Cùng với tiếng nói, chữ viết, trang phục là một trong những chi tiết quan trọng đầu tiên để nhận biết và phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác. Cũng như nhiều dân tộc sống ở vùng cao Tây Bắc, trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mông nói chung và phụ nữ Mông trắng nói riêng không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa, mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng tộc người.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đến với Hà Giang, mảnh đất biên cương nơi địa đầu Tổ quốc, tận mắt nhìn ngắm những cô gái Mông trong những bộ trang phục rực rỡ sắc màu, mới thấy hết được nét tinh tế được thể hiện trên từng đường thêu, mũi chỉ tạo nên những hoa văn, họa tiết tinh xảo. Đó là cả một quá trình cần mẫn trong lao động và trí tưởng tượng phong phú của phụ nữ Mông. Tất cả tạo nên bản sắc riêng mà vẫn mang đậm văn hóa của người Mông ở Hà Giang.
Trang phục của phụ nữ Mông ở Hà Giang chia làm 4 nhóm: Mông trắng, Mông hoa xanh, Mông hoa đỏ và Mông đen. Trang phục của người phụ nữ dân tộc Mông luôn rất sặc sỡ. Trong đó nổi bật nhất vẫn là các loại áo váy của phụ nữ Mông trắng với váy màu trắng được xếp thành ly khi bước đi tạo nhịp điệu xúng xính, đung đưa, kết hợp với những đồ trang sức như vòng cổ, hoa tai, càng làm cho hình ảnh cô gái Mông trắng thêm đằm thắm.
Những phụ nữ, những em bé Mông với quần áo sặc sỡ như những bông hoa di động, du khách mới hiểu hết được sự đa dạng sắc màu trong trang phục của người Mông. |
Những bộ trang phục của dân tộc Mông được những người phụ nữ làm ra bằng chính đôi bàn tay khéo léo của mình,. Nét đặc sắc trên trang phục của dân tộc Mông chính là từ chất liệu vải lanh. Theo truyền thống, Trồng lanh dệt vải lanh, may áo lanh, thêu dệt thổ cẩm, vẽ sáp nhuộm hoa văn…đã trở thành nghề truyền thống của người con gái Mông. Cây lanh trồng khoảng 2 tháng được cắt thu hoạch, phơi khô, tước lấy cỏ, sau đó cho vào cối giã, bện thành dây. Sau công đoạn này, các đoan dây được trụ đá tròn lăn trên phiến đá cho đến khi tạo thành sợi lanh nhỏ, mịn, bắt ánh sáng để bắt đầu cho cả quá trình đòi hỏi kỹ thuật dệt may và thêu thùa thành phẩm.
Theo quan niệm xa xưa, vải lanh có ý nghĩa tâm linh với người Mông trong ý nghĩa sâu xa, sợi chỉ lanh được coi là sợi chỉ dẫn linh hồn người chết đến với tổ tiên, nên những tấm vải lanh, đến các bộ trang phục truyền thống thường xuất hiện trong các nghi lễ, lễ hội truyền thống của người Mông. Ông Vàng A Súa, nhà nghiên cứu văn hóa dân tọc Mông, cho biết: Dân tộc Mông còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống với các lễ hội nghệ thuật múa khèn cobf môn thể thao dân gian đẩy gậy, đua ngựa, bắn nỏ…Trong đó còn lưu giữ được nhiều truyền thống như nghề đan lát , nghề rèn, đặc biệt là nghề dệt vải lanh, nghề dệt thổ cẩm
Theo truyền thống, ngay từ nhỏ các em gái người Mông đã được các bà, các mẹ, các chi dạy may vá thêu thùa, để khi lớn lên các cô gái Mông có thể tự may các bộ trang phục làm của hồi môn khi đi lấy chồng. Sùng Thị Mại, 23 tuổi dân tộc Mông ở huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang cho biết: Đối với phụ nữ Mông nói chung, trang phục chính là của cải.
Vẻ đẹp của phụ nữ Mông trong trang phục truyền thống. |
Em làm từ năm 12 tuổi, đến khi 18 tuổi em mời biết dệt, nối sợi và làm các công đoạn đơn giản. Đối với con gái phụ nữ Mông việc tự may bộ áo váy truyền thong là rất quan trọng.
Chiếc váy của người phụ nữ dân tộc Mông không chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất, mà còn đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ. Váy được trang trí đẹp còn là thước đo tài năng của người phụ nữ Mông. Vẻ đẹp của váy là một tác phẩm văn hóa vừa gắn chặt nhu cầu của đời thường với nhu cầu thẩm mỹ. Các hoa văn, họa tiết trên trang phục của người Mông thiên về màu sắc.
Đó là sự phối kết hợp giữa các màu nóng, tạo cảm giác nổi bật, ấn tượng. Không quá chú trọng đến họa tiết, hoa văn trên váy áo của người Mông là sự phối màu cũng như đan xen, thay đổi chất liệu bằng các mảng trơn (ghép vải), mảng nổi (thêu) hay các chi tiết khiến cho nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông thật độc đáo và khác biệt so với một số các dân tộc khác. Về mặt kỹ thuật, mỹ thuật trong các khâu dệt vải và tạo hoa văn trên vải hay các sản phẩm từ vải, người Mông đã biết vận dụng nhiều kỹ năng, kỹ xảo một cách thuần thục như dệt, thêu, ghép và vẽ trên vải.
Mỗi phương pháp đều có những đặc điểm kỹ thuật riêng mà họ đã biết tận dụng những ưu điểm để bổ sung cho nhau, tạo thành một giao hưởng hoàn chỉnh cho nghệ thuật tạo hình trên sản phẩm dệt. Mỗi loại trang phục đều mang vẻ đẹp độc đáo và riêng biệt, qua đó thể hiện sự đa dạng trong văn hóa của mỗi nhóm Mông trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Sự kết hợp hài hòa khéo léo trong bộ trang phục của người Mông đã tạo nên cho họ một sắc thái khỏe khoắn bền bỉ làm bừng lên sức sống mãnh liệt của những con người nơi núi rừng hoang vu.