Đồng bào dân tộc Mông sinh sống tập trung ở miền núi vùng cao thuộc các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lai Châu, Điện biên, Sơn La, Cao Bằng và một số tỉnh Tây Nguyên. Giống như nhiều dân tộc thiểu số khác, với đồng bào Mông, con người từ khi sinh ra đến khi nhắm mắt về với tổ tiên phải trải qua nhiều nghi lễ, trong đó có nghi lễ đặt tên cho trẻ khi mới được sinh ra. Lễ đặt tên của người Mông thể hiện quan niệm tư tưởng và văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời cũng là tiêu chí để phân biệt người này với người kia và để xưng hô giao tiếp trong cuộc sống sau này của đứa trẻ. Bởi vậy nghi lễ đặt tên cho trẻ có ý nghĩa rất quan trọng.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo như ông Hùng Đại Kỳ, Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Hà Giang, sau khi vợ chồng nào đó sinh con, bất kể con đầu lòng hay con thứ bắt buộc phải làm lễ đặt tên cho đứa trẻ. Khi đã chọn được ngày, giờ, và mời những thành viên có liên quan trong gia đình dòng họ đến đông đủ, lễ đặt tên mới chính thức được tổ chức tại gia đình, nơi có đứa trẻ ra đời: "Lễ đó do ông, chú trực tiếp trong dòng họ làm lễ 3 buổi sáng, làm mâm cơm có con gà, quả trứng rồi báo cáo với tổ tiên ông bà làm lễ đặt tên, gia đình có thêm thành viên và xin cho con cháu có được tên trong gia đinh đã lựa chọn".
Thông thường lễ đặt tên được bắt đầu từ sáng sớm tinh mơ với việc cúng trình báo ma nhà. Lễ vật để làm lễ đặt tên tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình và sinh con đầu lòng hay con thứ. Nếu là con đầu lòng mà gia đình có điều kiện thì chuẩn bị con lợn khoảng 30-40kg và gà, đồng thời mời nhà bên ngoại đến để chứng kiến.
Em bé dân tộc Mông. Ảnh báo Dantocmiennui.vn |
Ông Giàng Seo Gà, nguyên Giám đốc Trung tâm văn hóa thể thao tuyền thông thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai, cho biết: "Khi làm lễ đặt tên thì chuẩn bị 1 con lợn, 1 đôi gà trống và mái để gọi hồn, báo cáo tổ tiên về chứng kiến lễ đặt tên cho đứa trẻ. Người ta sẽ lấy giấy bản ra là đốt vào khu buồng mà em bé được sinh ra đó để thông báo cho hồn ma nhận ra em bé báo cáo tổ tiên để ghi nhận em bé có mặt trên đời và có tên gọi, cầu mong em bé được tổ tiên ghi nhận và phù hộ cho."
Lễ đặt tên của đồng bào Mông như trên là cách thông thường nhất của người Mông nói chung. Còn lễ đặt tên cho con cái, nhất là con đầu lòng ở 1 số nhóm Mông khác thì có sự khác biệt đôi chút. Chẳng hạn như người Mông ở vùng Vân Hồ, tỉnh Sơn La, khi làm lễ đặt tên cho con đầu lòng phải mời thày cúng về gọi hồn vía.
Ông Tráng Á Lứ ở bản Hua tạt, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, chia sẻ: "Lễ đặt tên đầu tiên cho con đầu tiên bố mẹ đặt tên cho con là gì, sau đó mời thày cúng về để làm lễ. Lễ gồm 1 con gà mái để gọi thông báo với tổ tiên là gia đình có 1 nhân sự mới. 1 đôi gà 1 mái 1 trống đứng ở trước cửa để hứa với tổ tiên thần trời rằng ông trời đã cho gia đình người con thì xin thần trời cho người mẹ nhiều sữa để nuôi dưỡng đứa trẻ. Khi đó thì có dàn trống chiêng đánh trống dưới cửa nữa. Nếu gia đình có điều kiện thì làm lễ với con lợn 20kg. Sau đó thì mỗi năm lại làm lễ sinh nhật 1 lần."
Cúng trình báo ma nhà. Ảnh baoquocte.vn |
Sau khi cúng lễ vật sống thì các con vật được làm thịt, khi thịt chín thì lại bày lên mâm để đặt lên bàn thờ tổ tiên để cúng 1 lần nữa. Ông Gà kể: "Khi đồ chín bày lên mâm khấn tổ tiên 1 lần nữa rồi sau đó mới bày thức ăn, mời bên ngoài đến chứng kiến. Ngày xưa khi gia đình có con gái gả đi, sau khi con gái sinh con thì thường nhờ bên nhà ngoại chăm sóc và trông nom dạy dỗ… thì ông cậu sẽ có 2 đồng bạc trắng, bà ngoài ông ngoại, mỗi người 2 đồng, bà cô có thể là 5 đồng…và những người được mời đến dự lễ đặt tên thì cũng mang theo trang phục cho em bé và cái địu, tã lót cho em bé. Mọi người cũng có thể mang theo đồ ăn thức uống đến để đóng góp cho buổi lễ."
Với đồng bào Mông, lễ đặt tên là mốc đầu tiên đánh dấu sự tồn tại của một đời người. Đây cũng là một trong những nét độc đáo trong kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc Mông. Nét văn hóa truyền thống đặc sắc này vẫn đang được công đồng người Mông ở Việt Nam bảo tồn, gìn giữ.