Gìn giữ, bảo tồn và phát huy làng gốm Chăm Bình Đức ở Bình Thuận

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Chính quyền và bà con nơi đây đang nỗ lực để gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề trước nhiều khó khăn, thách thức.

Làng Chăm Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình là làng gốm thủ công duy nhất còn lại ở Bình Thuận. Đây là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhân vào năm 2012 và  đang được Bình Thuận xây dựng hồ sơ để trình UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ… Chính quyền và bà con nơi đây đang nỗ lực để gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề trước nhiều khó khăn, thách thức.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
 Đồng bào dân tộc Chăm vốn sinh tụ ở duyên hải miền Trung Việt Nam từ rất lâu đời, đã từng kiến tạo nên một nền văn hoá rực rỡ. Bên cạnh các nghề truyền thống như nông nghiệp, dệt thủ công, nghề làm gốm của người Chăm ở Bình Thuận là một trong những nghề cổ xưa, còn lưu giữ cho đến ngày nay.

Hiện nay, tại tỉnh Bình Thuận có 26 thôn của người Chăm, nhưng chỉ có người Chăm ở thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình còn làm gốm với kỹ thuật và quy trình thủ công truyền thống của cha ông họ. Theo các nghệ nhân cho biết, nghề gốm ở thôn Bình Đức có từ rất lâu, được các gia đình người Chăm nơi đây duy trì qua nhiều đời.

Bà Đơn Thị Hiệu, làng gốm Chăm Bình Đức, cho biết: "Tôi làm nghề gốm này từ khi tôi 5 năm và khi lớn lên tôi không có cha có mẹ, từ hàng xóm láng giềng tôi học được nghề này để nuôi sống bản thân. Năm 44 tuổi tôi được sang Nhật học nghề 2 tháng và khi trình diễn nghề thì bên Nhật họ mê lắm, họ rất thích các sản phẩm của Việt Nam mình, đánh giá cao, khen đồ Việt Nam làm bằng tay thủ công rất đẹp."

Gìn giữ, bảo tồn và phát huy làng gốm Chăm Bình Đức ở Bình Thuận - ảnh 1Nghệ nhân bên sản phẩm gốm truyền thống. Ảnh: VOV

Làng nghề làm gốm của người Chăm ở Bình Đức còn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống, được thể hiện qua kỹ thuật chế tác gốm, không dùng bàn xoay, nung lộ thiên, sản phẩm độc đáo mang nhiều dấu ấn lịch sử văn hóa tộc người. Đây là nghề thủ công truyền thống độc đáo, riêng biệt, phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo mang tính đại diện, thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng người Chăm. Vì vậy, năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Nghề làm gốm của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Nghề thủ công truyền thống. Đồng thời, tỉnh Bình Thuận xây dựng hồ sơ trình UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ.

Tuy nhiên, trải qua thời gian và trước áp lực của kinh tế thị trường, cuộc sống công nghiệp, quy mô sản xuất của làng gốm Bình Đức đang bị thu hẹp dần, số hộ theo nghề từ 100 nay chỉ còn 64 hộ. Bên cạnh nguyên nhân giá thành rẻ, tiêu thụ kém, một vấn đề hiện nay là nguồn nguyên liệu làm gốm như đất sét, củi nung đang thiếu hụt.

Gìn giữ, bảo tồn và phát huy làng gốm Chăm Bình Đức ở Bình Thuận - ảnh 2Đất sét, nguyên liệu để làm gốm. Ảnh: VOV

Nghệ nhân Nguyễn Thị Minh cho biết: "Bà con làng nghề mong muốn có đất sét để làm gốm nhưng nguồn nguyên liệu này giờ khan hiếm, khó khăn, giá thành lại cao. Chính quyền đang tìm cách để bà con có đất sét để làm, phục vụ cho sản xuất"

Trước thực trạng trên, từ cuối năm 2020, tỉnh đã khảo sát, xác định khu vực thuộc thôn Hải Thuỷ, xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình có trữ lượng đất sét tương đối lớn, phù hợp làm nguyên liệu gốm. Ông Huỳnh Duy Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, cho biết huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng để tìm nguồn nguyên liệu sản xuất cho người dân: "Sở Xây dựng cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh về vấn đề này. Do đặc tính của mỏ sét phục vụ cho gốm khác với mỏ sét phục vụ làm gạch thông thường cho nên cũng đề nghị cập nhật, bổ sung, có thể dành phần diện tích 3ha này để cho bà con khai thác khoáng sản về sét theo Luật Khoáng sản.

Bên cạnh việc tìm nguồn khai thác nguyên liệu ổn định, đúng luật, tỉnh Bình Thuận cũng lập kế hoạch tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, tính đến quy hoạch riêng đối với việc sản xuất ở làng nghề gốm Chăm Bình Đức. Ông Võ Văn Hoà, Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận, cho rằng: "Chúng tôi đang tìm kiếm những nhà đầu tư có tâm huyết, không vì kinh doanh, mà vì mục đích bảo tồn bảo tàng và phát triển thương hiệu gốm trong tương lai. Phát triển làng nghề gốm đồng thời cũng để phục vụ du lịch, như vậy làng nghề mới có cơ hội vực dậy và phát triển."

Thực tế, có những làng nghề sau thời gian quy hoạch, phát triển thì đã thay đổi diện mạo và ngày càng khởi sắc, như làng gốm Chăm Bàu Trúc ở Ninh Thuận. Vì vậy, cùng với việc tìm nguồn nguyên liệu sản xuất, nỗ lực tìm kiếm đầu ra, quy hoạch làng nghề gắn với mô hình du lịch, làng gốm Chăm Bình Đức sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển, giữ được hồn tinh túy và giữ được vẻ đẹp hoang sơ của gốm cổ cách đây hàng trăm năm.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu