm ở nước ngoài. Họ cũng khai thác được năng lực của chúng tôi nhưng mà kỹ năng đó không được dùng nhiều để đóng góp hay là để tạo ra những nhận thức cho chính môi trường mình đang sinh sống. Tôi nghĩ rằng đó là một sự lãng phí.
Vừa nãy tôi cũng có đặt câu hỏi rằng để giám tuyển có thể phát huy được tốt nhất vai trò của mình, thì cần sự phát triển đồng bộ, sự hỗ trợ về mặt hạ tầng về phía cơ quan quản lý chính sách vv... Với riêng anh Nguyễn Anh Tuấn, nếu như bây giờ một điều chia sẻ gần gũi nhất, để có thể gỡ rối cho công việc của mình thì anh mong muốn điều gì?
Giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn: Tôi nghĩ rằng để có thể thay đổi nhanh nhất ở Việt Nam hiện nay, thì Bộ Văn hóa nên thành lập Hội đồng Nghệ thuật độc lập. Trong đó tất nhiên có sự tham gia của phía Nhà nước, nhưng phần lớn nên mời những chuyên gia độc lập, là những nghệ sĩ có uy tín là giám tuyển hay nhà nghiên cứu, để từ đó bắt đầu xây lại các chương trình hoạt động, các sự đầu tư cho văn hóa nghệ thuật. Đó là mô hình mà tất cả các quốc gia đang phát triển đều tổ chức.
Hội đồng nghệ thuật khi càng độc lập thì tiếng nói khách quan và sự minh bạch càng cao, cả trách nhiệm càng cao, có thể bắt đầu từ điểm đấy để thay đổi, thanh lọc dần dần và điều chỉnh với hệ thống đầu tư hay hệ thống vận hành của cả cơ chế văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam.
Còn nếu không có được một hệ thống độc lập, rõ ràng là nó vẫn sẽ có sự khác biệt rất lớn giữa khối nhà nước và khối tư nhân. Như chúng tôi thì làm gì thì cứ làm, nhà nước làm gì cứ làm, nhưng không tận dụng hết các vai trò và năng lực của nhau. Ở đây là lãng phí của công, lãng phí ngân sách chung của Nhà nước và đó là tiền thuế của mọi người.
Vâng xin cảm ơn giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn đã tham gia với chương trình