Nghệ nhân ưu tú Cầm Vui – Người nặng lòng với văn hóa dân tộc

Tòng Anh
Chia sẻ
(VOV5) -  Những bài hát do ông sáng tác chủ yếu ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La, nghệ nhân Ưu tú Cầm Vui, dân tộc Thái, được nhiều người biết đến là người nặng lòng với văn hoá của dân tộc mình. Không chỉ đóng góp trong việc truyền dạỵ, lưu giữ văn hóa dân tộc, ông còn xây dựng, củng cố phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương.

Nghe âm thanh bài viết tại đây: 
Với nhiều người yêu thích làn điệu dân ca Thái ở Sơn La, không ai không biết nghệ nhân ưu tú Cầm Vui, ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La, cùng giọng khắp Thái trầm bổng, đi vào lòng người của ông.

Ông Tòng Văn Hịa, ở bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, cho biết: "Có rất nhiều người biết sáng tác, biết hát, mỗi người một chất giọng, một cách luyến láy khác nhau. Nhưng riêng bài hát, cũng như cách thể hiện của nghệ nhân Cầm Vui thì rất hay. Từng câu hát trôi chảy, mượt mà, làm cho người nghe dễ nghe và dễ hát, dễ nhớ nội dung bài hát muốn truyền tải. Ông cũng là người dám khen, chê một cách thẳng thắn, mạnh dạn thông qua lời bài hát. Nên bản thân tôi cũng rất là yêu thích các bài hát của ông Cầm Vui sáng tác, cũng như muốn nghe chính ông thể hiện."

Nghệ nhân ưu tú Cầm Vui – Người nặng lòng với văn hóa dân tộc - ảnh 1Nghệ nhân ưu tú Cầm Vui và thư viện văn hóa dân tộc thu nhỏ của gia đình.
Ảnh: Tòng Đức Anh/ VOV

Sinh ra trong gia đình có mẹ biết hát Thái, bố là giáo viên dạy chữ Thái cổ tại xã vùng sông nước Mường Trai, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, ngay từ nhỏ, ông Cầm Vui đã học cách mẹ hát, học thổi sáo, thổi khèn và tình yêu với văn hóa dân tộc cứ thế lớn dần trong ông lúc nào không hay. Ông tích cực tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ ở bản, ở xã, mang lời ca tiếng hát, tiếng khèn của mình đi biểu diễn, cổ vũ tinh thần lao động sản xuất, xây dựng bản mường của bà con, được bà con yêu thích, đón nhận.

Thời gian công tác tại Phòng Văn hoá huyện Mường La, ông Cầm Vui được phân công phụ trách phong trào văn hoá, văn nghệ cơ sở. Với trách nhiệm, cùng niềm đam mê văn hóa dân tộc của mình, ông Vui đi khắp các xã trong huyện để củng cố phong trào văn hoá, văn nghệ, để xã, bản nào cũng có đội văn nghệ phục vụ mỗi dịp vui bản, vui mường… Đi đến đâu, ông cũng dạy hát, múa cho các đội văn nghệ bản, ai muốn học chữ Thái, thích tìm hiểu các nhạc cụ dân tộc như cách thổi sáo, thổi khèn, kéo đàn nhị… thì ông cũng luôn sẵn lòng truyền dạy rất nhiệt tình.

Nghệ nhân ưu tú Cầm Vui – Người nặng lòng với văn hóa dân tộc - ảnh 2Ông Cầm Vui được trao tặng huy hiệu 30 năm tuổi Đảng và được phong tặng nghệ nhân ưu tú. Ảnh: Tòng Đức Anh/ VOV

Theo ông Cầm Vui, Học hát Thái, hay thổi khèn, kéo nhị không khó, nhưng phải đam mê, kiên trì. Ví như khắp Thái, phải biết cách lấy hơi, ngắt nhịp: "Không phải ai cũng biết thể hiện bài hát một cách mượt mà sâu lắng, làm say lòng người. Chính vì thế, người thể hiện cũng cần có niềm đam mê, cùng với chất giọng tốt, cách luyến láy theo giai điệu của từng thể loại, nội dung bài hát muốn truyền tải."  

Xuất phát từ niềm đam mê khắp Thái, ông lại bắt đầu sáng tác bài hát dân ca dân tộc mình. Những bài hát do ông sáng tác chủ yếu ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh… Sau này, ông dành nhiều thời gian sáng tác những bài hát phản ánh thực trạng đời sống thường nhật của đồng bào như các bài về chủ đề cưới xin, tình yêu đôi lứa, tai tệ nạn xã hội…. Chính vì thế, các bài hát do ông sáng tác luôn được đồng bào Thái gần xa đón nhận như món ăn tinh thần không thể thiếu.

Đến nay, ông Cầm Vui đã sáng tác được 350 bài hát ở nhiều chủ đề khác nhau. Qua những bài hát do ông Cầm Vui sáng tác, thể hiện trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh truyền hình tỉnh Sơn La, những người yêu thích văn hoá, văn nghệ là đồng bào Thái ở Điện Biên, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, trong khu vực Tây Bắc thường xuyên gọi điện, xin ông bài hát để học, hoặc đề nghị hát trực tiếp trên sóng nhà Đài. Và, ông Vui luôn nhiệt tình đáp ứng những yêu cầu, nguyện vọng đó của người yêu văn hóa dân tộc như một niềm hạnh phúc lớn lao của bản thân.

Ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng phòng Văn hoá-Thông tin huyện Mường La, tỉnh Sơn La, cho biết: "Hiện nay, huyện Mường La có trên dưới 300 đội văn nghệ ở các lứa tuổi, chủ yếu là thanh niên, trung niên, cao tuổi, tập trung ở các bản, tiểu khu trong toàn huyện. Thông qua các đội văn nghệ, các hạt nhân văn hoá như nghệ nhân ưu tú Cầm Vui đã góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào, cổ vũ tích cực cho phong trào xây dựng đời sống văn hoá mới ở khu dân cư, xoá đói giảm nghèo tại địa phương".

Ông Nguyễn Văn Sáng cho biết: "Nghệ nhân Cầm Vui rất đặc biệt. Nghệ nhân có thể sáng tác, nghiên cứu, sưu tầm, diễn xướng hầu hết các nét văn hoá đặc trưng của dân tộc Thái. Nghệ nhân rất hăng hái tích cực tham gia các hoạt động chung của huyện, đặc biệt là trong tuyên truyền xoá bỏ những hủ tục lạc hậu trong đồng bào. Thông qua việc hát cho bà con nghe, bà con rất là vui vẻ phấn khởi, dễ tác động đến nhận thức của bà con."

Ngôi nhà của nghệ nhân ưu tú Cầm Vui tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La hiện như một thư viện thu nhỏ, bởi xếp đầy những bài hát do chính ông dày công sáng tác, cùng nhiều cuốn sách chữ Thái cổ ghi lại nhiều phong tục tập quán, thơ ca, bài cúng, bài mo, lời răn dạy con người đang có nguy cơ mai một. Đó chính là tài sản quý giá ông Cầm Vui đã và đang dày công lưu giữ được cho con cháu mai sau. Ông thật xứng đáng là nghệ nhân của bản làng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu