Doanh nhân Sơn La đồng hành đưa nông sản vươn xa

Lê Hạnh
Chia sẻ
(VOV5) - Hiện Sơn La là địa phương có diện tích cây ăn quả lớn thứ hai của Việt Nam; cùng một số loại nông sản có diện tích, sản lượng, giá trị xuất khẩu lớn nhất khu vực Tây Bắc và Trung du Bắc Bộ

Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Đoàn Hùng:

Là địa phương có diện tích phát triển cây ăn quả, nông sản lớn của cả nước, những năm gần đây, sản phẩm nông sản Sơn La từng bước chinh phục nhiều thị trường trong nước và quốc tế. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị, nâng tầm thương hiệu, đưa nông sản Sơn La vươn xa.
Doanh nhân Sơn La đồng hành đưa nông sản vươn xa - ảnh 1Sơn La là vựa cây ăn quả lớn thứ hai cả nước; một số loại nông sản có diện tích, sản lượng, giá trị xuất khẩu lớn nhất khu vực Tây Bắc và vùng Trung du miền núi Bắc bộ. Ảnh: VOV

Gần 20 năm qua, bà Nguyễn Bích Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Trường Mai, huyện Mai Sơn, đã đồng hành với bà con nông dân, Hợp tác xã của tỉnh Sơn La, đưa nhiều mặt hàng nông sản tiêu thụ ổn định trong nước và xuất khẩu sang thị trường các nước như Trung Quốc, Australia, Mỹ.

Hàng năm, công ty liên kết với các Hợp tác xã, nông dân ở 12 huyện, thành phố trong tỉnh thu mua và tiêu thụ hàng trăm nghìn tấn ngô, sắn; hàng nghìn tấn trái cây. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, công ty vẫn đồng hành, giúp nông dân Sơn La tiêu thụ nông sản. Trong năm 2021, hơn 3.000 tấn xoài, gần 500 tấn long nhãn được công ty sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu.

Bà Nguyễn Bích Ngọc, Giám đốc Công ty, chia sẻ: "Chúng tôi đã cố gắng để phát huy tối đa năng lực sẵn, có sự chuẩn bị về thị trường, nhân lực, trực tiếp hỗ trợ bà con nông dân. Ví dụ vụ nhãn 2021, thị trường trong nước hầu như đóng băng, nhưng vì có chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh, doanh nghiệp đã cùng bà con nông dân đưa sản phẩm nhãn quả đưa vào chế biến những sản phẩm long nhãn; xuất sang thị trường sang Australia gần 50 tấn xoài; đưa tất cả sản phẩm lên sàn thương mại điện tử..."

Là doanh nhân tâm huyết với việc nâng cao giá trị cho cây cà phê – nông sản thế mạnh của Sơn La, ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc Hợp tác xã Cà phê Bích Thao Sơn La, đã đưa giống mới vào sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến, liên kết với 800 nông hộ xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu cà phê, phục vụ sản xuất đa dạng sản phẩm từ cà phê nhân, cà phê thóc, cà phê bột nguyên chất, trà quả cà phê...

Ông Thao chia sẻ ngay từ khi thành lập năm 2017, Hợp tác xã đã định hướng cho nông dân sản xuất cà phê hữu cơ, đảm bảo quy trình, tiêu chuẩn, tạo nên những sản phẩm chất lượng cao, cà phê đặc sản, tiêu thụ rộng khắp tại thị trường nội địa và các nước Châu Âu, Đức, Anh, Mỹ; góp phần xây dựng thương hiệu, đem lại giá trị cao cho người trồng cà phê ở Sơn La.

Ông Nguyễn Xuân Thao cho biết: "Tôi thành lập Hợp tác xã để gây dựng thương hiệu cho cây cà phê Sơn La. Hợp tác xã đón đầu sử dụng công nghệ được các nhà khoa học chuyển giao, và đầu tư một số dây chuyền sản xuất hàng hoá bằng nhà máy, nhà kính để đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường khó tính, được thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao; mang lại giá trị cho người trồng và đơn vị xuất khẩu.

Doanh nhân Sơn La đồng hành đưa nông sản vươn xa - ảnh 2Các doanh nghiệp ở Sơn La đầu tư hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm nông sản. Ảnh: VOV

Hiện Sơn La là địa phương có diện tích cây ăn quả lớn thứ hai của Việt Nam; cùng một số loại nông sản có diện tích, sản lượng, giá trị xuất khẩu lớn nhất khu vực Tây Bắc và vùng Trung du miền núi Bắc bộ; có 17 sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường 21 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới... Trong những kết quả tích cực ấy, có sự góp sức không nhỏ của cộng đồng các doanh nhân, doanh nghiệp, Hợp tác xã đã đồng hành với tỉnh Sơn La trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xây dựng, nâng tầm thương hiệu nông sản.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sơn La, cho biết: "Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã bám sát chủ trương của tỉnh, trong đó có tham gia các dự án đầu tư vào sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản; góp phần cùng với ngành nông nghiệp và các hộ nông dân thúc đẩy phát triển nông nghiệp của tỉnh Sơn La, đặc biệt là phát triển cây ăn quả theo chuỗi. Tới đây, chúng tôi có kế hoạch cụ thể thực hiện chương trình kết nối nông sản cùng các Hợp tác xã, xây dựng chuỗi liên kết của các hộ nông dân – Hợp tác xã - doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu."

Ghi nhận vai trò, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản của tỉnh nhà, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho rằng: "Trong một chuỗi sản xuất, nếu không có Hợp tác xã, doanh nghiệp, thì người sản xuất chỉ sản xuất để tiêu thụ theo một thị trường mua bán bình thường. Các Hợp tác xã, doanh nghiệp đã trở thành “đầu tàu” để dẫn dắt trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Và từ những doanh nghiệp này sẽ tạo ra chuỗi sản xuất bền vững, đưa công nghệ hiện đại vào để chế biến, sau chế biến, tạo ra những sản phẩm tốt nhất."

Là địa phương được định hướng trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc, tỉnh Sơn La đang tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi để mời gọi các tập đoàn, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp; góp sức, đồng hành cùng địa phương trong việc xây dựng, khẳng định thương hiệu, hình ảnh nông sản Sơn La cũng như vùng Tây Bắc trên bản đồ nông sản Việt Nam và thế giới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu