Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc xây dựng cơ sở dữ liệu kiều bào đang nổi lên như một giải pháp then chốt, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc kết nối và phát huy sức mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Dự án này không chỉ đáp ứng nhu cầu về quản lý Nhà nước mà còn hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho đất nước, góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa người Việt năm châu với quê hương trong kỷ nguyên số.
Bà con kiều bào tham gia sự kiện "Giải pháp thực hiện hiệu quả việc xây dựng nguồn dữ liệu người Việt Nam ở nước ngoài trong thời đại số và hội nhập quốc tế hiện nay”. |
Nghe âm thanh tại đây:
Trong giai đoạn hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Theo thống kê mới nhất, hiện có khoảng 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là một nguồn lực to lớn về trí tuệ, kinh nghiệm và tiềm lực kinh tế cho quê hương.
Ông Lê Văn Thu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu |
Tuy nhiên, việc quản lý và kết nối với cộng đồng kiều bào còn nhiều khó khăn do thiếu một hệ thống dữ liệu thống nhất và cập nhật. Ông Lê Văn Thu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Việc cập nhật lưu trữ các dữ liệu kiều bào còn mang tính thủ công truyền thống. Thông tin, dữ liệu chưa đầy đủ, chưa thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị. Hiện, chưa có đề án nào ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cập nhật cũng như khai thác, sử dụng dữ liệu kiều bào người dân thành phố Hồ Chí Minh đang cư trú ở nước ngoài”.
Chính vì vậy, việc xây dựng một cơ sở dữ liệu kiều bào hiện đại, đầy đủ và chính xác đã trở thành một mục tiêu cấp thiết. Tại Hội nghị "Điểm hẹn kiều bào" được tổ chức đầu tháng 8 tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia và đại diện kiều bào đã thảo luận sôi nổi về vấn đề này.
Ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, nhấn mạnh tính cần thiết của việc xây dựng nguồn dữ liệu người Việt Nam ở nước ngoài trong thời đại kỹ thuật số và hội nhập quốc tế: “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hết sức đa dạng, phong phú. Việc có cơ sở dữ liệu tương đối đầy đủ về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có ý nghĩa rất lớn trên nhiều phương diện. Dữ liệu về người Việt Nam ở nước ngoài có rất nhiều các dữ liệu liên quan đến cá nhân. Vì vậy, chắc chắn phải có được sự nhất trí, đồng hành của bà con, chúng ta làm sao lan tỏa thông tin đến bà con cộng đồng. Bà con cộng đồng hiểu rằng việc có được một cơ sở dữ liệu là một việc làm để cộng đồng biết được ai đang ở đâu, làm gì, có thể cùng hỗ trợ, chia sẻ nhau, cùng xây dựng một cộng đồng mạnh".
Cơ sở dữ liệu kiều bào hoàn chỉnh sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Đầu tiên, hệ thống sẽ cung cấp thông tin chính xác và kịp thời cho công tác quản lý Nhà nước, hỗ trợ việc hoạch định chính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng kiều bào. Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào trong các thủ tục hành chính, như: xuất nhập cảnh, hồi hương, xác nhận gốc Việt Nam. Thứ ba, hệ thống này sẽ là cầu nối quan trọng giúp kết nối giao thương, thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho kiều bào đóng góp cho quê hương.
Bà Trần Thị Chang, Chủ tịch Hội hữu nghị Malaysia - Việt Nam, phát biểu trực tuyến. |
Bà Trần Thị Chang, Chủ tịch Hội hữu nghị Malaysia - Việt Nam, chia sẻ về tình hình cộng đồng người Việt Nam tại đây: "Cộng đồng người Việt tại Malaysia rất đa dạng, từ sinh viên, lao động phổ thông, cô dâu, du học sinh, nhân viên văn phòng, trí thức đến các gia đình định cư lâu dài. Tôi rất tâm đắc với ý tưởng và mục đích xây dựng cơ sở dữ liệu cho kiều bào Việt Nam. Đây sẽ là sợi dây gắn kết, giúp bà con kiều bào gần gũi và học hỏi kinh nghiệm từ nhau nhiều hơn. Tuy việc xây dựng cơ sở dữ liệu có thể gặp khó khăn do liên quan đến thông tin cá nhân, nhưng với tư cách là người đứng đầu các tổ chức ở Malaysia, chúng tôi sẵn sàng vận động những người tâm huyết và có nhiều đóng góp cho quê hương tham gia, để chương trình này thành công tốt đẹp".
Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở dữ liệu này cũng đối mặt với không ít thách thức. Ông Trần Thắng, đại diện kiều bào Mỹ, nhấn mạnh sự cần thiết của sự đồng thuận trong cộng đồng kiều bào để thực hiện nhiệm vụ này một cách hiệu quả: "Tôi nghĩ thu thập dữ liệu một nhóm trí thức, nhóm chuyên gia để từ đó họ có thể hỗ trợ cho Việt Nam là cách thu thập dữ liệu hữu hiệu, thực tế hơn".
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh. |
Để giải quyết những thách thức này, bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: "Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh xin trân trọng cảm ơn các ý kiến của các lãnh đạo, quý vị kiều bào. Ủy ban cũng ghi nhận và sẽ xem xét để làm sao nghiên cứu cho phù hợp hơn. Trong đó liên quan trực tiếp tới dữ liệu thì thông tin dữ liệu của bà con kiều bào cần có sự đồng thuận của bà con kiều bào khi thực hiện. Chúng ta thực hiện việc thu thập dữ liệu này nhằm huy động được nguồn lực kiều bào ở tất cả các lĩnh vực". Bà Vũ Thị Huỳnh Mai cũng cho biết Ủy ban sẽ tham mưu cho lãnh đạo Thành phố về việc phân quyền và giới hạn trong việc tiếp cận thông tin.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu kiều bào là một bước tiến quan trọng trong công tác quản lý và phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong thời đại số. Cơ sở dữ liệu kiều bào sẽ là cầu nối vững chắc, giúp kiều bào luôn cảm thấy được kết nối với quê hương, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Đây không chỉ là công cụ quản lý mà còn là nền tảng để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.