Đồi thông hai mộ - từ di cảo đến di sản

Nguyễn Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Ra đời vào nửa cuối thập niên 1940, truyện thơ “Đồi thông hai mộ” của văn sĩ Tùng Giang Vũ Đình Trung đã chinh phục được hầu hết các tầng lớp độc giả thời bấy giờ. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Hơn một nghìn câu thơ song thất lục bát “đẹp như gấm, tươi như non” đã được lưu truyền khắp trong nam ngoài bắc. Tuy nhiên, trong một thời kỳ lịch sử dài, như nhiều bài thơ tình cùng thời kỳ, cuốn sách không được lưu hành, còn tên tuổi của văn sĩ Tùng Giang-Vũ Đình Trung cũng vì thế mà mai một đi.

Nhưng số phận thăng trầm của nó đã được nhắc tới và vị trí của tác phẩm trong lịch sử văn học đã được đánh giá xứng đáng trong tọa đàm khoa học Đồi thông hai mộ - Từ di cảo đến di sản do Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình, UBND huyện Kim Bôi tổ chức vào tháng 8/2019 vừa qua.

Đồi thông hai mộ - từ di cảo đến di sản - ảnh 1Ấn bản Đồi thông hai mộ do NXB Yên Sơn phát hành, vẫn còn lưu chiểu trong Thư viện Quốc gia, Hà Nội. 

Đã hàng chục năm trôi qua dù trải qua nhiều thăng trầm, “Đồi thông hai mộ” của văn sĩ Tùng Giang-Vũ Đình Trung vẫn có đời sống riêng trong lòng độc giả. Chẳng hạn như cụ bà Nguyễn Thị Hoàng (Hòa Bình) hơn 80 tuổi vẫn đọc vanh vách nhiều đoạn trong truyện thơ này hay cụ Đinh Công Sắc chép tay toàn bộ tác phẩm “Đồi thông hai mộ”…

Nhắc đến “Đồi thông hai mộ”, người ta thường nhớ đến một địa danh nổi tiếng ở Đà Lạt hoặc bài hát cùng tên của nhạc sĩ Hồng Vân. Chính vì vậy, khi tọa đàm “Đồi thông hai mộ - Từ di cảo đến di sản” được tổ chức tại Hòa Bình, nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Từ đây, câu chuyện về tác phẩm truyện thơ “Đồi thông hai mộ” của văn sĩ Tùng Giang-Vũ Đình Trung với bối cảnh là vùng núi Kim Bôi, Hòa Bình mới dần được hé lộ.

Nhà thơ Lê Va, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình nhớ lại: “Lần đầu tiên khi nhìn thấy tập truyện thơ “Đồi thông hai mộ”, chúng tôi, đại diện cho giới văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình, không khỏi ngạc nhiên vì hình ảnh người con gái trẻ với khăn trắng, áo cón, váy đen cùng đôi mắt đang dõi vào xa thẳm, đích thị là một người con gái Mường. Hai nhân vật chính trong thiên tình sử người trai Mường Đinh Lăng người gái Quách Mị Dung hẳn là xuất thân từ hai họ Đinh và họ Quách của người Mường. Những hình ảnh minh họa trong tập truyện thơ chủ yếu là của xứ Mường đã mang đến cho chúng tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trong niềm xúc động khó giãi bày.”

Đồi thông hai mộ - từ di cảo đến di sản - ảnh 2 Bản Mường ở Hòa Bình - ảnh: internet

Truyện thơ này từ khi ra đời vào nửa cuối thập niên 1940 đã được đông đảo độc giả đón nhận. Nhiều người đã chép tay tác phẩm, thậm chí thuộc lòng nhiều đoạn như “Anh Đinh –Lăng giờ đây đâu nhỉ? – Anh của em yêu quý nhất đời – Anh đi mù mịt xa xơi – Phượng hoàng tung cánh phương trời mải bay”. Bản thân tác giả Tùng Giang-Vũ Đình Trung cũng được Bảo Đại, lúc đó là Quốc trưởng, ban thưởng 5.000 đồng Đông Dương do đã “có công phu biên soạn một cuốn sách rất hữu ích cho quốc dân”. Tuy nhiên, cũng chính vì việc này mà khi hòa bình lập lại, cuốn sách đã bị cấm.

Nhà văn Lã Thanh Tùng nhấn mạnh việc cần phải tìm hiểu giá trị của tác phẩm “Đồi thông hai mộ”, tránh để tên tuổi của một văn sĩ tài năng rơi vào quên lãng: “Văn học khi mà đã thành giá trị thì đương nhiên nó đồng hành cùng dân tộc. Đặc tính đấy nó có bởi vì những tác phẩm không đạt đến yếu tố cộng đồng, không đạt đến cái chân thiện mĩ, cái lý tưởng của xã hội thì đương nhiên nó sẽ không bao giờ đi được vào đời sống. “Đồi thông hai mộ”, khi ra đời, được xã hội tiếp nhận, được người dân từ già đến trẻ thời gian đó phổ biến thì đương nhiên nó có giá trị đối với con người, đối với xã hội và đối với cộng đồng.”

Nhà thơ Nguyên An khẳng định về mặt tư tưởng, “Đồi thông hai mộ” không đơn thuần chỉ là chuyện tình yêu trai gái mà còn ngợi ca việc gác tình riêng để gánh vác tránh nhiệm với non sông: “Ai tình nguyện đi đánh giặc ngay khi hạnh phúc đang đến với mình thì người đó được tôn vinh. Đấy là tư tưởng thuần Việt, tư tưởng của cả nhân loại. Gác tình riêng vì nghĩa lớn dân tộc. Ai chung thủy thì cũng được ngưỡng mộ và cũng được thờ. Thế sao bảo tác phẩm này không có tư tưởng? Có chứ. Trong tác phẩm này không thừa một chi tiết nào cả. Truyện lồng truyện, tạo thành một tác phẩm truyện thơ. Về phương diện nghệ thuật, cấu trúc tác phẩm, rất hiện đại chứ không phải không hiện đại đâu.”

Các nhà nghiên cứu cũng bàn về việc in lại truyện thơ “Đồi thông hai mộ” để giới thiệu lại với độc giả cả nước, khẳng định giá trị của tác phẩm cũng như vai trò của tác giả Tùng Giang-Vũ Đình Trung đối với đời sống văn học những năm 1950. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình có ý định tìm lại di tích “Đồi thông hai mộ” để tôn tạo thành địa điểm du lịch. Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam chia sẻ quan điểm: “Tôi tin rằng những thế hệ, kể cả thế hệ 70,80, 90 tuổi, hoàn toàn có thêm vào khía cạnh, kiểu tiếp cận khác nữa. Từ đó, nghĩ đến việc xác định giá trị, những vấn đề về thi pháp, về mô típ… thí dụ những câu như “Đồi thông gắn bó sắt cầm – Đồi thông tiễn biệt lệ đầm áo xanh” ngay ở trang đầu tiên đúng là mô típ trở đi trở lại. “

Với nỗ lực tìm trong vốn cổ, tôn vinh tác giả và tác phẩm có giá trị, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hòa Bình, Ủy ban nhân dân huyện Kim Bôi phối hợp với Ban chuyên đề Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức tọa đàm về cuốn truyện thơ này.

Trải qua một quá trình dài long đong lận đận, tác phẩm “Đồi thông hai mộ” của văn sĩ Tùng Giang-Vũ Đình Trung đã quay trở lại văn đàn, khiến người ta buộc phải chú ý tới một truyện thơ từng gây tiếng vang ở thế kỉ trước. Những gì mà tọa đàm về “Đồi thông hai mộ” đã xới xáo lên, chắc chắn sẽ còn khơi gợi nhiều hướng nghiên cứu, tiếp cận.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu
Thái Văn Canh
Nên tái bản Đồi thông hai mộ