Từ xa xưa, đồng bào Thái ở Sơn La đã có cách tính lịch rất riêng. Lịch này được bà con sử dụng trong tất cả mọi việc của đời sống thường ngày như tang lễ, cưới xin, dựng nhà, lên nhà mới, sản xuất gieo trồng ....
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Lịch của đồng bào Thái căn cứ vào sự thay đổi của mặt trăng, mỗi chu kỳ thay đổi của mặt trăng là 1 tháng. Tiếng Thái gọi tháng là "bươn" trùng với tên gọi mặt trăng, tức là một tháng có nghĩa là một trăng. Đồng bào Thái tính một năm có 12 tháng như dương lịch, nhưng chênh với lịch dương- lịch âm chung của đồng bào Kinh 6 tháng. Trong các tác phẩm văn học cổ, ca dao của người Thái cũng dùng tháng để chỉ khí hậu thời tiết, chẳng hạn: "Tháng giêng mưa rả rích, tháng hai nơi mưa nơi không, tháng ba nước đầy bến, tháng tư nước rỉ phai, tháng năm mưa giã từ bông lau, tháng sáu sấm suông lạnh cóng, tháng bảy gió cuộn gió lùa.... Bà con dựa vào thiên nhiên là biết được mùa vụ để gieo trồng cho hợp lý.
Ông Lò Văn Chung, ở phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, người nghiên cứu về lịch của đồng bào Thái, cho biết: "Ngày xưa bà con thường nhìn vào quả trong rừng chín thì gieo trồng cho kịp thời vụ, như quả “ hay” chín thì xuống mạ, quả “ hả” chín thì xuống cấy. Nhưng trong các bản của đồng bào Thái vẫn có người có cuốn sổ xem ngày, bà con thường tìm đến xem ngày lành, tháng tốt.
Nội dung trong lịch Thái, Sơn La. Ảnh: VOV |
Ngoài tính lịch theo tuần trăng, ở mỗi bản hoặc mỗi vùng đều có những người có sổ sách và biết tính toán, gọi là “ ông mo” hoặc “ po mự” để bà con xem ngày lành, tháng tốt. Cuốn sách cổ này bà con gọi là “ sổ chong bàng” (Sổ tử vi). Trong văn học dân tộc Thái có câu ca dao về trăng tròn, trăng khuyết. Theo đó, ngày đầu tháng là: Căm nưng bươn phặc, xong căm pên phắc mak kham, xam căm bươn hiếng (Nghĩa là: Mồng một trăng ấp, mồng hai như trái me non, mồng ba trăng nghiêng). Đến giữa tháng: Xíp hả môn chộc, xíp hốc môn chẹn, xíp chết kin pết mết tô (Nghĩa là: Mười rằm tròn lòng cối, mười sáu tròn trịa, mười bảy ăn vịt hết con mới mọc) hoặc: Xíp hả bươn tốc, Xíp hốc bươn háng (Nghĩa là: Mười lăm trăng lặn, mười sáu trăng treo.
Nói về lịch của đồng bào Thái, ông Lò Xương Hặc 95 tuổi ở xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, cho biết: "Tháng của người Thái với tháng âm lịch khác nhau. Bà con đồng bào Thái thường nhìn vào mặt trăng trên trời mà đoán ngày, tháng trong năm. Người có kinh nghiệm thì năm nào sẽ mưa nhiều, gió nhiều thì người ta nhìn vào cây cối, con kiến làm tổ thấp thì sẽ gió nhiều, con kiến làm tổ cao thì sẽ ít có gió bão."
Trong cách tính lịch của mình, đồng bào Thái sử dụng 10 can, 12 Chi, tương đương trong hệ đếm Can Chi. Nhận thấy sự cần thiết của việc bảo tồn, phát huy giá trị của lịch Thái, năm 2005, ông Cà Chung, nguyên cán bộ người dân tộc Thái thuộc Sở Khoa học-công nghệ tỉnh Sơn La đã đề xuất và thực hiện thành công đề tài: Nghiên cứu, biên soạn và tin học hoá lịch Thái ở Sơn La. Theo đó, ông đã xây dựng thành công chương trình lịch Thái cho máy tính, có thể tra cứu từng ngày từ năm 1800 đến năm 2199 (400 năm) giữa dương lịch, âm lịch và lịch Thái.
Ông Cà Văn Chung cho biết thêm: "Về lịch Thái đã cho vào máy tính rồi, hội Văn học dân gian Việt Nam cũng đã in thành quyển. Lịch cứ tính theo từng năm, rồi tính năm kế tiếp cho đến 400 năm, lưu để trong máy tính. Mình không có kinh phí để in, có các cơ quan như Hội Văn học dân gian Việt Nam in ra cuốn lịch 7 tập, đến 400 năm. Tôi mong sẽ có nhiều người biết đến lịch này."
Với cách tính riêng có, lịch Thái cũng góp phần làm kho tàng văn hóa dân gian của đồng bào Thái thêm phong phú, đặc sắc, rất cần phải được bảo tồn và phát triển.