Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III vừa diễn ra tại Lai Châu với sự tham gia của 11 đoàn nghệ nhân, diễn viên, vận động viên. Với chủ để "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển.
Nghe âm thanh PV tại đây:
Giã bánh giầy là nét đẹp văn hóa của dân tộc Mông tại Lai Châu. |
Phóng viên: Thưa ông, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III tại Lai Châu có chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển", ông chia sẻ một chút về chủ đề này với thính giả VOV?
Ông Lương Chiến Công: Ý nghĩa về chủ đề Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại Lai Châu năm 2021 là "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển". Nội dung này là thể hiện sự tôn vinh văn hóa của một dân tộc giàu truyền thống, nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Mông trong nền văn hóa của Việt Nam thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc. Qua đây cũng nhằm động viên, khuyến khích đồng bào dân tộc Mông tích cực thực hiện tốt các hoạt động bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc mình.
Phóng viên: Ông cho biết quy mô Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần này và qua ngày hội Lai Châu muốn gửi gắm thông điệp gì tới người dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế?
Ông Lương Chiến Công: Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III tại tỉnh Lai Châu năm 2021 quy tụ trên 400 diễn viên, nghệ nhân, cũng như là vận động viên quần chúng là người dân tộc Mông của 11 tỉnh có người Mông cư trú trên phạm vi cả nước. Đó là Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Điện Biên, Thanh Hóa và Đắc Lăk. Qua ngày hội này thì Lai Châu cũng muốn gửi gắm thông điệp là: Lai Châu luôn chào đón bạn bè và du khách muôn phương. Các dân tộc của Lai Châu luôn kề vai, sát cánh cùng các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam, cùng nhau phát triển kinh tế, giữ gìn chủ quyền biên giới quốc gia; xây dựng Lai Châu cũng như là đất nước Việt Nam của chúng ta ngày càng giàu đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong ước.
Phóng viên: Thưa ông, Lai Châu hiện nay có 20 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm đa số. Vậy địa phương có định hướng như thế nào trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông nói riêng cũng như là văn hóa của các dân tộc nói chung để phục vụ cho việc phát triển du lịch?
Ông Lương Chiến Công: Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định 4 chương trình trọng điểm; trong đó có chương trình “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch”. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành cũng như là các huyện, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04, ngày 17/2/2021 về “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030”.
Đồng thời, Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án về “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch”. Trong thời gian tới đây thì chúng tôi cũng sẽ tập trung tham mưu cho UBND tỉnh, chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng như Đề án của UBND tỉnh. Qua đó sẽ góp phần phấn đấu thực hiện hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Phóng viên: Vâng, cám ơn ông đã dành thời gian trả lới VOV để thính giả hiểu rõ hơn về Ngày hội cũng như Lai Châu!