Tập tục cúng voi của người M’nông ở buôn Đôn

Tô Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) -Voi được coi như một thành viên trong cộng đồng, bởi vậy mọi việc diễn ra xung quanh đời sống của voi đều tuân theo tục lệ truyền thống của người M’Nông.

Trong các dân tộc ở Tây Nguyên, người M’Nông nổi tiếng có nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Đối với đồng bào, voi không chỉ là một tài sản lớn, mà có vị trí quan trong đời sống vật chất, văn hoá tinh thần. Voi được coi như một thành viên trong cộng đồng, bởi vậy mọi việc diễn ra xung quanh đời sống của voi đều tuân theo tục lệ truyền thống của người M’Nông. Từ xa xưa, đồng bào M’nông đã hình thành nhiều nghi lễ cúng voi.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

Trước đây môi khi bắt được voi rừng, đồng bào không dẫn ngay con voi ấy vào buôn mà đưa về bãi thuần dưỡng để tập, rèn dạy. Khoảng 2 - 3 tháng, khi con voi đã khôn ngoan, hiền lành, thuần thục các động tác mới đưa voi vào buôn để sử dụng và làm­ lễ cúng voi nhập buôn. Đây là lễ quan trọng nhất trong các nghi lễ cúng thần voi của người M’nông.

Tập tục cúng voi của người M’nông ở buôn Đôn - ảnh 1Lễ cúng bến nước là một truyền thống tốt đẹp của người dân Buôn Đôn. 

Lễ cúng nhập buôn cho voi chẳng những để mừng thắng lợi của các thợ săn voi trong buôn mà còn toát lên một ý nghĩa hết sức tốt đẹp, thể hiện tinh thần thượng võ của đàn ông M’nông chinh phục thiên nhiên, vượt qua thử thách. Qua lễ cúng dân làng cầu mong sức khỏe cho con voi, sự bình yên và phát đạt cho chủ voi và cũng là để các thần linh chứng giám con voi mới đã trở thành thành viên yêu quý, thành “đứa con” yêu thương của buôn làng. Kể từ ngày nhập buôn, voi sẽ được đối xử tử tế, được tham gia việc làng, các sinh hoạt lễ hội và sống theo khuôn khổ, phép tắc, luật tục của đồng bào. Ông Đàm Năng Long, sinh trưởng trong một gia đình có 4 đời làm nghề thuần  dưỡng voi ở Buôn Đôn, Đắc Lắc, cho biết:

“Đối với người M’Nông, con voi ngoài giá trị vật chất, còn có giá trị tinh thần, văn hoá mang tính tâm linh. Người M’Nông giao lưu tình cảm, đồng hành với voi cả trong công việc, thậm chí chia sẻ cả vật chất  mà gia đình có được. Đến Tây Nguyên hàng năm vào mùa mưa, người ta cúng cho voi, báo cho voi biết rằng trời đất bắt đầu cho thức ăn cho voi.

Còn vào cuối mùa mưa, đầu mùa khô, thì người M’Nông cũng làm lễ cúng báo cho voi biết rằng vào mùa khô  thức ăn trong tự nhiên cạn rồi, làm  lễ như thế như động viên cho voi cố găng vượt khó khăn để tồn tại chờ mùa  mưa đến..

Đối với nhiều gia đình có voi người M’nông, con voi là đầu cơ nghiệp, là người bạn thân thiết mà Giàng (trời) đã ban cho họ. Vì vậy, lễ cúng sức khỏe cho voi được đồng bào tổ chức rất chu đáo. Trong lễ cúng sức khỏe cho voi, thầy cúng được mời phải là thầy cúng giỏi, có uy tín và am hiểu tập tục của bà con các dân tộc. Thầy cúng cùng các người điều khiển voi (nài voi) trong buôn đến nhà chủ voi chuẩn bị lễ vật, cùng ăn và uống rượu với gia đình. Các lễ vật bắt buộc đi kèm là rượu cần, gạo có gắn đèn sáp ong, một chén cơm, một bầu nước, một vài đĩa lòng heo…Lễ cúng sức khỏe cho voi được tổ chức với các nghi thức linh thiêng, trong tiếng cồng chiêng rộn rã.

Bắt đầu lễ cúng, chủ lễ đọc lời khấn, mong Giàng cho voi nhiều sức khỏe để gánh vác công việc cho buôn làng. Sau lễ khấn, từng chú voi sẽ tiến lại gần, chủ lễ sẽ đặt đầu heo, gạo, bôi tiết, tưới rượu lên đầu voi để cầu chúc voi luôn khỏe mạnh, an toàn.

Lễ cúng sức khỏe cho voi mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc bản địa và nhiều ý nghĩa tốt đẹp, thể hiện lòng yêu thương, quý trọng của con người đối với con vật nuôi. Ngoài các nghi lễ cúng sức khỏe cho voi, đồng bào còn có nhiều nghi lễ cúng voi khác như cúng khi bán voi, cúng tháo dây buộc voi, đặt tên cho voi, cúng voi nhà đẻ, cúng khi voi ốm, khi voi chết…

Ngày nay, lễ cúng sức khỏe cho voi và các nghi lễ khác được phục dựng trong chương trình Hội voi ở buôn Đôn, khu vực hồ Lắc của tỉnh Đắc Lắk vừa để bảo tồn phát huy di sản văn hóa độc đáo của đồng bào, vừa phục vụ khách tham quan du lịch tại quê hương thuẫn dưỡng voi nổi tiếng ở Tây Nguyên.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu