Lý thuyết cảnh quan – Một góc nhìn mới trong nghiên cứu văn học và điện ảnh

Nguyễn Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Trong khi khái niệm “không gian” trong văn học nghệ thuật đã quá quen thuộc, lí thuyết cảnh quan lại đem đến nhiều điều mới mẻ cho người nghiên cứu lẫn độc giả. 
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong lĩnh vực nghiên cứu văn học nghệ thuật hiện nay, phê bình cảnh quan đem đến nhiều  sự gợi mở đối với việc nghiên cứu văn học và điện ảnh.
Lý thuyết này đã được áp dụng ra sao với các tác phẩm văn học và điện ảnh cụ thể, là vấn đề được Bộ môn Nghệ thuật học, Bộ môn Văn học Nước ngoài & Nghiên cứu So sánh (Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), cùng CLB Điện Ảnh xới xáo tại cuộc tọa đàm "Phê bình không gian trong nghiên cứu văn học và điện ảnh: nhìn từ lý thuyết cảnh quan".  
Lý thuyết cảnh quan – Một góc nhìn mới trong nghiên cứu văn học và điện ảnh  - ảnh 1Cảnh làng quê Bắc Bộ trong phim Cuộc đời của Yến

Phong cảnh hoặc bối cảnh luôn có vai trò quan trọng trong một tác phẩm văn học hoặc điện ảnh. Cảnh quan có thể được sử dụng để thể hiện các cung bậc cảm xúc “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” hoặc góp phần kiến tạo bản sắc cá nhân hoặc cộng đồng. Mặc dù vậy, hướng tiếp cận phê bình cảnh quan vẫn tương đối mới mẻ ở nước ta. Chính vì vậy, tọa đàm “Phê bình không gian trong nghiên cứu văn học và điện ảnh: nhìn từ lý thuyết cảnh quan” mong muốn đem đến hiểu biết căn bản về phê bình cảnh quan, đồng thời áp dụng lí thuyết này trong việc khảo sát một số tác phẩm văn học và điện ảnh cụ thể.

Phê bình cảnh quan có thể đem đến những gợi mở gì trong nghiên cứu văn học và điện ảnh? Câu hỏi này ít nhiều đã được trả lời qua phần trình bày của các diễn giả. Thậm chí, với những tác phẩm tưởng chừng đã rất quen thuộc, các nhà nghiên cứu cũng tìm được điểm mới từ lí thuyết cảnh quan.

Chẳng hạn, khi khảo sát hai bộ phim “Bến không chồng” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh và “Cuộc đời của Yến” của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, TS. Nguyễn Thị Bích (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chỉ ra được sự khác biệt trong cảnh quan đồng bằng Bắc bộ từ những khung hình tưởng chừng đã trở thành “khuôn mẫu”: “So với bộ phim “Cuộc đời của Yến” thì không gian làng quê trong “Bến không chồng” phong phú hơn rất nhiều với những hình ảnh khác như đình làng hay cối giã gạo. Và chính sự phong phú của không gian có thể khiến khán giả hiểu và yêu cảnh quan đồng bằng Bắc bộ.

Ngược lại, so với “Bến không chồng” thì “Cuộc đời của Yến” lại trình hiện một cảnh quan đồng bằng Bắc bộ, cũng trong thời gian đó, nhưng đẹp, thanh bình và sạch sẽ hơn. Mặc dù cả hai bộ phim đều lựa chọn câu chuyện về thân phận người phụ nữ và câu chuyện “Cuộc đời của Yến” cũng thê lương không kém câu chuyện trong “Bến không chồng” nhưng đạo diễn lại lựa chọn một bối cảnh rất đẹp so với “Bến không chồng”.

Lý thuyết cảnh quan – Một góc nhìn mới trong nghiên cứu văn học và điện ảnh  - ảnh 2Cảnh làng quê Bắc Bộ trong phim Bến không chồng.

Với cách thể hiện theo công thức, từ bối cảnh cho đến góc quay, sự lựa chọn góc quay thì nó giống như những bộ phim quảng bá du lịch, giống với phim của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng. Nó chính là góc nhìn của những người đã xa quê lâu ngày và luôn nghĩ về hình ảnh của quê hương theo kiểu tô hồng nó lên. Và đặc biệt là trong phim này, vì sự phát triển của kỹ thuật quay phim nên đạo diễn sử dụng rất nhiều những góc quay từ flycam để tạo ra những hình ảnh và những bức tranh đẹp như là trong phim mang màu sắc quảng bá du lịch của Victor Vũ như kiểu “Mắt biếc” hay là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.” - TS. Nguyễn Thị Bích nói.

Trong khi đó, TS. Đỗ Thu Huyền (Viện Văn học) lại quan tâm tới việc hình ảnh Hà Nội được thể hiện như thế nào trong thơ dân tộc miền núi: “Khi Hà Nội đã đón nhận những công cuộc di cư và sự hội nhập thì thế hệ của những tác giả như là Lò Ngân Sủn, Y Phương, Dương Thuấn và Mai Liễu thì chúng tôi thấy rằng đã có những biến động rất lớn. Nó khác hẳn với cái nhìn của thế hệ trước của những tác giả như là Bàn Tài Đoàn, Mã Thế Vinh.

Ở giai đoạn này, các tác giả nhìn Hà Nội như một sự va đập xưa và nay rất là rõ, tức là lúc này Hà Nội là một nơi chốn nhưng nó có thể dung chứa những cái nhìn hoài niệm về quê hương rất là rõ. Cảnh quan Hà Nội không chỉ là sự va đập của không gian xưa và nay, cũ và mới mà còn là nơi chứa đựng những giấc mơ, chủ yếu là mơ về quê cũ, mơ về hình ảnh của miền núi, mơ về những điều đã gắn bó quen thuộc với họ từ ngày xưa. Những phát biểu như là của nhà thơ Dương Thuấn: “Đồng bằng rộng tựa bên nào cũng trống”, tức là để cho thấy Hà Nội lúc này được đặt trong đối cực với những không gian của miền núi.”

Lý thuyết cảnh quan – Một góc nhìn mới trong nghiên cứu văn học và điện ảnh  - ảnh 3Cảnh phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Cảnh quan trong tác phẩm văn học và điện ảnh đã được các diễn giả đặt trong mối tương quan với các nghiên cứu về giới, nghiên cứu về diễn ngôn, nghiên cứu hậu thực dân… TS. Hồ Khánh Vân (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) chú ý tới vai trò của giới trong cảnh quan khi tồn tại những không gian được cho là thuộc về một giới nhất định, ví dụ như không gian bếp được mặc định là thuộc về phụ nữ còn không gian phòng khách là thuộc về đàn ông. Điều này cũng được thể hiện rõ ràng trong văn học lẫn điện ảnh.

“Ở trong tác phẩm “Mê Thảo thời vang bóng”, đạo diễn Việt Linh đã kiến tạo người nữ trong không gian cảnh quan của nam giới. Trong bộ phim, chúng ta thấy cô câm bị các nhân vật nam trong tác phẩm nhìn và cô luôn luôn chỉ là một kẻ nhìn trộm. Đây là một trường hợp tôi thấy rất thú vị, nếu như chúng ta nhìn từ góc nhìn của cảnh quan để lý giải vấn đề về giới, những tương tác giới. Hay ở bộ phim thứ hai là “Thời xa vắng” của Hồ Quang Minh, chuyển thể từ tiểu thuyết của Lê Lựu thì chúng ta thấy Hồ Quang Minh cũng nhấn mạnh đến nhân vật người vợ, vốn là nhân vật mà trong tiểu thuyết không được kiến tạo như trong bộ phim. Cô vợ này thể hiện những cô đơn, trống vắng, kìm nén của mình. Và cô cũng có trong không gian của nam trị, không gian của Giang Minh Sài.” - TS Hồ Khánh Vân nói.

Sự đa dạng trong cách tiếp cận lí thuyết cảnh quan trong tọa đàm nói riêng và các nghiên cứu nói chung đã cho thấy đây là một hướng đi có nhiều triển vọng. TS. Trần Ngọc Hiếu (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng cảnh quan hoàn toàn có thể “trở thành tâm điểm cho nhiều thực hành nghiên cứu khác”: “Người ta nói là con mắt chúng ta nhìn đến đâu thì diễn ngôn chạy đến đó, tức là nó đã liên quan tới việc chúng ta muốn tổ chức, chúng ta muốn tạo nghĩa cho nó. Vì thế, cảnh quan đúng là một văn bản bởi vì nó được tạo nghĩa. Và các nghĩa đó giao cắt, loại trừ, cộng hưởng, đối thoại với nhau. Đó là một hướng mà tôi nghĩ là nó rất quan trọng. Hai nữa là sự nhìn ngắm cũng là một thứ có lịch sử hoặc là lịch sử của sự đi lại. Bởi vì trong rất nhiều nghiên cứu về đề tài này thì có một điều tôi thấy hơi thiếu, là nghiên cứu về sự xê dịch. Ví dụ chúng ta nhìn vào cảnh quan của đường tàu chẳng hạn. Nó sẽ rất khác khi nhìn cảnh quan từ máy bay. Hay từ bao giờ, văn học Việt Nam lại thích miêu tả những người đi bộ. Ví dụ tôi thấy trong Thơ Mới chẳng hạn, đi dạo đã bắt đầu được miêu tả như là một hành động thẩm mĩ. Họ bắt đầu mĩ học hóa những cái gọi là lang thang.”

Trong khi khái niệm “không gian” trong văn học nghệ thuật đã quá quen thuộc, lí thuyết cảnh quan lại đem đến nhiều điều mới mẻ cho người nghiên cứu lẫn độc giả. Hướng đi này có thể mở ra một tiến trình lâu dài cho những tiếp cận liên ngành, có giá trị tại nước ta.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu