Những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Ơ Đu tỉnh Nghệ An

Thu Hằng BT
Chia sẻ
(VOV5) - Người Ơ Đu sống theo gia đình nhỏ, tính phụ quyền bộc lộ rõ rệt trong gia đình nhiều hơn các dân tộc khác.

Người Ơ Đu còn có tên gọi khác là người Tày Hạt, thuộc dân tộc ít người, cư trú chủ yếu ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Đồng bào Ơ Đu có khoảng 600 người họ sống xen kẽ với đồng bào Thái, Khơ Mú và người Mông.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 

 

Trước kia, người Ơ Đu cư trú 2 bên bờ sống Nậm Mộ, Nậm Nơn, thuộc dãy Trường Sơn, dọc theo biên giới Việt Lào của tỉnh Nghệ An, nhưng do nhiều biến cố lịch sử nên họ phải dời đi nơi khác hoặc phải ở lẫn vào dân tộc khác. Hiện nay họ sống rải rác trong nhiều bản của vùng sâu vùng xa thuộc thuộc huyện Tương Dương của tỉnh Nghệ An, nhưng tập trung ở 2 bản Kim Hòa, Sốp Phột, xã Kim Đa.

Tiếng Ơ Đu thuộc nhóm ngôn ngữ Môn Khơ Me, ngữ hệ Nam Á, nhưng các thế hệ người Ơ Đu còn lại đến giờ quên gần hết tiếng nói. Họ quên cả phong tục, tập quán. Một số rất ít ỏi đều trên 80 tuổi còn nói khoảng 100 từ cả những từ họ còn nhớ đã có sự pha trộn của cả ngôn ngữ Thái và Khơ Mú. Vì thế, những người còn nói được tiếng thì cộng đồng vô cùng coi trọng. Khi về già, người ơ Đu còn có ý thức học lại ngôn ngữ dân tộc để tìm về cội nguồn.

Những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Ơ Đu tỉnh Nghệ An - ảnh 1 Phụ nữ Ơ đu. - Ảnh: baonghean.vn

Bà Mạc Thị Tím, trưởng bản Văng Môn, xã Nga My huyện Tương Dương, cho biết: "Hiện tại mấy cụ già thì biết nói tiếng Ơ Đu, còn những người trẻ hầu hết nói toàn tiếng Thái. Nhưng khi chuyển đến đây rồi thì chúng tôi cũng mở được lớp dạy tiếng Ơ Đu, những tiếng chào hỏi, giao tiếp, mời ăn cơm, mời uống nước thì cũng được học và truyền dạy lại cho con cháu."

Người Ơ Đu sống theo gia đình nhỏ, tính phụ quyền bộc lộ rõ rệt trong gia đình nhiều hơn các dân tộc khác. Người đàn ông toàn quyền quyết định các việc trong gia đình, đàn bà không được hưởng quyền thờ tự. Xưa kia người Ơ Đu sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá và muông thú. Bà Mạc Thị Tím cho biết: "Trước đây các cụ sống trên rừng. Thịt lợn, thịt gà thì thi thoảng mới có và thường ở dưới xuôi. Còn sóc, chuột là thức ăn hàng ngày trong mỗi bữa cơm do thành viên gia đình tự đi kiếm săn bắt hái lượm về cho nên là ngày lễ trong mâm cơm cúng không thể bỏ được những món ăn này. Vì đó là những món ăn quan trọng hàng ngày nên buộc phải có trong mâm cơm cúng."

Những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Ơ Đu tỉnh Nghệ An - ảnh 2Một căn nhà sàn của người Ơ Đu tại xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
Ảnh nld.com.vn 

Người Ơ Đu ở nhà sàn, kiến trúc nhà ở của họ thường có 4 mái, lợp bằng nứa hoặc tranh, đầu nhà quay vào núi, cột nhà chôn xuống dưới đất. Ngôi nhà thường có 4-8 cột, tương ứng với nhà từ 1-3 gian. Khi dựng nhà bao giờ người Ơ Đu cũng dựng cột chính trước. Theo quan niệm của họ thì đó là cột góc ma ở. Sau mới đến các cột góc khác theo thứ tự từ trái sang phải, từ trên xuống dưới.

Trong nhà, bếp của người ơ Đu có 2 bếp. Ông Lò Văn Cự ở xã Nga My cho biết: "Phong tục tập quán của người Ơ Đu ngày xưa là phải có 2 bếp. Bếp đặt ngoài là bếp tiếp khách, không được nấu nướng, kể cả rau củ quả, thịt… cũng không được nấu mà chỉ được phép nấu cơm, tiếp khách và sưởi ấm. Còn bếp trong là bếp nấu nướng phục vụ bữa ăn gia đình. Phía trên gác bếp thường hay để đồ đan lát, dụng cụ nứa, tre mang trên rừng mà chưa kịp chẻ, đan sản phẩm thì bó lại để trên gác bếp cho khô."

Về Tôn giáo tín ngưỡng của người Ơ Đu, họ gọi hồn là mẹ, ma là bụa, ma nhà là bụa rinh, chi phối mọi hoạt động của gia đình. Khi bị đau ốm họ cùng xin ma nhà đi bước nữa, tức cưới ma khác để vui không làm hại đến mọi người trong gia đình.

Văn hóa truyền thống của đồng bào Ơ Đu ở tỉnh Nghệ An là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Chính những nét văn hóa riêng có ấy làm phong phú đời sống tinh thần của đồng bào Ơ Đu, tạo nên sự độc đáo cần được gìn giữ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu