Người Ngái trình tường nhà bằng đất sét trộn rơm

Giàng Seo Pùa
Chia sẻ
(VOV5) -  Người Ngái còn có những tên gọi khác là Khách Gia, Hẹ, Ngái Hắc Cá, Ngái Lầu Mần, Sín, Đàn, Lê… 

Trong tổng số 16 dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người ở nước ta thì người Ngái có dân số đứng hàng thứ 6 với khoảng 1.200 người sinh sống tại 27 tỉnh, thành phố, nhưng đông nhất là ở Thái Nguyên. Người Ngái còn có tên gọi khác là còn có tên gọi khác là Khách Gia, Hẹ, Ngái Hắc Cá, Ngái Lầu Mần, Sín, Đàn, Lê… 

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Nhưng đồng bào thường tự gọi mình là Sán Ngái, nghĩa là người miền núi. Tên gọi ấy không chỉ mang hàm ý về địa hình sinh sống mà còn như khẳng định rằng dân tộc mình là một trong những nhóm người có công khai phá dựng xây nên các bản làng trên vùng cao.

Để thích ứng với điều kiện sinh sống ở miền núi, trước đây người Ngái đã tự nghĩ đến việc xây dựng một ngôi nhà vừa để chống đỡ được sương mù, cái rét của mùa đông, mát về mùa hè, nhưng lại có thể chống được kẻ gian, thú dữ-đó là ngôi nhà trình tường bằng đất.

Người Ngái trình tường nhà bằng đất sét trộn rơm - ảnh 1  Người dân tộc Ngái xây nhà với tường làm bằng đất sét trộn rơm. - baotangdantoc.vn

Giống như một số dân tộc khác, dường như trước đây, người Ngái đã có bí quyết trong kỹ thuật làm nhà khi dựng lên những ngôi nhà trình tường bằng đất sét. Sống quần cư thành thôn xóm ở sườn đồi, thung lũng cạnh sông suối, để thuận lợi cho việc lấy nước làm ruộng, nhà người Ngái phổ biến là 3 gian 2 chái, nhà thường xây theo kiểu nhiều mái khép kín, lợp bằng ngói âm dương. Nhà làm theo kiểu trình tường hoặc bằng gạch đất nhào nhuyễn cùng với rơm đóng khuôn thành những viên to liên kết với nhau bằng bùn non chét kín. Ông Thẩm Dịch Thọ cho biết: "Nhà trình tường có khuôn gỗ đóng khuôn xuống đổ đất lên trình, trình chắc rồi lại chuyển chỗ kia cứ trình vòng xung quanh nhà trình lên thành ngôi nhà. Đất bình thường đào luôn ở đằng sau nhà cho lên. Khuôn nó dài độ 35 phân, cao khoảng 35-40 phân cứ đổ một lượt đất đi trình chắc lại đổ lượt thứ 2, 5 lượt tất bằng miệng khuôn lại nhấc ra, thường thường cao 2,5 mét, cao dần dần lần lượt lên."

Để làm được một ngôi nhà trình tường vững chắc đó, trước đây, mỗi khi có gia đình nào làm nhà là cả xóm đến giúp. Ngày làm nhà cũng có thể gọi là ngày hội của làng người nào việc nấy và chỉ trong khoảng chục ngày là có thể trình xong một ngôi nhà hoàn chỉnh.

Cũng theo ông Thẩm Dịch Thọ thì khi trình tường đất xong mới dựng cột kèo và lợp mái: "Mái nhà giàu có tiền thì lợp lá cọ tranh, không có thì lợp rạ, lá mía, hồi xưa còn trồng mía kéo đường thì lợp lá mía, lợp lá cọ gianh thì được khoảng 3 năm đến 4 năm, nếu lợp rạ thì năm một hỏng thì thay, lợp lá mía cũng thế năm rưỡi cũng phải thay, cử thế dỡ mái xuống lại thay mái lên."

Trong kiến trúc nhà của người Ngái nếu làm 5 gian thì sẽ có 2 buồng ngủ, còn nhà 3 gian chỉ có 1 buồng. Còn lại là gian tiếp khách và gian thờ cúng tổ tiên.Lối kiến trúc nhà phổ biến của người Ngái khi xưa là “nhà phòng thủ”.  Kiến trúc nhà cho thấy lối sống khép kín, độc lập của các gia đình người Ngái. Điều này đồng nghĩa với việc, nhà chính, nhà bếp, chuồng nuôi gia súc, gia cầm nối tiếp nhau thành một vòng tròn khép kín và mỗi nhà có một mái riêng. Khu vực giữa để trống dùng làm sân chung để sinh hoạt. Đặc biệt, ngôi nhà truyền thống của người Ngái chỉ có một cửa chính để ra vào, hai bên có 2 khung cửa sổ nhỏ dùng để kiểm tra mọi việc xảy ra bên ngoài.

Hiện nay ở xóm Tam Thái (xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên), chỉ còn duy nhất gia đình cụ Trần Thành Quang còn giữ được căn bếp xây theo lối trình tường, tuy nhiên kết cấu mái thì đã thay đổi. Bàn thờ nhà ông cũng đã thay đổi cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Dấu vết duy nhất còn sót lại là những vết giấy đỏ dán trên bàn thờ.

Do hiện nay hầu hết các gia đình người Ngái đều ở nhà xây giống như người Kinh nên theo ông Phạm Thanh Sơn, cán bộ Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, trong quá trình dựng Làng rất chú trọng khôi phục lại không gian làng truyền thống của đồng bào: "Chúng tôi đã tổ chức khảo sát điền dã, lập dự án và thiết kế thi công toàn bộ không gian dân tộc Ngái để làm nơi lưu trú và bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Ngái."

Ngoài những ngôi nhà truyền thống của đồng bào Ngái, tùy theo vùng dân cư sinh sống, người Ngái cũng thay đổi kiểu nhà giống như cư dân địa phương. Tuy có thay đổi vật liệu nhưng họ vẫn giữ kiểu nhà truyền thống gồm có nhà chính, nhà bếp, chuồng gia súc xây dựng tách biệt.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu