Đồng bào dân tộc Chăm có nhiều người nặng lòng với văn hóa dân tộc mình, mong muốn bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc. Trong số những con người đáng quý ấy có ông Thường Xuân Hữu (Sư cả thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong) và anh Ức Viết Vòng (ở thôn Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình) tỉnh Bình Thuận.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Dấu ấn văn hóa dân tộc Chăm được thể hiện rõ nét trong kiến trúc, điêu khắc (các đền tháp, phù điêu, tượng thờ) và ở các lĩnh vực khác như: phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, tiếng nói, chữ viết, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn...
Từ trung tâm xã, đi qua con đường làng, chúng tôi đến nhà Sư cả Thường Xuân Hữu ở làng Chăm Lạc Trị xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Trong căn nhà nhỏ, ông đang dạy chữ Chăm cổ cho các em nhỏ, tiếng tập đánh vần “Kăk”, “Khăk”, “Găk”, “Khăk”… (chữ cái tiếng Chăm) vang vọng hàng ngày. Trong căn nhà nhỏ của ông nhìn tứ phía đâu đâu cũng nhìn thấy những chiếc kệ chất đầy sách. Thứ nào quý giá, ông cho vào tủ kính riêng.
Từ nhỏ ông Thường Xuân Hữu may mắn được thừa hưởng vốn chữ viết Chăm quý giá từ những người thầy của mình trong làng truyền lại. Khi đó ông rất đam mê đọc sách, dần dần vốn văn hóa quý giá của dân tộc thấm nhuần vào ông lúc nào không biết. Gần đây, ông sưu tầm những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, bằng việc ghi chép lại những phong tục, lễ nghi trong cưới hỏi, tấu chức, Ka-tê,... Nay dù tuổi đã cao, ông vẫn kiên trì đeo đuổi việc sưu tập, lưu giữ khá nhiều những bộ kinh thư rất có giá trị viết trên giấy dó, lá buông. Sư cả Thường Xuân Hữu cho biết các thư tịch cổ nhất bằng chữ Chăm còn lại rất ít, vì vậy mà mình phải giữ gìn nó. Các cuốn sách cổ từ vài trang đến vài trăm trang giấy chứa đựng những nét đặc sắc của văn hóa Chăm với các chủ đề chính là kinh luật tôn giáo, văn học, cách tổ chức nghi lễ, những bài hát dân ca, lịch pháp…
Anh Ức Viết Vòng (bên trái) trong một chuyến đi thực tế. Ảnh: VOV |
Ông Thường Xuân Hữu kể: "Đến ngày hôm nay, bản thân tôi vẫn còn giữ gìn nhiều bộ kinh thư, nhiều cuốn sách Chăm rất có giá trị mà tôi đi sưu tầm, nghiên cứu, các thế hệ trước mới có để lại cho ngày hôm nay. Với vai trò, trách nhiệm là người đi trước, tôi cũng mong muốn vị chức sắc thế hệ sau này cùng nhau tiếp tục cùng nhau sưu tầm nghiên cứu những giá trị văn hóa của người Chăm để lưu truyền lại cho đời sau biết được phong tục, tập quán, những giá trị văn hóa của cộng đồng người Chăm."
Ở thôn Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận - vùng đất được ví như cái “rốn” văn hóa Chăm của tỉnh Bình Thuận, anh Ức Viết Vòng dành cho văn hóa dân tộc mình một tình yêu sâu nặng không kém gì Sư cả Thường Xuân Hữu. Công tác tại Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm nên anh Ức Viết Vòng có điều kiện hơn Sư cả Xuân Hữu trong việc sưu tập các hiện vật liên quan đến văn hóa dân tộc mình. Anh dành nhiều thời gian đi du khảo, ghi chép lại những vốn cổ của văn hóa dân gian tại các lễ hội của người Chăm như: Rija Yaup, Rija Prong, Rija Harei..
Sư cả Thường Xuân Hữu (áo trắng thứ hai từ trái sang) và anh Ức Viết Vòng (áo trắng thứ tư từ trái sang) cùng với đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS lần II, 2020. Ảnh: VOV |
Anh cũng hay lặn lội đến từng nhà dân để tuyên truyền vận động bà con hiến tặng các hiện vât, cổ vật để trưng bày tại Trung tâm. Bên cạnh việc nghiên cứu, sưu tầm, anh còn ghi âm lưu lại những điệu hát, nghi thức tôn giáo của giới chức sắc trong đồng bào Chăm. Anh Ức Viết Vòng cho biết: "Là người đang công tác tại Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm, tôi thấy Đảng và Nhà nước quan tâm rất nhiều đến việc bảo tồn văn hóa Chăm. Tôi muốn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn văn hóa Chăm, nhất là hai nghề truyền thống của người Chăm đó là nghề làm gốm và nghề dệt thổ cẩm. Vì hai nghề ngày hiện rất ít người làm, ngày nó càng mai một đi."
Nhờ công sưu tầm của anh Vòng và những người đồng nghiệp mà hiện vật trưng bày của Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm ngày càng phong phú. Hiện Trung tâm trưng bày hơn 300 hiện vật, gần 200 bức ảnh về đời sống văn hóa lao động của người Chăm qua các thời kỳ phát triển, các thư tịch cổ..., Qua đó, thu hút du khách yêu mến văn hóa Chăm tới thăm quan tìm hiểu, góp phần tích cực vào việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ người Chăm.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II diễn ra tháng 12/2020, anh Ức Viết Vòng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Sư cả Thường Xuân Hữu được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Cả hai người đều được tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020. Đây không chỉ là niềm vinh dự và tự hào của riêng hai người mà còn là niềm tự hào chung của đồng bào dân tộc Chăm.