65 năm Viện Văn học – những dấu ấn hành trình

Anh Thư
Chia sẻ
(VOV5) - Trong lĩnh vực nghiên cứu văn học nghệ thuật ở Việt Nam, Viện Văn học luôn là cơ quan nghiên cứu văn học hàng đầu của đất nước. 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Tiền thân của Viện Văn học là Tổ Văn trong Ban Lịch Sử - Văn Học – Địa lý, được thành lập cuối năm 1953. Đầu năm 1960, Chính phủ quyết định thành lập Viên Văn học trực thuộc Ủy ban Khoa học nhà nước. Đến nay, Viện Văn học đã đi qua 65 năm xây dựng, phát triển, gắn bó với từng chặng đường của đất nước, đạt nhiều thành tựu trong nghiên cứu, đào tạo khoa học chuyên ngành Văn học.

65 năm Viện Văn học – những dấu ấn hành trình - ảnh 1Từ trái qua phải: GS. Cao Xuân Huy, nhà phê bình Hoài Thanh, GS. Đặng Thai Mai - Ảnh tư liệu 

Những nhà nghiên cứu văn học hàng đầu, ghi danh một thế hệ vàng của nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam đã quy tụ dưới mái nhà Viện Văn học ngay từ buổi đầu thành lập, khi việc nghiên cứu đào tạo được thực hiện trong hoàn cảnh chiến tranh nhiều khó khăn. Tên tuổi của các học giả như Đặng Thai Mai, Nam Trân, Nguyễn Đổng Chi, Vũ Ngọc Phan, Cao Xuân Huy…vv… vẫn còn ảnh hưởng đến tận bây giờ. Từ sau năm 1986, trong bối cảnh mới, Viện Văn học đã có nhiều thay đổi về mô hình nghiên cứu và đào tạo nhân lực. Hiện nay, Viện vừa kiên trì hướng nghiên cứu cơ bản, vừa có ý thức gắn nghiên cứu hàn lâm với thực tiễn văn hóa và văn học, đồng thời tiếp tục mở rộng liên kết, hợp tác với các trường Đại học, các Viện, các Trung tâm nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế.

65 năm Viện Văn học – những dấu ấn hành trình - ảnh 2

Quang cảnh lễ kỷ niệm

Trong diễn văn kỉ niệm 65 năm thành lập Viện, PGS- TS Nguyễn Đăng Điệp nhấn mạnh những bước chuyển của Viện Văn học trong thời đổi mới, nổi bật là sự cập nhật những xu hướng nghiên cứu đã và đang vận động của khoa học xã hội và nhân văn thế giới: “Trong giai đoạn hiện nay, Viện Văn học vẫn tiếp tục triển khai các hướng nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu cơ bản với thực tiễn, mở rộng liên kết hợp tác với các đại học, các trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước. Theo đó, chức năng phê bình văn học được chú trọng, tạo sự hô ứng, gắn kết giữa nghiên cứu chuyên sâu và thực tiễn văn học sôi động."

Viện Văn học luôn là cơ quan nghiên cứu văn học hàng đầu của đất nước, chủ động nghiên cứu văn học dân tộc và tiếp thu những thành tựu văn học thế giới, vận dụng linh hoạt nhiều lý thuyết nghiên cứu văn học hiện đại để soi chiếu văn học Việt Nam. Với bề dày truyền thống ấy, thì không thể hài lòng, dậm chân một chỗ. GS-TS Nguyễn Công Thuấn – Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh ba nhiệm vụ trọng tâm mà Viện Văn học cần có kế hoạch triển khai cụ thể. Đó là: tập trung xây dựng đội ngũ nghiên cứu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời đại mới, xác định những công trình nghiên cứu cơ bản để phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp nghiên cứu văn học cả về lý luận và thực tiễn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước: "Một thực tế là sự hẫng hụt của đội ngũ cán bộ, những nhà khoa học đầu đàn, gần như là một vấn đề hết sức cấp thiết, đặt ra cho chúng ta trong việc xây dựng đội ngũ để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cũng như kế thừa truyền thống tốt đẹp của Viện. Đồng thời trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình, chúng tôi cũng đề nghị Viện nghiên cứu văn học tập trung xác định những công trình nghiên cứu cơ bản để phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp nghiên cứu văn học cả về lý luận, cả về thực tiễn."

Nói đến Viện văn học không thể không nhắc đến những sự kiện quan trọng mang tầm quốc gia và quốc tế. Từ ngày đầu thành lập, Viện đã tổ chức dịch Ngục trung nhật ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Tiếng Việt. Tiếp theo đó, công trình Thơ văn Lý Trần là một dấu mốc hết sức tự hào. Rồi các công trình nghiên cứu sưu tầm văn học dân gian, văn học thế giới. Các hội thảo mà Viện tổ chức hàng năm đều có chất lượng học thuật cao, quy tụ được chất xám của nhiều nhà nghiên cứu, tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu trẻ được thử thách, dấn thân.

Tuy nhiên, nghiên cứu văn học trong nước và thế giới là một phạm trù rộng, cần phải có sự định hướng, khoanh vùng, nắm bắt được những dòng mạch chính, những vấn đề căn cốt của dân tộc của nhân dân. PGS- TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài TNVN, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương hết sức lưu tâm đến nội dung này: "Dù sáng tạo hay nghiên cứu, quảng bá văn học, phải nắm bắt cho được những vấn đề căn cốt của quốc gia, dân tộc, như các cuộc chiến tranh cứu nước đã qua, của đời sống đương đại đã và đang có sức hút mạnh mẽ đối với những thể nghiệm sáng tạo của đội ngũ nhà văn".

Nghiên cứu văn học là lĩnh vực đặc thù. Đằng sau mỗi công trình, mỗi tiểu luận, mỗi cuốn sách là bao lao động âm thầm mà nếu không có niềm say mê, tâm huyết, trí tuệ và vốn sống thì thực khó có thể theo nghề và đem lại điều gì với nghề. Thuộc thế hệ những nhà nghiên cứu trẻ của Viện văn học, tiến sỹ Đỗ Hải Ninh không khỏi ngại ngần khi nhắc tới điều này: " Lựa chọn về Viện Văn học trước hết vì tình yêu đối với văn chương. Viện Văn học cũng như các cơ quan nghiên cứu khác chịu áp lực rất lớn khi phải đối diện với thực tế cuộc sống, mức lương của hành chính sự nghiệp cũng như áp lực về nghiên cứu tốn rất nhiều thời gian và công sức của người nghiên cứu. Nếu không có niềm đam mê thực sự thì sẽ khó trụ lại được."

Thực tế thì điều kiện của một cán bộ nghiên cứu khoa học của nước ta vốn không mấy thuận lợi, thu nhập của người làm nghiên cứu quá thấp. Đó có phải là lý do chính để không mấy người mặn mà, chuyên tâm theo đuổi công việc khó nhọc bền bỉ. Xốc lại đội ngũ, xây dựng một lực lượng vững vàng, tề tựu, xứng đáng với vị trí là một viện nghiên cứu của cả nước – Đây là một vấn đề then chốt và không dễ dàng, bởi thực tế chung của nghiên cứu khoa học hiện nay là khó quy tụ được người tài, hoặc nếu có thì họ cũng phải bươn chải thêm nhiều việc khác để kiếm sống.

Con người luôn là yếu tố quyết định sự thành công phát triển của một đơn vị, một cơ quan, một quốc gia dân tộc. Ngành nghề gì cũng  thấm mồ hôi và nước mắt. 65 năm, nhìn lại để bước tiếp, những bước mạnh mẽ hơn, dấu ấn hơn, và sáng tạo hơn. Đó là tâm thế tất yếu của mọi sự tồn tại!

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu