Cận cảnh Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022: Qua một mùa hoa trái

Nguyễn Hà
Chia sẻ
(VOV5) - Năm tác phẩm ở các thể loại: văn xuôi, thơ, dịch thuật và văn học thiếu nhi đã cho thấy một diện mạo mới của “mùa hoa trái năm nay”.

Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức Lễ trao giải thưởng Văn học và giải nhà văn nữ ấn tượng, tại Hà Nội. Trong khi mùa giải trước không trao cho tập thơ nào thì Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022 trao cho hai tập thơ. Việc vinh danh một cuốn tiểu thuyết lịch sử cũng thu hút nhiều sự quan tâm của độc giả.

Đến hẹn lại lên, Lễ trao giải văn học và giải nữ nhà văn ấn tượng của Hội Nhà văn Việt Nam đã thực sự trở thành một ngày của sự tôn vinh. 

Nghe âm thanh bài tại đây:
 
Cận cảnh Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022: Qua một mùa hoa trái - ảnh 1

Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhận định: “Ở thể loại văn xuôi, tiểu thuyết “Bửu Sơn Kỳ Hương” của nhà văn Lý Lan đã đạt được số phiếu đồng thuận tuyệt đối của Hội đồng chung khảo. “Bửu Sơn Kỳ Hương” lấy bối cảnh Nam Bộ tại thời điểm giao nhau giữa hai thế kỷ 19 và 20 để làm nền chính. Đây là thời kỳ đầy những biến cố, tạo ra các xung lực mạnh mẽ từ những cặp tình thế như tiếp nhận và đối đầu, khước từ và níu kéo, đập vỡ và hàn gắn trên các khía cạnh cả về sự kiện thực tế lẫn tinh thần.

Về thể loại thơ, Hội đồng chung khảo đã chọn tôn vinh hai tác phẩm: “Ngàn bài thơ khác” của tác giả Trần Lê Khánh và “Bóng của ý nghĩ” của tác giả Nguyễn Bảo Chân. “Bóng của ý nghĩ” là tập thơ tràn đầy sự chân thành của rung cảm và nhận thức, thể hiện qua những suy tư về vị thế và thân phận một cá nhân trong tương quan với thế giới xung quanh. Ở khía cạnh khác, chọn thuần khiết hình thức thơ ngắn trong cả tập “Ngàn bài thơ khác”, tác giả Trần Lê Khánh đã cho thấy sự trăn trở với hình thức biểu đạt của mình.

Ở hạng mục văn học dịch, Hội đồng đã bỏ phiếu chọn ra tác phẩm “Hiệp sĩ thánh chiến” của văn hào Henryk Sienkiewicz, do dịch giả Nguyễn Hữu Dũng chuyển ngữ để trình lên chung khảo. Đây là công trình dịch có chất lượng, bám sát và lột tả được tinh thần của tác phẩm với ngôn ngữ tiếng Việt trau chuốt, sinh động.

Ở thể loại văn học thiếu nhi, “Thung lũng Đồng Vang” là tác phẩm viết hết sức sinh động, trong trẻo về thiên nhiên muông thú cũng như những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của một vùng đất đan xen giữa các cộng đồng dân tộc Việt Nam anh em.”

Với hơn 160 tác phẩm, có thể thấy số lượng đề cử đã giảm đi khá nhiều so với năm 2021. Hạng mục phê bình tiếp tục để trống do các tác phẩm xét giải chưa đáp ứng được tiêu chí của Hội Nhà văn Việt Nam. Cũng theo nhà thơ Nguyễn Bình Phương, điều này là “hoàn toàn thỏa đáng, chính xác trong tương quan mặt bằng của năm nay.”
Trong khi đó, thơ “được mùa” với tập “Ngàn bài thơ khác” của nhà thơ Trần Lê Khánh và tập thơ “Bóng của ý nghĩa” của nhà thơ Nguyễn Bảo Chân. Với cả hai tác giả, Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam đều là một bất ngờ đầy vinh dự.

Nhà thơ Trần Lê Khánh bộc bạch: “Nói chung, tôi rất xúc động vì tôi nghĩ rằng Hội Nhà văn Việt Nam đã có bề dày lịch sử và là nơi mà mọi người làm thơ đều muốn có một lần được ghi nhận. Tuy nhiên, việc nhận giải thơ này, đối với tôi, không phải như là một bằng khen, lời khen mà là sự động viên bởi vì người làm thơ là viết cho chính mình và từ đó, họ sẽ có độc giả. Nó khác với nhà văn hoặc là họa sĩ. Nhà thơ cần tìm chính mình. Khi họ viết ra sự trung thực và nhìn vào chính mình như vậy, tự nhiên họ sẽ tìm được những tri kỉ. Bởi vậy, khi mà có được giải thơ của Hội Nhà văn, đó là một sự động viên rất lớn. Tôi nghĩ rằng thông qua giải thưởng, tôi sẽ có những người bạn xung quanh, có được tri kỉ. Và khi có được những điều như vậy thì con đường làm thơ của mình có một động lực."

“Giải thưởng này là một vinh dự lớn trong cuộc đời viết văn làm thơ của chúng tôi. Giải thưởng đánh dấu con đường đi đầy gian khó, đôi khi là bất trắc nhưng cũng rất đáng tự hào. Chúng tôi đã sống, đã viết bằng tất cả trái tim mình, về tất những điều trong cuộc sống này. Có thể là tình yêu, có thể là thù hận. Có thể những chiếc gai, có thể những đóa hoa. Tôi nghĩ nó là động lực, là vinh dự nhưng cũng là một thử thách lớn đối với một người cầm bút như tôi. Tôi sẽ phải viết như thế nào sau đây và tôi sẽ phải đổi mới mình như thế nào để không lặp lại con đường mình đã đi, không lặp lại chính bản thân mình, để những điều mình viết ra vẫn có thể chia sẻ được với bạn đọc.” Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân nói.

Một trong những điểm đáng chú ý là cả hai tác giả nhận giải năm nay là nhà thơ Trần Lê Khánh và nhà thơ Nguyễn Bảo Chân đều có thế mạnh về ngoại ngữ. Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân có thể sáng tác bằng hai thứ tiếng còn nhà thơ Trần Lê Khánh gần đây cũng đã cộng tác với nhà thơ Mỹ Bruce Weigle để chuyển ngữ “Ngàn bài thơ khác” sang tiếng Anh. Dự định quảng bá hai tác phẩm này ra quốc tế có thể coi là trong tầm tay, mở ra viễn cảnh về việc “xuất khẩu” văn học Việt.

Nhà thơ Mỹ Bruce Weigle đánh giá cao nhiều tác phẩm văn học Việt, nhất là tập “Ngàn bài thơ khác” mà ông có cơ hội chuyển ngữ: “Độc giả nói chung và các nhà thơ nói riêng khó tìm được những tác phẩm vừa giàu tính nghệ thuật, lại vừa sâu sắc, chân thực về mặt cảm xúc, những tác phẩm khiến các nhà thơ xem xét lại hiểu biết bấy lâu nay về thơ ca và nghệ thuật. Trong khoảng 10 năm qua, tôi đã dành rất nhiều thời gian và công sức để chuyển ngữ hai tác phẩm như vậy từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Nhưng hôm nay, với tư cách là khách mời của Hội Nhà văn, tôi sẽ giới thiệu một tác phẩm lớn khác của thơ ca Việt Nam. Cuốn “Ngàn bài thơ khác” tuyển tập 1.000 bài thơ ngắn của nhà thơ Trần Lê Khánh. Đây là tuyển tập thơ mà tôi cho là đặc biệt trên nhiều bình diện. Nó vừa độc đáo về tư tưởng, vừa có sự kết nối sâu với truyền thống thơ ca Việt Nam, lại vừa có khả năng tác động lên tâm thức, về thời gian, khiến cảm thức về cái trước đây và cái bây giờ dịch chuyển lẫn nhau trong tức khắc.”

Năm lựa chọn, năm gương mặt, năm tác phẩm, với những tên tuổi quên thuộc như dịch giả Nguyễn Hữu Dũng, nhà văn Lý Lan hoặc mới mẻ như nhà thơ Trần Lê Khánh, Nguyễn Bảo Chân, đều đem đến nhiều sự gợi mở cho độc giả. Việc trao giải cho “Bửu Sơn Kỳ Hương” của nhà văn Lý Lan cũng cho thấy sự ghi nhận của Hội Nhà văn Việt Nam với tác phẩm về đề tài lịch sử - một mảng đề tài đang rất được quan tâm trên văn đàn.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: “Có hai cách viết về lịch sử. Trong một giai đoạn nhất định, văn học không dám viết trực diện vào đời sống đương đại mà họ phải mượn lịch sử để nói về cái thời hiện nay chúng ta đang sống. Nhưng đến bây giờ có một con đường thứ hai là người ta trở lại, xác lập lại lịch sử đó để bảo vệ lịch sử và để tôn vinh lịch sử đó. Bởi vì trong những biến động của thời gian thì lịch sử đôi khi có những phần bị che khuất. Cuốn của Lý Lan mở rộng ra và khai thác, tìm đến sự thật nhất. Sự thật ấy là sự thật về lịch sử, về thời thế, sự thật về đời sống và sự thật về văn hóa nữa trong lịch sử đó. Tôi cho rằng đây là khuynh hướng mà tôi ủng hộ hơn, khuynh hướng chúng ta đợi chờ và bạn đọc cũng đón nhận nhiều hơn.”

Bên cạnh việc trao giải thưởng văn học, Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục vinh danh những cống hiến của các nữ nhà văn khi trao Giải Nhà văn nữ ấn tượng cho dịch giả Bích Lan và nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa.

Theo nhà thơ Nguyễn Thị Hồng, đại diện gia đình của dịch giả Bích Lan, giải thưởng này là sự khích lệ rất lớn đối với người nhận giải và cả gia đình: “Hôm nay thật sự là cảm động vì đã được các anh các chị ở Hội Nhà văn Việt Nam quan tâm. Thực ra chúng tôi là những bậc phụ huynh đã đồng hành với Nguyễn Bích Lan 47 năm nay, đặc biệt là từ năm 13 tuổi khi Bích Lan bị bệnh loạn dưỡng cơ, một thứ bệnh mà trên thế giới chưa chữa được. Nguyễn Bích Lan đã phấn đấu, tức là vượt qua chính mình. Số lượng dịch và viết đã lên đến khoảng 60 đầu sách. Riêng cuốn “Không gục ngã” đã tái bản đến lần thứ 13, tức là hàng vạn bản. Và hầu hết sách dịch của Nguyễn Bích Lan, mỗi năm dịch và xuất bản được khoảng 4 cuốn, thì đều được tái bản với con số hàng vạn.”

 “Lựa chọn hoa trái tiêu biểu trong một mùa, trên nền tảng mặt bằng sáng tác của năm. Đó là sự ghi nhận công sức lao động sáng tạo của các hội viên nói riêng, của những người hoạt động và sáng tác văn học nói chung.” Nhà thơ Nguyễn Bình Phương đã khẳng định khi kết thúc mùa giải năm qua.
Mỗi tác phẩm đều sẽ có một quá trình tiếp nhận riêng trong lòng độc giả nhưng Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam chắc chắn vẫn luôn là một dấu mốc với người cầm bút, để trên chặng đường dài về sau, “của tin còn một chút này làm ghi”. 
Giải thưởng Văn học năm 2022 thuộc về: Tiểu thuyết “Bửu Sơn Kỳ Hương” (Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh) của Lý Lan; tập thơ "Ngàn bài thơ khác" (Nxb Hội Nhà văn) của Trần Lê Khánh; tập thơ "Bóng của ý nghĩ" (Nxb Thế Giới) của Nguyễn Bảo Chân; bản dịch tiểu thuyết “Hiệp sĩ thánh chiến” của văn hào Ba Lan Henryk Sienkiewicz (Nxb Văn Học) của Nguyễn Hữu Dũng dịch; tập truyện dài “Thung lũng đồng vang” (Nxb Trẻ) của Trung Sỹ. Giải Nhà văn nữ ấn tượng được trao cho dịch giả Nguyễn Bích Lan và nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu