Dấu ấn một số tác phẩm văn nghệ nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước

Dương Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Năm nay Giải thưởng Hồ Chí Minh đã vinh danh 8 tác giả, đồng tác giả và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho 8 tác giả, đồng tác giả. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Thành Tuấn:

 

Văn hóa tạo ra hệ thống các giá trị làm chuẩn mực cho con người vươn tới, từ đó hình thành các phẩm chất của con người. Đặc biệt đối với các loại hình văn học- nghệ thuật, vai trò đó càng được thể hiện sâu sắc và nổi bật thể hiện khát vọng chân- thiện- mỹ của con người.

Với tầm quan trọng đó Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, trân trọng, khuyến khích, biểu dương và tạo mọi điều kiện để văn nghệ sĩ sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Đây cũng là tiêu chí để Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học- Nghệ thuật.

Dấu ấn một số tác phẩm văn nghệ nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước - ảnh 1Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các tác giả, thân nhân tác giả được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh - Ảnh: VGP/Diệp Anh

Năm nay Giải thưởng Hồ Chí Minh đã vinh danh 8 tác giả, đồng tác giả và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho 8 tác giả, đồng tác giả; Tặng Giải thưởng Nhà nước cho 87 tác giả, đồng tác giả và truy tặng giải thưởng Nhà nước cho 25 tác giả, đồng tác giả nhân dịp Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

 
Dấu ấn một số tác phẩm văn nghệ nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước - ảnh 2Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành- Ảnh: VOV

Lĩnh vực Nhiếp ảnh, nghệ sĩ Chu Chí Thành đã vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho bộ ảnh gồm 4 tác phẩm nhan đề “Hai Người lính” chụp năm 1973. Là một trong số các cựu phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam, ông đã có nhiều bức ảnh để đời về đề tài chiến tranh cách mạng.

Nhớ lại bối cảnh ra đời của bộ ảnh nghệ sĩ Chu Chí Thành không thể quên những năm tháng cùng đồng đội xong pha lửa đạn ngoài chiến trường: "Khi hiệp định Pari chuẩn bị ký kết, tôi (bên Nhiếp ảnh) và anh Trần Mai Hưởng (bên Tin) được đơn vị cử vào chiến trường. Tôi thật sự bất ngờ vì được chứng kiến cảnh người lính bộ đội Cụ Hồ và người lính cộng hòa “chơi” với nhau. Họ rất vui vẻ tay bắt mặt mừng khoác vai nhau, lập tức tôi muốn lưu giữ lại khoảnh khắc ấy. Tôi có được cái nhìn ấy là nhờ gia đình, nhờ trường Đại học Tổng hợp đã truyền cho tôi cái nhìn đầy nhân văn giữa con người với con người. Đặc biệt tôi thấy người lính cộng hòa lại đang chủ động làm quen với bộ đội Cụ Hồ thì tôi lại càng hiểu rằng họ cũng rất khát khao hòa bình. Bức ảnh được xem đó là tài liệu vô cùng quan trọng.”

Nghệ thuật Múa cũng được Đảng và Nhà nước ghi nhận bởi đã có đóng góp quan trọng trong việc bồi đắp vẻ đẹp tâm hồn trong con người. Trong đó phải kể tới Phó giáo sư, Tiến sĩ, nghệ sĩ nhân dân Ứng Duy Thịnh (đồng tác giả) được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các tác phẩm kịch múa: “Đất nước”; “Ngọn lửa” và công trình nghiên cứu “Con đường dân gian đến sáng tạo múa chuyên nghiệp”.

Dấu ấn một số tác phẩm văn nghệ nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước - ảnh 3Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho NSND Ứng Duy Thịnh. - Ảnh:VGP/Diệp Anh

Theo nghệ sĩ nhân dân Ứng Duy Thịnh thì: "Đặc biệt là tác phẩm kịch múa “Đất nước”. Đây là vở kịch dài hơi kể về toàn bộ hành trình giải phóng đất nước của quân và nhân dân ta. Trong đó tôi gửi gắm nhiều điều về số phận người lính ngoài mặt trận, số phận người ở hậu phương. Nền tảng của những số phận đó chính là tình yêu thương. Người lính lập được chiến công là họ có được tình yêu thương ở hậu phương. Hậu phương chính là những người phụ nữ trên đồng ruộng. Họ là những người anh hùng trung hậu, đảm đang. Ngoài ra tôi còn gửi gắm thông điệp qua từng thế hệ: “Lớp cha trước lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành”

Mảng Âm nhạc nổi bật là tác phẩm “Tổ Quốc gọi tên mình” nhạc Đinh Trung Cẩn, thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Đây là một trong số tác phẩm vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn khá xúc động khi nhớ lại thời điểm bài hát ra đời: "Tác phẩm ra đời trong lúc tình hình Tổ quốc ở biển đông có nhiều diễn biến phức tạp. Bài hát giống như điểm tựa tinh thần vững chắc, như một hiệu ứng đomino, từ các ca sĩ chuyên nghiệp đến không chuyên, từ trong nước và Việt kiều ở nước ngoài, từ đồng bằng cho tới hải đảo, biên giới bài hát gần như được vang lên liên tục, khơi gợi niềm tự hào về Tổ quốc quê hương. Đối với người làm nghệ thuật thì khi tác phẩm ra đời thì đó là dấu ấn lớn trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của mình. Dấu ấn đó tiếp tục động viên, khích lệ để tôi có được nhiều tác phẩm đĩnh đạc hơn nữa cống hiến cho tổ quốc, đất nước mình. Vì đó là sự phát triển của đất nước trong những giai đoạn khác. Văn nghệ sĩ giống như chiến sĩ. Chúng ta làm sao để có được nhiều tác phẩm trọn vẹn với đất nước thân yêu”

Lĩnh vực văn chương, Giải thưởng Nhà nước năm nay trao cho 9 nhà văn, nhà thơ đó là: Cao Sơn Hải; Phan Ngọc Khuê; Nguyễn Văn Thọ; Nguyễn Hữu Nhàn; Lê Văn Vọng; Nguyễn Xuân Thâm; Nguyễn Ngọc Bảo; Trần Anh Thái và Phạm Xuân Thiêm.

Dấu ấn một số tác phẩm văn nghệ nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước - ảnh 4Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận Giải thưởng Nhà nước. 

Nếu như nhà văn Nguyễn Trọng Bảo được Đảng và Nhà nước ghi nhận cho tập tiểu thuyết “Thượng Đức” thì nhà văn Nguyễn Văn Thọ lại được ghi nhận với cuốn tiểu thuyết “Quyên” phản ánh về đề tài di dân. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ một lần nữa gửi gắm thông điệp trong tác phẩm: Đó là thân phận của những người Việt Nam xa xứ luôn được mọi người quan tâm. Trong vấn đề di dân, người Việt khi rời xa đất mẹ thì điểm mạnh- yếu ra sao và bộc lộ những đứt gãy khi rời văn hóa quê hương. Tiểu thuyết “Quyên” phản ánh cuộc sống của hàng vạn người đang phải làm ăn xa sứ. Hạnh phúc không phải là chúng ta được đi đây đi đó, được sống và học tập ở một nước văn minh. Mà hạnh phúc chính là phải tự thân phấn đấu để có đóng góp ý nghĩa cho tổ quốc, quê hương thì đó mới là giá trị sống đích thực của mỗi người”

Mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật đều có sự đa dạng phong phú về đề tài và cách thức thể hiện, góp phần trực tiếp bồi đắp và nâng cao phẩm chất công dân, phẩm chất con người Việt Nam trong thời đại mới, từ đó lan tỏa, nâng tầm những giá trị tốt đẹp, khơi dậy tinh thần lạc quan, niềm say mê lao động, niềm tự hào, tự tôn dân tộc.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu