Rực rỡ sắc mầu trong trang phục truyền thống phụ nữ tỉnh Sơn La

Thu Hằng
Chia sẻ
(VOV5) - Ai đã lên Tây Bắc không khỏi ngẩn ngơ trước dánh hình những cô gái Thái trong trang phục truyền thống với áo Cóm, váy đen và chiếc khăn Piêu được ví như loài hoa ban xinh đẹp trong truyền thuyết xưa. 

Tỉnh Sơn La hiện có 18 dân tộc anh em sinh sống, mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán khác nhau, theo đó, trang phục cũng có những độc đáo riêng với những màu sắc đường nét hoa văn đặc trưng. Với hầu hết đồng bào vùng dân tộc Sơn la, trang phục truyền thống là một trong những thành tố cấu tạo nên tổng thể văn hóa. Trang phục vừa là dấu hiệu ban đầu để nhận biết, vừa là một vốn tri thức dân gian quý giá phản ánh trình độ kinh tế, xã hội, và mang dấu ấn lịch sử thời đại của cả một tộc người.

Rực rỡ sắc mầu trong trang phục truyền thống phụ nữ tỉnh Sơn La - ảnh 1Nét đẹp của trang phục phụ nữ dân tộc Thái là chiếc áo cóm, váy đen và chiếc khăn Piêu - Ảnh:  VnExpress

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Ai đã lên Tây Bắc không khỏi ngẩn ngơ trước dánh hình những cô gái Thái trong trang phục truyền thống với áo Cóm, váy đen và chiếc khăn Piêu được ví như loài hoa ban xinh đẹp trong truyền thuyết xưa. Ngay từ nhỏ, người con gái Thái được các bà các mẹ dạy cách thắt dải Yêu, một loại thắt lưng bằng vải để lớn lên các cô đều có thân hình thắt đáy lưng ong. Chính vì vậy phụ nữ Thái ở lứa tuổi nào cũng có một cơ thể cân đối hài hòa và càng nổi bật hơn khi mặc bộ trang phục của dân tộc mình. Để có  bộ trang phục hút hồn như vậy, người phụ nữ Thái đã phải khéo léo kết hợp từng chi tiết, bên cạnh đó màu sắc, kiểu dáng hoa văn hay đồ trang sức cũng hết sức đa dạng, phù hợp đặc trưng cho hai ngành Thái Trắng và Thái Đen. Chị Lò Thị Yến, dân tộc Thái, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, chia sẻ: “Chính nét truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc trên bộ trang phục truyền thống của người Thái nên vào mỗi dịp lễ, tết hay lễ hội của người dân tộc Thái, chúng tôi lại cùng nhau mặc những bộ truyền thống của mình. Với dân tộc Thái, với người con gái Thái, điểm tự hào nhất chính là chiếc áo Cóm và chiếc váy. Đặc biệt, điểm nhấn không thể thiếu được đi liền với bộ quần áo chính là chiếc khăn Piêu. Em luôn tự hào vì mình là người con của dân tộc Thái”.

Đến Tây Bắc vào những ngày đầu tháng 3 hàng năm, du khách có thể thấy cả trời Tây bắc nguyên sơ nhưng đầy sắc màu thông qua những bộ trang phục của các dân tộc vùng cao nơi đây. So với một số dân tộc khác, trang phục phụ nữ Mường không rực rỡ nhưng trang nhã, sâu sắc, thể hiện tính cách của người phụ nữ Mường chân thành, trầm lắng và hết sức tinh tế. Trang phục gồm khăn đội đầu bằng vải trắng hình chữ nhật. Trang phục phụ nữ Mường ở Sơn La có hai màu sắc cổ truyền là nâu và trắng. Áo pắn (áo ngắn) có cánh thân ngắn đến chấm eo lưng, xẻ ngực, ống tay dài. Bên trong là loại áo báng (yếm) cùng với đầu váy nổi lên giữa hai vạt áo ngắn. Điểm nhấn của bộ trang phục nằm ở đầu váy và cạp váy. Khi mặc, mảng hoa văn nổi lên giữa trung tâm cơ thể. Đặc biệt, phần cạp váy thể hiện sự tinh tế, khéo léo, sâu sắc của người dệt. Đi đôi với váy là bộ sà tích bằng bạc được móc vào tênh từ bên hông đeo vòng về phía trước (bộ sà tích chỉ đeo trong dịp lễ hội). Đặc biệt trong bộ trang phục của phụ nữ Mường, chiếc khăn màu trắng đội đầu. Người Mường quan niệm màu trắng như một sự tinh khiết, thanh cao, là bầu trời, một cõi cực lạc và thoát tục nên phụ nữ Mường đội đầu bằng chiếc khăn màu trắng để thể hiện lòng kính trọng và tôn vinh. Chị Bùi Thị Thùy Dương, dân tộc Mường, huyện Phù Yên, chia sẻ: “Trang phục của dân tộc Mường ban đầu nhìn rất đơn giản, mầu sắc cũng đơn giản nhưng khi được mặc lên người phụ nữ lại tôn lên vẻ đẹp thanh thoát vẻ đẹp trong chẻo của người phụ nữ dân tộc Mường. Khi mặc bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình trên người em cũng muốn giới thiệu đến mọi người biết về bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.

Rực rỡ sắc mầu trong trang phục truyền thống phụ nữ tỉnh Sơn La - ảnh 2Trang phục đồng bào Mông ở Sơn La - Ảnh: Báo Sơn La

Với 18 dân tộc anh em sinh sống tại tỉnh Sơn La, người Mông chính là một phần của sự thống nhất trong số đại đoàn kết dân tộc, góp phần làm phong phú cho nền văn hóa các dân tộc Sơn La. Nét riêng trong trong phục của dân tộc Mông đó là trang phục bắt mắt, màu sắc sặc sỡ, hoa văn trang trí đặc trưng. Trang phục phụ nữ Mông gồm áo xẻ ngực, váy, thắt lưng và xà cạp. Áo cổ đằng trước xẻ chữ V, hai ông tay áo được thêu hoa văn là những đường ngang với đủ mầu sắc. Đây là nơi hoa văn nhiều nhất làm nổi bật chiếc áo của người Mông. Váy của phụ nữ mông là loại váy màu với thiết kế xòa rộng mềm mại như một cánh hoa. Trên nền chiếc váy tràm, có hình hoa văn được thêu, in với mà sắc ấn tượng.

Cũng giống một vài dân tộc thiểu số khác, trang phục truyền thống của người Khơ Mú mang những nét ảnh hưởng của người Thái, bao gồm khăn Piêu, áo Cóm đen, dải eo, váy bằng vải đen. Nhưng một vài nét khác biệt có thể bắt gặp ở trang phục của dân tộc này là cách quấn khăn của người Khơ Mú. Hoa văn trên váy người Khơ Mú cũng thể hiện tính sáng tạo, độc đáo với những tạo hình của mặt trời, mặt trăng, hươu, nai, chim công, gà lôi, các loại hoa thược dược, hoa phong lan… Trang phục người Khơ Mú vì thế mang âm hưởng khỏe khoắn của núi rừng Tây Bắc.

Nhấn mạnh ý nghĩa của bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc được ví như là căn cước, là văn hóa của tộc người, ông Phạm Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La, nhấn mạnh: “Trang phục truyền thống của các dân tộc là di sản văn hóa tồn tại từ nhiều đời, là thông điệp của quá khứ để lại cho ngày nay. Việc giữ gìn và bảo tồn trang phục truyền thống là vô cùng quan trọng và cần thiết. Trang phục dân tộc sẽ còn đồng hành với con người lâu dài và trở thành một tổng thể không thể thiếu trong đời sống xã hội”.

Có thể nói, trong việc hoàn thiện bộ trang phục truyền thống, mỗi dân tộc đều có tiêu chí riêng về cái đẹp với việc bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của người dân tộc. Mỗi họa tiết, hoa văn là một câu chuyện về thế giới quan và thể hiện những khát vọng cao đẹp của từng dân tộc. Chính điều đó đã góp phần làm phong phú thêm những sắc màu văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc nói chung và của tỉnh Sơn La nói riêng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu